Những chiếc túi xách làm nhái theo các thương hiệu thời trang nổi tiếng hẳn đã không còn quá xa lạ với người tiêu dùng. Người ta lựa chọn sử dụng những chiếc túi giả với nhiều lý do khác nhau, có thể là vì khả năng kinh tế, vì nhu cầu sử dụng, hay đơn giản là họ không muốn chi quá nhiều tiền vào một món đồ nhỏ bé.
Vậy bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao thị trường sản xuất túi xách giả lại phát triển đến vậy chưa? Tâm lý của những người sử dụng loại hàng hoá này là gì? Cây bút người Trung Quốc Amy X. Wang đã trả lời câu hỏi bằng chính trải nghiệm của mình.
Thần thoại Hy Lạp kể rằng ngày xửa ngày xưa, người hùng Theseus đã giết chết con quái vật Minotaur và quay trở về thủ đô Athens trên một con tàu gỗ. Về sau, con tàu được bảo quản bởi các công dân Athens. Họ liên tục thay thế các tấm ván mục nát theo thời gian của chiếc thuyền bằng những thanh gỗ tươi, chắc chắn để đảm bảo nó có thể hoàn thành chuyến hành hương đến Delos mỗi năm nhằm ca ngợi người anh hùng của họ.
Câu chuyện này đã khiến các nhà triết học đặt ra rất nhiều câu hỏi: Sau khi con tàu của Theseus thay thế bởi những vật liệu mới, nó có còn là con tàu cũ không? Điều gì sẽ xảy ra nếu ai đó đóng một chiếc thuyền thứ hai từ những tấm ván cũ của chiếc thuyền đầu tiên? Có phải chúng ta sẽ có đến hai con tàu gốc? Và còn kỷ nguyên nhân bản do máy tạo ra của thời hiện đại thì sao - liệu sao chép có lấy đi linh hồn của sự sáng tạo không?
Cách đây không lâu, tôi thấy mình đang lang thang khắp Paris với một chiếc túi xách Celine giả đeo trên vai. Ở Pháp, một quốc gia tự hào là nơi sản sinh ra rất nhiều nhãn hiệu thời trang trên thế giới, các hình phạt dành cho tội làm hàng giả rất nghiêm khắc, tôi đã bất chấp nguy cơ đi tù 3 năm chỉ để mang chiếc túi xách giả của mình đi khắp nơi.
Nhưng nếu chỉ nhìn bên ngoài, chẳng ai có thể nhận ra đây là một chiếc túi giả. Giống như con tàu được làm lại bằng gỗ giống hệt nhau, chiếc túi trên tay tôi đã được chế tạo theo cùng một thiết kế, với những vật liệu có vẻ lấp lánh giống như "bản gốc". Thế nhưng nó vẫn bị xem là hàng giả.
Việc tôi lao vào thế giới của những chiếc ví giả - hay còn được biết đến phổ biến với cái tên "super fake" - có thể nói là sự mất trí nhất thời. Đó là vào đầu năm 2021, khi những tờ báo vẫn còn tràn đầy tiêu đề về đại dịch, tôi bất chợt nhìn chằm chằm vào một quảng cáo ở lề phải trang tin tức, nơi người mẫu Kaia Gerber ôm trong tay chiếc túi xách Celine Triomphe trị giá 2.200 USD (khoảng 51,6 triệu đồng).
Tôi vội đóng tắt trang tin tức đang đọc trong sự kinh hoàng. Lớn lên là thế hệ nhập cư đầu tiên, việc ăn một bữa tối tại Pizza Hut đối với tôi cũng đã là một sự tiêu xài hoang phí, vậy nên tôi từ chối trở thành kiểu người ham muốn những chiếc túi sang trọng. Tôi luôn hiểu rằng những món đồ tạo tác này không dành cho mình.
Mặc dù vậy, chỉ vài ngày sau đó, khi vẫn đang trong thời gian cách ly, tôi mở máy tính xách tay và tìm kiếm trên Google thông tin "mua túi Celine Triomphe giá rẻ". Điều này đã đưa tôi đến với một cộng đồng gồm những người đam mê hàng nhái, những người đã trao đổi thông tin chi tiết về "địa chỉ bán hàng nhái đáng tin cậy" có khả năng cung cấp một chiếc túi Chanel 2.55 hoặc Hermes Birkin với giá chỉ bằng 5% so với bản gốc.
Vậy những thứ hàng giả này đến từ đâu? Hàng giả vốn chẳng phải điều gì mới hoặc hiếm có, nhưng trong một thập kỷ gần đây, một loại túi nhái mới đã xuất hiện từ Trung Quốc với chất lượng tốt đến kinh ngạc, nó có thể lọt qua các cổng hải quan như cát lọt qua sàng. Như nhiều người mua bán hàng secondhand có thể chứng thực, chúng có khả năng đánh lừa ngay cả những con mắt tinh tường nhất.
"Đó là một vấn đề nghiêm trọng và phổ biến", Bob Barchiesi, Chủ tịch Liên minh chống hàng giả quốc tế, cho biết. Những thứ đã từng là "khôn vặt" nay lại nở rộ thành một thị trường khổng lồ. Vào năm 2016, một phụ nữ ở Virginia, Mỹ, đã bị kết án vì mua những chiếc túi hàng hiệu trị giá 400.000 USD (khoảng 9,3 tỷ đồng) từ các cửa hàng bách hóa, sau đó trả lại những chiếc túi nhái chất lượng cao và bán lại những chiếc túi thật để kiếm lời.
Trong đại dịch, hàng giả trở thành siêu tân binh. Một tổ hợp của những lý do gồm tình trạng khó khăn do cách ly, nhu cầu mua hàng theo sở thích và sự phát triển của nền tảng bán hàng online đã đưa sự cuồng nhiệt của những người dùng dành cho hàng nhái "super fake" lên một tầm cao mới. Đặc biệt, trước tình trạng lạm phát tràn lan ở thời điểm hiện tại, nhu cầu mua một chiếc túi trị giá 10.000 USD (khoảng 234 triệu đồng) với giá chỉ 100 USD (khoảng 2,3 triệu đồng) hầu như chẳng cần thúc đẩy thêm.
Tôi đã nhắn tin qua WeChat cho một người bán tự xưng là Linda và ngay lập tức cô ấy đã gửi cho tôi hình ảnh của một tá túi Triomphes mà cô ấy có bán. Chưa hết, người bán còn trấn an rằng tôi sẽ có thể xem ảnh thật trước khi hàng được giao. Một phiên bản "cao cấp" sẽ có giá 915 nhân dân tệ (khoảng 3 triệu đồng), câu hỏi duy nhất còn lại sẽ là: Tôi muốn mua màu nào?
Tôi do dự vài ngày, rồi nhắn tin cho cô ấy: Màu kem đi. Lúc đó là nửa đêm ở Trung Quốc nhưng Linda đã viết lại cho tôi trong vài giây: Chốt. Vậy là nó sẽ ở trước cửa nhà tôi trong khoảng 3 tuần nữa.
Gỡ rối vấn đề sao chép trong ngành thời trang cũng giống như cố quấn lại cuộn len rối. Các nhà thiết kế chi hàng tỷ đô la Mỹ để chống lại những trò lừa bịp nhưng ngay cả những chiếc túi Prada Cleos và Dior Book Totes thật cũng được làm bằng máy móc và khuôn mẫu - điều này đặt ra câu hỏi: Chính xác thì một chiếc túi đích thực có điểm gì là độc nhất? Liệu nó có phải chỉ là một câu hỏi đơn giản về việc ai sẽ là người chi tiền?
Trên thực tế, việc sao chép vốn dĩ đã tồn tại từ lâu trong lịch sử của ngành thời trang. Trước khi công nghiệp hoá, việc bắt chước là một trong những điều cần thiết để may quần áo: những người giàu có sẽ yêu cầu thợ may làm theo những kiểu dáng thịnh hành. Mãi cho đến khi việc sản xuất hàng loạt phát triển vào thế kỷ 19, những nhà thiết kế mới bắt đầu lo sợ về khả năng bị bắt chước.
Vào năm 1951, nhà văn người Mỹ Sally Iselin từng có bài viết về văn hoá mua sắm ở Paris. Cô quan sát thấy rằng trong khi sao chép là một từ "bẩn thỉu" trong giới thời trang cao cấp Pháp thì những những người thợ may lành nghề ở Rome (Ý) lại rất vui vẻ may cho cô những bộ váy tương tự với giá tiền rẻ hơn nhiều.
Tôi đã nói chuyện với Kelly, một người làm công việc buôn bán hàng giả. 5 năm trước, cô ấy vốn làm việc trong lĩnh vực bất động sản ở Thượng Hải (Trung Quốc) nhưng cô đã chán ngấy việc phải đi bộ đến văn phòng mỗi ngày. Giờ đây, cô làm việc tại nhà ở Quảng Châu, thường một tay thỏa thuận mua một chiếc Gucci Dionysus hoặc Fendi Baguette trên điện thoại, tay kia tranh thủ đút bữa trưa cho cô con gái 8 tuổi.
Dù việc xử lý những món túi xách sang trọng có vẻ cầu kỳ nhưng Kelly có thể dễ dàng cân bằng công việc và cuộc sống với nghề mới. Là một người bán hàng, cô dễ dàng kiếm được tới 30.000 nhân dân tệ (khoảng 101 triệu đồng) mỗi tháng.
Tại Quảng Châu, các chuyên gia đã xác định được hai lý do chính đằng sau tốc độ sản xuất nhanh như chớp: sự tinh vi trong công nghệ sản xuất túi và bản thân người sản xuất túi.
Chuỗi cung ứng các sản phẩm hàng nhái thường rời rạc và khó theo dõi. Luật sư sở hữu trí tuệ Harley Lewin từng nói: "Có hàng loạt các khâu khác nhau như tài chính, thiết kế, sản xuất và không một khâu nào liên quan đến nhau. Vì vậy, nếu bạn phá vỡ một khâu, khả năng cao họ có thể thay thế nó ngay sau 10 phút".
Thật vậy, dù bán mọi kiểu dáng của túi xách Louis Vuitton, Kelly chỉ trực tiếp kiểm tra túi trong một số lần hiếm hoi. Những người bán thường không dự trữ hàng tồn kho và cũng không hiểu quá nhiều về cách thức các khối hoạt động. Thay vào đó, họ chỉ có thể thông qua một liên lạc viên để biết rằng những mặt hàng nào đang có sẵn: "Các nhà máy thậm chí còn không cho chúng tôi biết được họ ở đâu".
Theo Lewin, người đã quan sát các nhà máy từ bên trong, quá trình sản xuất đơn giản là sự kết hợp giữa kỹ thuật thủ công lành nghề và nguyên liệu thô chất lượng cao. Một số nhà sản xuất "super fake" đến Ý để tìm nguồn cung ứng từ các thị trường da có chất lượng giống như các thương hiệu; những người khác mua những chiếc túi thật để kiểm tra từng đường may.
Những người chịu trách nhiệm xác minh nguồn gốc chiếc túi luôn cảnh báo về mặt hàng "super fake" trên thị trường. Tại RealReal, nơi những chiếc túi được trải qua các vòng kiểm tra kỹ lưỡng, bao gồm chụp X-quang và đo phông chữ với mức độ chính xác đến từ milimet, đôi khi cũng không thể phát hiện một món đồ giả vì nó quá hoàn hảo.
Một trong số những người làm nghề xác minh mà tôi đã nói chuyện cho biết đôi khi việc phát hiện một chiếc túi giả không hề dễ dàng. Anh ấy nói với tôi rằng hàng giả "đang trở nên quá tốt, thậm chí chính xác đến từng hình khắc bên trong và số mũi chỉ".
Anh ấy và các đồng nghiệp từng đưa ra giả thuyết về nguồn gốc của những chiếc túi giả siêu thật: "Chúng tôi nghi ngờ có thể ai đó làm việc tại Chanel hoặc Hermès đã mang về nhà những món đồ da thật".
Sau nhiều tuần theo dõi trong lo lắng, Triomphe Celine của tôi cuối cùng đã thành hiện thực. Chiếc hộp đã bị móp méo nhẹ, tôi xé tấm giấy lụa để lấy ra thứ huy hoàng đó. Bằng mắt thường, chẳng thể phát hiện nổi đâu là thật đâu là giả, tôi đếm từng mũi khâu, đo từng kích thước. Bên dưới bàn tay của tôi, da có cảm giác hơi cứng, khá kém sang trọng so với phiên bản mà tôi đã yêu thích, nhưng đó cũng đủ để tôi mang trên vai đi khắp nơi.
Một đám mây cảm xúc kỳ lạ, phức tạp nhấn chìm tôi bất cứ nơi nào tôi mang theo chiếc túi. Tôi đã liên hệ với nhiều người bán hơn và mua nhiều bản sao hơn với hy vọng sẽ loại bỏ được cảm giác này. Tôi đã mang chiếc Triomphe tới những bữa tiệc tràn ngập những người nổi tiếng ở Manhattan và nhận về sự tự mãn vượt trội.
Trong khi tủ quần áo có thể tiết lộ điều gì đó về tính cách và cảm xúc của người đeo, thì một chiếc túi xách sang trọng như một cái chậu rỗng, không thể hiện chút cá tính nào. Thay vào đó, nó truyền đạt những ý tưởng khó hiểu nhất định: tiền bạc, địa vị, khả năng di chuyển khắp thế giới. Vì vậy, nếu bạn tin rằng thời trang vốn dĩ là công cụ của sự giả tạo, thì những chiếc túi xách "super fake" lại là thứ thẳng thắn và trung thực nhất với mục đích của nó.
Tôi đã từng hỏi nhà văn Judith Thurman, một người hiểu biết sâu sắc thời trang, về lý do tại sao nhiều người lại khao khát túi xách đắt tiền đến vậy? Cô ấy đáp: "Có một cảm giác mơ hồ khi bạn mặc một thứ gì đó quý giá lên người và cảm thấy bản thân cũng trở nên quý giá hơn. Trong thời đại con người bất an đến khó tin này, việc choàng lên vai một món đồ giá trị sẽ khiến bạn cảm thấy đặc biệt hơn so với việc chỉ mặc món đồ rẻ tiền 24,99 USD (hơn 500 nghìn đồng)".
Việc một thương hiệu nổi tiếng kiếm được nhiều tiền chỉ nhờ vào một sản phẩm hàng loạt là nguyên nhân khiến nhiều người tiêu dùng trẻ lựa chọn đồ giả. Đối với họ, những món hàng "super fake" không phải là vụ bê bối phi đạo đức, mà là một "bí mật công khai" hay "sự dân chủ hoá của thời trang".
Đối mặt với sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn, những thứ đắt tiền không còn là "mốt" nữa. Ngay cả nữ diễn viên Jane Birkin, người đã tạo cảm hứng cho dòng túi nổi tiếng của Hermès, cũng từng nhún vai trước những chiếc túi giả: "Thật tuyệt khi mọi người đều có một chiếc hoặc muốn có một chiếc túi. Nếu mọi người mua đồ thật, tốt thôi. Còn nếu họ đi sao chép, điều đó cũng tốt. Tôi thực sự không nghĩ nó quan trọng".
Vậy tôi có phải là một kẻ hợm hĩnh, bắt chước? Tôi đã bị thu hút bởi những chiếc túi hàng hiệu trị giá hàng nghìn USD vì chúng khó nắm bắt và không có sẵn nhưng giờ đây, khi chúng đã nằm trong tầm với của tôi thông qua hàng nhái, tôi không còn thực sự muốn chúng nữa. Đến một lúc nào đó, tôi chợt nhận ra việc theo đuổi chúng trở nên vô giá trị một cách kỳ lạ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn