Vợ chồng chị Lê Thuỳ (Hải Dương) đều đã bước vào tuổi 50. Hai con đang học đại học ở Hà Nội, nhà chỉ còn hai vợ chồng sống với nhau. Nhưng chị Thùy không cảm thấy cuộc sống buồn tẻ hay vắng vẻ vì cả hai luôn vui vẻ, gắn bó như thời vợ chồng son.
Chị Thùy công tác ở thành phố còn anh Nam, chồng chị, làm dưới huyện, cách nhà 12km. Sáng nào cũng vậy, trừ những lúc phải đi công tác xa, những ngày còn lại, trên đường đi làm, anh Nam chở vợ cùng đến cơ quan.
Thường anh sẽ thả chị xuống đầu đường lớn để chị đi bộ vào khoảng 500 mét. Buổi chiều về, anh lại ghé đón chị. Nhiều người bảo đón đưa mất thời gian, mất tự do nhưng với vợ chồng chị Thùy, đó là niềm vui, hạnh phúc.
Ở độ tuổi đi qua con dốc đời người, vợ chồng chị Thùy rất có ý thức chăm sóc lẫn nhau và chăm lo sức khỏe cho bản thân. Thế nên, chiều tối về nhà sau giờ làm, anh Nam đi đạp xe còn chị Thùy tập yoga, chạy máy đi bộ ở nhà rồi lo cơm nước. Vì bữa trưa đã không ăn cùng nhau nên chị Thuỳ rất chú ý bữa tối của hai vợ chồng.
Chị Thùy chia sẻ: "Chúng tôi không ăn tối quá muộn, nếu có muộn thì cũng trước 19h30. Theo tư vấn của chuyên gia, bữa tối, vợ chồng tôi ăn nhiều rau xanh, thực phẩm nhiều chất xơ nhưng vẫn đảm bảo đủ lượng đạm và tinh bột cần thiết. Vợ chồng tôi không ăn kiêng nhưng chỉ nạp đủ lượng calo cần cho cơ thể, tuyệt đối không bỏ bữa".
Trước đây, anh Nam cũng hay "trốn" cơm nhà, la cà chén rượu, cốc bia với bạn bè cuối giờ làm. Nhưng rồi, sau một lần bị tai biến nhẹ, nghe lời khuyên của bác sĩ, anh Nam rất chăm tập thể dục, ăn uống điều độ, đặc biệt "cai" hẳn đồ uống có cồn.
Anh Nam bày tỏ: "Chỉ khi đối diện với nguy cơ sức khỏe, tôi mới biết sợ. Từ ngày chăm chỉ ăn cơm nhà với vợ, tăng cường thể dục thể thao, vợ chồng dành nhiều thời gian cho nhau hơn, tôi thực sự cảm nhận sự ấm áp của cuộc sống vợ chồng tuổi trung niên.
Thời còn trẻ, vợ chồng đều phải tập trung cho việc nuôi dạy con cái, gây dựng gia đình; giờ khi con cái lớn, cuộc sống rảnh hơn, vợ chồng mới thực sự có thời gian dành cho nhau và sống vì nhau.
Tôi cảm nhận rõ rằng, vợ chồng trung niên không nồng nàn, ồn ào như tuổi trẻ, cũng không bình lặng, thong dong như tuổi già mà mang hương vị ngọt ngào, sâu lắng được chắt lọc từ những cung bậc của đời sống gia đình".
Chia sẻ về cuộc sống "vợ chồng son" ở tuổi ngũ tuần, chị Thùy phấn khởi cho biết, dạo này anh Nam rất hay… làm thơ về vợ, điều mà suốt thời trẻ yêu đương cho đến lúc thành vợ thành chồng chưa từng có.
Chị Thùy cười bảo, thơ của chồng đọc như… văn nói nhưng chân thành và rất cảm động. Khoảng thời gian vất vả vì con cái, nhiều lúc vợ chồng chị quên cả nói những lời yêu thương dành cho nhau. Còn bây giờ, mỗi khi anh Nam hào hứng đọc thơ tặng vợ hay hai vợ chồng nhắn tin cho nhau, chị Thùy thấy như tình yêu thuở ban đầu trở lại.
Thực tế, nhiều cặp vợ chồng ở độ tuổi từ 40 trở ra có mối quan hệ tình cảm khá lỏng lẻo, nhạt nhẽo. Giữa vợ chồng bắt đầu không còn tìm thấy tiếng nói chung và cảm thấy khó dung hoà, không chịu được những thói quen xấu của nhau.
Thêm vào đó, việc không còn vướng bận chuyện nuôi nấng, chăm sóc con nên hai người có thời gian tìm niềm vui riêng cho mình. Đây cũng là lý do khiến không ít cuộc hôn nhân chấm dứt ở giai đoạn tuổi trung niên.
"Hôn nhân cần được trân trọng, nâng niu mỗi ngày. Chẳng có cuộc hôn nhân nào hoàn hảo, kiểu gì nó cũng có những thiếu sót và lỗ hổng. Nếu chúng ta học cách chấp nhận khiếm khuyết của nhau để cùng vun đắp tình cảm thì chúng ta sẽ luôn mang đến cho cuộc hôn nhân của mình cảm giác bình yên", chị Thùy bộc bạch.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn