Tự ý truyền dịch khi bị sốt xuất huyết nguy hiểm thế nào?

06:40 | 05/08/2017;
Chỉ trong một tuần, tại Hà Nội đã có thêm 2.300 bệnh nhân bị SXH, trung bình mỗi ngày có 328 người mắc mới. Tuy nhiên, khị bị SXH, nhiều người đã tự ý truyền dịch, đây là điều nguy hiểm vì có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

Những ngày gần đây, số người nhập viện do sốt xuất huyết (SXH) tại Hà Nội không có dấu hiệu giảm mà còn tăng với tốc độ chóng mặt.

Bác sĩ Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai) cho biết, trung bình mỗi ngày có khoảng 100 bệnh nhân đến khám vì SXH. Đặc biệt, có ngày số người đến khám tăng đột biến lên 200 người. Do quá đông bệnh nhân SXH, những trường hợp nhẹ, bác sĩ tư vấn và cho điều trị ngoại trú, còn những trường hợp nặng mới cho nhập viện. Trong khi đó, số giường bệnh có hạn nên xảy ra tình trạng 2-3 bệnh nhân/giường bệnh.

Còn tại Khoa Nội Nhi tổng hợp (BV E Trung ương) khoa hiện có 42 bệnh nhân điều trị nội trú SXH. Trong đó, có một bệnh nhân nhi (7 tuổi, ở Đồng Xa, Cầu Giấy, Hà Nội) mắc SXH nặng có biểu hiện sốc kèm theo tiểu cầu và bạch cầu đều giảm thấp, huyết áp dao động. Cá biệt, có đêm khoa tiếp nhận đến 6 bệnh nhân cùng bị SXH nặng.

Bệnh nhi bị SXH đang được gia đình chăm sóc

Trong khi đó, BV Thanh Nhàn là nơi tiếp nhận rất đông các bệnh nhân ở quận Hoàng Mai và quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Trung bình, mỗi ngày có đến 300 bệnh nhân đến khám vì SXH. Hiện tại, BV cũng đang điều trị nội trú cho khoảng 500 bệnh nhân mắc SXH.

Theo Sở Y tế Hà Nội, tính đến thời điểm hiện tại, toàn thành phố đã có gần 9.000 người bị SXH. Trong đó, 4 trường hợp tử vong. Tính chung trên cả nước, hiện đã có hơn 60.000 người bị SXH, trong đó 19 trường hợp tử vong.

Không nên tự ý truyền dịch

Thực tế, nhiều người bị SXH thay vì đến viện để kiểm tra và được tư vấn của bác sĩ đã tự điều trị và truyền dịch tại nhà. 

Cách đây một tuần, BV Đống Đa (Hà Nội) tiếp nhận bệnh nhi N.T.K (13 tuổi, quận Đống Đa) bị SXH gặp biến chứng vì lạm dụng truyền dịch tại nhà. Các bác sĩ cho biết, bệnh nhân được chuyển đến BV trong tình trạng suy hô hấp, sốt cao li bì, người phù, mắt căng mọng. Qua xét nghiệm, siêu âm, bác sĩ phát hiện bệnh nhi bị tràn dịch màng phổi, màng tim mà nguyên nhân do gia đình đã tự truyền dịch tại nhà cho bệnh nhi.
Khi bị SXH, bệnh nhân chỉ truyền dịch nếu có chỉ định của bác sĩ

Theo các chuyên gia, SXH thường kéo dài từ 7 đến 10 ngày và chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu, khi bệnh nhân đang sốt cao, người mệt mỏi, nếu truyền dịch sẽ rất dễ bị sốc, lên cơn co giật.

Giai đoạn hai, bệnh nhân sẽ xuất hiện nhiều triệu chứng nguy hiểm như tụt huyết áp, đau bụng, chảy máu bất thường, tràn dịch màng phổi… Đây là giai đoạn tăng thấm, rất dễ bị thoát dịch qua màng bụng nên phải truyền dịch với tốc độ nhanh hơn tốc độ thấm ra ngoài của cơ thể, nhưng phải theo chỉ định và được bác sĩ theo dõi chặt chẽ.

Giai đoạn cuối là phục hồi, sẽ diễn ra quá trình tái hấp thu dịch. Việc truyền dịch trong giai đoạn này sẽ dẫn tới thừa dịch, gây biến chứng phù phổi.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới TƯ) cho biết, sau giai đoạn thoát dịch ở bệnh nhân SXH là giai đoạn tái hấp thu trở lại nên việc truyền dịch cần đảm bảo đúng liều lượng và hết sức thận trọng, nếu không dễ dẫn đến biến chứng suy tim, phù phổi cấp. Do đó, bệnh nhân không nên tự truyền dịch tại nhà”, bác sĩ Cấp nói.

Cũng theo bác sĩ Cấp, trong thời gian bị SXH, cơ thể sẽ mất nhiều nước. Nếu truyền dịch thì phải có chỉ định của bác sĩ, còn không bệnh nhân có thể bù nước bằng cách chế độ dinh dưỡng, ăn nhiều trái cây, uống nhiều nước và nghỉ ngơi hợp lý.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn