Một bà mẹ ở Trung Quốc mới đây chia sẻ trên một diễn đàn dành cho phụ huynh: "Tôi không nhớ đây là lần thứ bao nhiêu mình "điên tiết" mắng con. Hôm đó, con trai đang học online trong phòng, tôi mở cửa bước vào thì thấy con hốt hoảng đóng một tab game trên máy tính. Tôi quát: "Sao con mê game thế? Cô giáo nói gì trong lớp con hiểu chưa? Có ghi bài không?...".
Tôi chưa kịp nói xong thì đã bị con đẩy ra khỏi phòng, không khỏi tức giận đứng ngoài cửa mắng thêm vài câu. Cuối cùng, đứa trẻ còn giận dữ hơn cả tôi, nó hét lên: "Con có làm gì mẹ cũng không hài lòng đúng không?". Ánh mắt thờ ơ và thái độ chối bỏ của con khiến tôi rùng mình. Tôi không hiểu tại sao đứa trẻ lại phản ứng như thế khi tôi chỉ phê phán vài câu? Tại sao tôi trả nhiều tiền cho nó học đủ thứ mà con vẫn coi tôi như "kẻ thù"?", bà mẹ đau khổ than thở.
Rất nhiều ý kiến đã được đưa ra, người đồng cảm, người khuyên răn. Trong đó, ý kiến của một phụ huynh khác thu hút sự chú ý. Chị nói rằng, bản thân mình cũng từng rơi vào trường hợp như thế. Nhưng sau đó, may mắn chị đã nhận ra, mắng mỏ và không kiềm chế cảm xúc chẳng mang lại tác dụng gì cả, thậm chí còn đẩy cha mẹ - con cái xa cách nhau hơn.
Cha mẹ trách móc, chỉ trích con cái thường trên cơ sở tâm lý "con là con của cha mẹ, cha mẹ có mắng mỏ thế nào cũng là vì lợi ích của con". Trong tiềm thức, chúng ta coi đây là một biểu hiện của tình yêu. Nhưng con cái thì khác, tình cảm của chúng thường do thái độ của cha mẹ quyết định. Những lời chỉ trích, đòn roi, phủ nhận và tấn công vào nhân cách sẽ làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ, khiến trẻ không chịu nghe lời và tiếp tục tiếp diễn hành vi xấu.
Trên thực tế, mọi lời nói gây tổn thương sẽ không trở thành động lực mà hủy hoại phẩm giá và sự tự tin của trẻ, liên tục nhắc nhở trẻ rằng mình tồi tệ như thế nào. Suy cho cùng, chính những cách phê bình khác nhau của cha mẹ đã tạo nên những xu hướng sống khác nhau của con cái.
Trong trường hợp nói trên, bà mẹ này sau đó đã áp dụng quy tắc 8/2 và thu được kết quả ngoài mong đợi.
Cha mẹ muốn con mình nhận thức được vấn đề và sửa chữa kịp thời, có thể áp dụng "quy tắc thứ 8/2" này.
1. Hai phần sự thật, tám phần đồng cảm
Một nhà giáo dục từng chia sẻ một kinh nghiệm của chính mình.
Con trai anh chạy xe đạp đâm vào một đứa trẻ, tuy chỉ là vết thương ngoài da và không có vấn đề gì nghiêm trọng nhưng vẫn tiêu tốn khá nhiều tiền khám và chi phí y tế. Cậu con trai không dám về nhà vì sợ hãi. Ông bố không vội chỉ trích, ngược lại thông cảm cho con trước: "Cha rất hiểu tâm trạng hiện tại của con, cha biết con không cố ý. Nhưng con phải nói sự thật mọi việc cho gia đình và cẩn thận hơn nhé". Sau đó, ông giúp con sửa chiếc xe đạp. Thấy cha thông cảm, cậu con trai bắt đầu ngẫm lại lỗi lầm của mình: "Nếu mình đi chậm hơn, mình có thể tránh được tai nạn này".
Lúc này người cha mới bắt đầu nói cho con đủ thứ kiến thức về an toàn giao thông, lần này cậu bé rất chăm chú lắng nghe. Trong nhiều trường hợp tương tự cũng như vậy, không phải trẻ không nghe lời mà chúng ta cần cho trẻ sự đồng cảm nhiều hơn trước khi lý luận.
2. Hai phần phê bình, tám phần khen ngợi
Một cô con gái vì dành hết thời gian chăm chút ngoại hình nên thường xuyên bỏ bê học hành, người mẹ nhìn thấy rất lo lắng. Một ngày nọ, thấy con mất hơn nửa giờ để mặc quần áo, chị nói với con: "Con đến trường mỗi ngày đều xinh đẹp, như vậy tâm trạng của con trong lớp sẽ được cải thiện".
Cô con gái nghe vậy rất vui, người mẹ nói tiếp: "Nếu con có thể hoàn thành bài tập về nhà thật hoàn chỉnh mỗi ngày thì càng tốt. Mẹ tin rằng điều này sẽ không thành vấn đề với con phải không?". Kể từ ngày đó, cô bé rõ ràng đã rất chăm chỉ học hành.
Phương pháp được người mẹ này sử dụng là "hiệu ứng bánh mì" tâm lý : Đầu tiên là đánh giá cao, khẳng định và quan tâm đến điểm mạnh của nhau, sau đó đưa ra những góp ý, phê bình hoặc quan điểm khác biệt, cuối cùng là tin tưởng, ủng hộ và giúp đỡ. Khi đưa ra ý kiến dựa trên sự khen ngợi, trẻ sẽ cảm thấy đối phương có thiện chí và sẵn sàng tiếp thu những lời chỉ trích, sửa chữa khuyết điểm của mình.
3. Hai phần gợi ý, tám phần chia sẻ
Chuyên viên tư vấn gia đình nọ từng chia sẻ: Một phụ huynh vô tình phát hiện ra có rất nhiều "bức thư tình" được giấu trong túi quần của con trai mình. Đứa trẻ mới học lớp 5, đương nhiên cha mẹ rất sốc. Nhưng may mắn, người bố này không "vạch trần" hay la mắng con trai. Thay vào đó, anh chọn thời điểm mà cả hai bố con đều rất thoải mái và chia sẻ kinh nghiệm về tình yêu học trò với con trai mình.
Anh nói rằng bố đã yêu một cô gái khi còn rất nhỏ, nhưng vì lúc đó không có khả năng nên anh ấy đã âm thầm giữ tình cảm này trong lòng. Mãi cho đến khi trúng tuyển vào một trường đại học tốt, có dự định cho tương lai, có trách nhiệm với cô gái ấy, bố mới bắt đầu ngỏ lời yêu, kết hôn và sinh con. Từ đầu đến cuối, người cha không nhắc đến một chữ nào về bức thư tình mà khéo léo cho con vài lời khuyên nên xử lý như thế nào. Sau ngày thứ hai, những bức thư tình đó thực sự không xuất hiện nữa.
Trẻ rất khó tiếp thu những mệnh lệnh hoặc gợi ý thẳng thừng, nên những câu chuyện có thể hướng dẫn chúng tốt hơn và chỉ cho con cái đi đúng hướng.
Trong quá trình trưởng thành của trẻ, không thể tránh khỏi những lúc mắc sai lầm, cư xử khiến cha mẹ không vừa ý. Điều chúng ta làm không phải là dùng mọi ngôn từ cay nghiệt để bắt trẻ nhận lỗi mà phải để trẻ học cách suy nghĩ.
Cốt lõi của những lời phê bình nên là hướng dẫn và khuyến khích, để trẻ "ngẩng cao đầu" thay vì "cúi đầu". Muốn con cái hiểu đúng lỗi lầm của mình thì trước tiên chúng ta phải bỏ đi những định kiến, phán xét mà nhìn nhận và chấp nhận con cái.
Chỉ khi một đứa trẻ được tắm trong tình yêu và sự chấp nhận mới có thể tạo ra sức mạnh và lòng can đảm vô hạn, lớn lên thành một đứa trẻ đầy triển vọng và tử tế.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn