Niềng răng bắt đầu phổ biến ở châu Á khoảng thời điểm đầu năm 2010. Xu hướng niềng răng nở rộ ở Thái Lan rồi bắt đầu lan ra ở một số quốc gia như Indonesia và Trung Quốc. Thậm chí niềng răng còn trở thành xu hướng thời trang của thanh thiếu niên.
Trong khi đó ở các nước phương Tây, niềng răng đôi khi còn bị kỳ thị và trở thành một phép ẩn dụ về sự vụng về tuổi vị thành niên.
Tuy nhiên, ở các quốc gia châu Á kể trên, niềng răng có thể ngầm được coi là dấu hiệu của sự giàu có, địa vị và phong cách. Lý do khá đơn giản - niềng răng chỉnh nha chính hãng và hoạt động chăm sóc răng miệng khá đắt đỏ.
Vào thời điểm năm 2012, việc niềng răng có thể sẽ tốn khoảng 1200 đô la Mỹ (28 triệu đồng). Do đó chỉ những đứa trẻ sinh ra trong gia đình khá giả mới có khả năng đeo niềng từ sớm.
Khi không đủ tài chính để “lắp đặt” những bộ niềng thật, giới trẻ Đông Nam Á bắt đầu đổ xô tìm đến bộ niềng răng giả dạng phụ kiện thời trang, với đủ các màu sắc phong cách, nhưng giá tiền thì chỉ rơi vào khoảng 100 đô la Mỹ (khoảng 2,3 triệu đồng) một chiếc. Xu hướng này được ghi nhận lần đầu ở Thái Lan vào năm 2006.
Năm 2012, những đứa trẻ có thể mua niềng răng giả tại các quầy hàng ngoài trời, các khu chợ địa phương hay thông qua các nhà bán lẻ trực tuyến. Niềng răng giả không chỉ có nhiều loại màu sắc mà còn đi theo chủ đề hoạt hình, từ chuột Mickey đến mèo Hello Kitty. Trẻ em có thể tự đeo mà không cần đến sự trợ giúp của nha sĩ.
Niềng răng giả thu hút giới trẻ vì đa dạng kiểu dáng, màu sắc
Mục đích chính của các loại niềng răng này là phục vụ mục đích thời trang chứ không có tác dụng chỉnh nha. Ở Indonesia, niềng răng thời trang, được gọi là kawat gigi untuk gaya hoặc behel, và cũng chỉ tốn 100 đô la Mỹ (hơn 2,3 triệu đồng). Nếu trẻ em không thích các loại niềng răng giả có sẵn, chúng thậm chí có thể mua thêm các phụ kiện để tự gắn vào niềng răng.
Niềng răng trở nên đầy mê hoặc một phần là nhờ sự “lăng xê” nhiệt tình của các nhóm ca sĩ nhạc pop Thái Lan như Earn the Star và Andika Kangen.
Đặc biệt là cùng năm 2012, Katy Perry còn cho ra mắt video âm nhạc là Last Friday Night. Trong đó, cô đóng vai một nhân vật đeo niềng răng “sáng bóng” và cùng bạn bè “quẩy” hết mình trong các bữa tiệc. Chính nữ ca sĩ cũng góp phần thổi bùng cơn sốt “ngậm một miếng kim loại” tại châu Á.
Thực tế là ngay cả niềng răng chính hãng, nếu không được chăm sóc cẩn thận, cũng tiềm ẩn rủi ro về sức khỏe răng miệng, ví dụ vôi hóa, viêm nướu, nhưng rủi ro sức khỏe của niềng răng thời trang còn nghiêm trọng hơn rất nhiều.
Người ta ghi nhận răng giả có liên quan đến cái chết của ít nhất hai thanh thiếu niên Thái Lan. Một thanh niên 17 tuổi ở thành phố Khon Kaen bị nhiễm trùng tuyến giáp do niềng răng giả, căn bệnh nhanh chóng tiến triển thành suy tim và rồi gây tử vong. Một bé gái 14 tuổi cũng tử vong vì dùng những chiếc “nẹp răng” mua tại một gian hàng bán đồ bất hợp pháp.
Dây trên một số niềng răng giả có thể chứa chì và các mắc cài kim loại có thể gây lở loét trên nướu và bên trong miệng. Thêm vào đó, không có sự giám sát của người có chuyên môn thì tai nạn hoàn toàn là điều có thể xảy ra.
Chính phủ Thái Lan hiện đã cấm hoàn toàn việc nhập khẩu, sản xuất và bán các loại niềng răng thời trang. Bán niềng răng giả hiện có thể bị phạt tới 6 tháng tù giam và bị phạt khoảng 1300 đô la Mỹ (khoảng 30 triệu đồng). Đối với những người nhập khẩu và sản xuất niềng răng giả, hình phạt có thể lên đến 1 năm tù.
Tại Indonesia, các bộ niềng răng thời trang vẫn hợp pháp, và xu hướng này không chỉ được lòng lứa tuổi thanh thiếu niên mà một số người lớn vẫn mua chúng. Niềng răng đang ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam, nhưng may mắn là xu hướng “chơi” niềng răng thời trang không tồn tại.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn