Tiểu Vũ là một nam sinh ở Trung Quốc. Năm cấp 1 và cấp 2, cậu rất ham chơi, lười học. Nam sinh này bị mất gốc kiến thức nhiều môn, thậm chí không thuộc nổi những phương trình Hóa học, công thức Toán cơ bản trong sách giáo khoa. Một lần giáo viên kiểm tra bài cũ, Tiểu Vũ là học sinh duy nhất không giải được bài tập. Điều này khiến cậu bị các bạn cười chê. Sau đó, cô giáo đã nhờ một học sinh nữ học tốt trong lớp giảng bài thêm cho Tiểu Vũ sau mỗi giờ học.
Tiểu Vũ nhớ như in cảm giác tủi thân, xấu hổ đó. Đến khi lên cấp 3, nam sinh này quyết tâm sẽ nghiêm túc học tập và đặt mục tiêu phải trúng tuyển vào Đại học Thanh Hoa - ngôi trường top đầu Trung Quốc và châu Á. Cuối cùng, cậu đã thực hiện được mục tiêu của mình.
Từ những trải nghiệm của bản thân, Tiểu Vũ đã chia sẻ lại kế hoạch học tập của bản thân. Theo đó, có 2 điều mà nam sinh này luôn nghiêm túc thực hiện.
Một trong những phương pháp học tập mà Tiểu Vũ áp dụng đó là học bản chất vấn đề, không học vẹt. Cậu nhận ra nếu chỉ học thuộc lòng mà không hiểu sâu, hiểu thật sự thì sẽ nhanh chóng quên, không mang lại lợi ích.
Vì thế, Tiểu Vũ tự tư duy vấn đề theo cách hiểu của riêng mình. Cậu nghiên cứu kiến thức trong sách giáo khoa, sách tham khảo rồi gấp lại, tự viết những điều đã học ra một cuốn vở riêng. Cậu cố gắng diễn đạt theo cách đơn giản nhưng đảm bảo mạch lạc, đúng trọng tâm. Đôi khi, Tiểu Vũ cũng sáng tạo ra những cách giải bài tập mới hay lối viết luận riêng. Cậu thấy rằng chỉ khi tự mình viết, tự mình làm mới thật sự hiểu bản chất.
Tiểu Vũ hăng say, miệt mài tự học. Ngay cả những môn học nghệ thuật, thể chất, cậu cũng dành thời gian tìm hiểu để nâng cao kỹ năng cho bản thân.
Ngoài học trong sách giáo khoa, Tiểu Vũ dành nhiều thời gian đến thư viện hoặc các tiệm sách cũ để tìm đọc các cuốn sách tham khảo. Nhờ đó, cậu được mở mang kiến thức, có cơ hội đối chiếu, so sánh những quan điểm, ý kiến khác nhau của các chuyên gia về cùng một vấn đề.
Tuy nhiên, việc có vô vàn đầu sách khiến Tiểu Vũ hoang mang. Cậu tốn khá nhiều thời gian mới chọn lựa được những cuốn sách chất lượng và phù hợp nhất. Khi đọc sách, Tiểu Vũ sẽ ghi chép kiến thức trọng tâm ra một cuốn sổ tay. Đối với phần nào chưa hiểu rõ, cậu sẽ hỏi lại thầy cô giáo hoặc tra cứu thêm thông tin trên Internet.
Nhờ cách học này đã giúp Tiểu Vũ tiến bộ rõ rệt sau một thời gian ngắn. Cậu nhận được nhiều lời khen ngợi từ các giáo viên bộ môn. Trong quá trình học cũng giúp Tiểu Vũ nắm được 3 điều để dẫn đến thành công:
- Hiểu rõ khả năng của bản thân: Tiểu Vũ so sánh sự tiến bộ thông qua những bài kiểm tra. Ở những bài kiểm tra sau, điểm số của nam sinh cải thiện rõ rệt. Điều này khiến cậu vui mừng, cảm thấy mọi nỗ lực được đền đáp. Tiểu Vũ hiểu rõ mình đang nắm được những kiến thức gì, ở vị trí nào trong lớp, thiếu sót điều gì và luôn cố gắng phấn đấu nhiều hơn nữa.
- Phát hiện ra khuyết điểm của bản thân và tìm cách khắc phục: Qua quá trình học tập kết hợp với làm các bài kiểm tra giúp Tiểu Vũ phát hiện những thiếu sót. Cậu coi mỗi kỳ thi là sân chơi thử nghiệm. Ở đó, cậu sẽ nỗ lực hết khả năng để đạt điểm tốt. Nhưng khi không may bị điểm kém, cậu sẽ nghiêm túc nhìn lại lỗi sai và tìm cách cải thiện bằng cách hỏi bạn bè, thầy cô giáo,…
- Duy trì thói quen viết nhật ký: Tiểu Vũ có cho mình một cuốn sổ tay nhỏ. Ngoài việc viết ra những cảm xúc, tâm trạng trong ngày, những lời khích lệ tinh thần thì cậu còn phân tích cặn kẽ về những bài kiểm tra. Cậu sẽ ghi lại chi tiết điểm số từng môn học. Sau đó tiến hành phân tích môn nào học tốt, môn nào chưa tốt, phần nào hay bị mất điểm, câu hỏi nào cần lưu ý,… Viết ra chính là quá trình cho phép Tiểu Vũ nhìn nhận và đánh giá bản thân một cách khách quan. Ngoài ra, viết cũng là cách giúp cậu lên kế hoạch rõ ràng cho những kỳ học tới.
Sau cùng, Tiểu Vũ khuyên những bạn từng bị mất gốc kiến thức cần bình tĩnh, có phương pháp học phù hợp, có kế hoạch rõ ràng để cải thiện được tình trạng hiện tại.
Đặc biệt, Tiểu Vũ đã duy trì thời gian biểu sau trong những ngày cuối tuần không phải đến trường:
7h – 8h: Thời gian ăn sáng.
8h – 10h: Đây là thời điểm tinh thần phấn chấn, sảng khoái nhất. Vì thế, Tiểu Vũ dành để trau dồi phần kiến thức nặng ở các môn quan trọng như: Toán, Ngữ văn, Hóa học,…
10h – 11h: Tiếp tục dành thời gian học các môn có khối lượng kiến thức nặng và tập ghi nhớ bằng cách viết ra cuốn sổ nhỏ.
11h – 12h: Đây là thời gian gần đến giờ ăn trưa, cơ thể thường mệt mỏi. Lúc này, Tiểu Vũ ôn tập lại dạng bài cơ bản để củng cố kiến thức.
12h – 13h: Đến giờ ăn trưa, Tiểu Vũ sẽ vừa ăn vừa nghe một chút nhạc nhẹ nhàng để giải tỏa tinh thần, giúp não bộ được nghỉ ngơi.
13h – 14h: Khoảng thời gian này dễ mệt mỏi sau bữa ăn nên Tiểu Vũ thường chợp mắt ngủ một chút.
14h – 18h: Tiếp tục học tập với cường độ cao ở những môn học có khối lượng kiến thức nặng.
19h – 20h: Đây là khoảng thời gian ăn tối và để não bộ được nghỉ ngơi.
20h -22h: Tiếp tục sắp xếp thời gian để học ngôn ngữ, khoa học,… Sau đó sẽ dành khoảng 30 phút giải trí bằng các hoạt động như: Chơi game, đọc sách, nghe nhạc, xem phim,… rồi đi ngủ. Tiểu Vũ cố gắng đi ngủ sớm và ngủ đủ giấc để đảm bảo tràn đầy năng lượng cho một ngày học tập vào hôm sau.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn