Từng chật vật chọn trường cho con vào lớp 1, bà mẹ rút ra 3 kinh nghiệm đáng giá

21:31 | 30/04/2023;
"Hồi đó mình đọc nhiều đến nỗi tẩu hỏa nhập ma, cuối cùng chẳng biết chọn trường nào trong mớ thông tin nhiều vô kể cả xấu cả tốt ấy, cứ đứng giữa ngã ba đường", chị Liên chia sẻ.

Khi con sắp vào lớp 1, nhiều phụ huynh trăn trở với câu hỏi cho con học trường công hay trường tư, làm thế nào để chọn trường tốt, phù hợp tài chính gia đình... Là bà mẹ 2 con, chị Nguyễn Thị Hồng Liên (Hà Nội) cũng có lúc hoang mang như thế lúc Nhím (con đầu) vào lớp 1.

"Hồi đó mình lo lắng lắm, đọc không biết bao nhiêu diễn đàn, group, facebook của các trường để tìm hiểu chọn trường cho con. Mình đọc nhiều đến nỗi "tẩu hỏa nhập ma", cuối cùng chẳng biết chọn trường nào trong mớ thông tin nhiều vô kể cả xấu cả tốt ấy, cứ đứng giữa ngã ba đường. Cũng may có bố Nhím, một người luôn tỉnh táo và sáng suốt nên đã hướng dẫn cho mình việc chọn trường phù hợp cho con", chị Liên chia sẻ.

Theo chị Liên (ảnh dưới), tìm trường cho con vào lớp 1 có 2 việc cần làm, đó là: đưa ra định hướng của gia đình trong việc giáo dục con và rèn con để con có thể muốn vào đâu là vào đó.

Từng tìm thông tin đến "tẩu hỏa nhập ma" để chọn trường cho con vào lớp 1, bà mẹ rút ra 3 kinh nghiệm đáng giá - Ảnh 1.

Tìm trường như thế nào ở tuổi tiểu học?

Ban đầu, muốn con giỏi, con học trường mà mọi người ham thích một chút, thi vào khó một chút nên chị Liên chọn 1 trường chất lượng cao để con thi vào. Chị rèn cho Nhím rất kỹ từ tiếng Anh, làm các quyển rèn IQ, tập phỏng vấn, tập kỹ năng tự phục vụ. 

Nhím thi được Á khoa và đương nhiên là được nhận vào trường. Nhưng chồng chị Liên hồi đó lại cản vợ và chọn cho con vào một trường công gần nhà, thậm chí trong rất nhiều trường công, đây là trường "làng nhàng" nhất. Bất đắc dĩ nghe theo nhưng cuối cùng, chị thấy chồng mình thực sự đúng đắn. 

Chồng chị Liên nói, chọn trường cho con cần dựa vào các yếu tố:

Thứ nhất là định hướng lâu dài con đường mình thực sự muốn con trở thành người như thế nào, thì sẽ định hướng luôn trường cấp 1, 2, 3 cho con cho phù hợp. Bố Nhím không ủng hộ việc học miệt mài từ nhỏ bởi sẽ làm giảm trải nghiệm mở rộng với cuộc sống. Con cần nhiều thứ để có thể tồn tại trong cuộc sống này và cấp 1 cần tạo cho con sự hứng thú với việc học để lấy đà cho cấp 2 và chuyên sâu ở cấp 3.

Thứ 2 là phải nhìn sức của bản thân mình, nhìn sức con mình: ví dụ sức học, năng lực tiếp thu, kỹ năng đang có, đặc biệt là sức khỏe của con để mà chọn trường. Con chị Liên rất yếu, ốm liên tục nên sức khỏe là quan trọng nhất, chọn trường gần nhà, cho con có thêm thời gian chơi thể thao, chạy nhảy ngoài trời.

Thứ 3 là phải tuân thủ nguyên tắc giáo dục trẻ từ bé đến lớn, không được làm ngược. Nguyên tắc hồi đó chồng chị Liên đưa ra là: Cấp 1 chú trọng sức khỏe, biết cộng trừ nhân chia, biết đọc, biết tự phục vụ bản thân và biết xử lý các công việc mang tính thử thách trong cuộc sống; tiếng Anh phải giỏi là rất quan trọng, phải cho khám phá nhiều. Cấp 2 là phải chú trọng một số môn học chuyên, cấp 3 là hướng nghiệp và cho vào đời qua công việc thực tế. 

Như vậy quy trình học tập với một bạn thể lực yếu, trí tuệ bình thường như Nhím và năng lực trung bình như bố mẹ Nhím là: Tiểu học ưu tiên thể chất; Tiếng Anh; tự phục vụ; hình thành nếp tự học; không học thêm môn học Toán và Văn, chỉ học tiếng Anh và kỹ năng. Cấp 2: Tập trung một số môn học mà con có năng khiếu. Cấp 3: Hướng nghiệp.

Một lưu ý cho các bố mẹ, đó là nếu mà chúng ta đi ngược lại quy trình học, cấp 1 bắt học quá nhiều thì lên cấp 2 và 3 về tâm lý các con bị quá sức, về sức khỏe thì yếu, lại bị dồn nén lâu ngày học với cường độ cao và nhồi nhét khiến con chán học. Đó là lý do các bạn từ lớp 8-9 đổ đi thì không thể học được nữa. Bậc tiểu học, các con cần có thời gian vừa học vừa nghĩ để hình thành tư duy. Việc đi học thêm rồi ngồi nghĩ một lúc rồi lại nhờ cô giải giúp làm mất đi năng lực tự học của trẻ.

Những năm đầu "làng nhàng", cuối cấp 1, đầu cấp 2 bứt phá

Vậy là từ quan điểm này của chồng, chị Liên tìm một trường gần nhà, cô giáo yêu thương học sinh và có kinh nghiệm một chút, cô dễ thông cảm với phụ huynh. Học gần nên Nhím tự đi bộ về nhà, về nhà tự cắm cơm cho mẹ, rồi đi chơi với các bạn dưới khu chung cư, một tuần đăng ký 3 buổi CLB thể thao cho Nhím, 2 buổi học Tiếng Anh. 

Muốn củng cố việc học của con nên chị Liên tự mình cứ lấy những bài đã học trên lớp cho con làm lại 1-2 lần nữa cho chắc và đảm bảo con hiểu và hình thành kỹ năng học. Sức khỏe của con dần cải thiện, năng lực học cũng tốt dần lên. Con thì không bao giờ là học sinh xuất sắc hồi cấp 1, cứ trung bình ở lớp, thời gian nghỉ ốm của con nhiều hơn đi học. 

Nhưng đến năm lớp 5, 6, 7, tự nhiên con vượt lên cả về thể chất, lực học và nhận thức. Lớp 5 con thi Toefl primary cũng được vào vòng 3, nhận giải khuyến khích thành phố; giải bạc liên hoan âm nhạc Khu vực Châu Á, hạng mục Piano; huy chương vàng tranh biện của World scholar's cup, nhiều giải bóng rổ khác. 

Hiện tại Nhím đang học lớp 11, ngoài tiếng Anh con ko học thêm môn học nào ở cấp THCS trở xuống, lực học thì lúc giỏi lúc khá và con đạt IELTS 7.0 năm lớp 9 và con được nhận quyền ưu tiên vào 1 số trường cấp 3. Ngoài ra, Nhím đang học song song 1 chương trình Việt Nam và 1 chương trình Mỹ theo diện home school thêm nữa. Con vẫn học tốt cả 2 chương trình.

Đến hết cấp THCS, con vẫn dành thời gian cho thể thao là nhiều nhất, tuần con đi học bóng rổ 3 buổi, 2 buổi ở lại trường tập, mỗi ngày con tập 1-2 tiếng đều đặn, chỉ có 2 buổi dành cho học thêm tiếng Anh. Mỗi tối con học và đọc sách 2 tiếng liên tục. Bài tập ở lớp, con tranh thủ cuối giờ ở lại làm luôn nên không phải đem về nhà học, về nhà là con học chương trình online và tiếng Anh. Nhím có thể lo hết việc nhà, trông các em, có thể dẫn một đoàn học sinh 5-7 bạn đi Mỹ, Úc, Nhật.

Lên cấp 3 thì con đang học thêm Toán, SAT và IETLS, lịch học của con có căng hơn hồi THCS nhưng con cũng có sức để học.

"Tiêu chí chọn trường cấp 1 của nhà mình là giáo viên yêu thương học sinh, ưu tiên gần nhà, cơ sở vật chất, ăn uống tốt thì càng tốt, có chương trình phát triển thể lực nhiều thì càng hay, và có thể dạy con tự lập được thì tuyệt nữa. Không cần phải quá ham hố học thật khó, tối về cày đến 9-10 giờ tối chưa xong bài", chị Liên chia sẻ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn