Tuổi dậy thì không nên ăn gì?

08:15 | 14/04/2022;
Vấn đề dinh dưỡng cho trẻ trong lứa tuổi dậy thì luôn là chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, bên cạnh những loại thực phẩm tốt cho sức khỏe thì trẻ tuổi dậy thì không nên ăn gì lại là điều mà không phải ai cũng biết.

Trong lứa tuổi dậy thì, ta chứng kiến sự phát triển và hoàn thiện cơ thể một cách nhanh chóng của những đứa trẻ trước khi chúng bước vào lứa tuổi trưởng thành. Dinh dưỡng là một trong các yếu tố giữ vai trò cực quan trọng đối với giai đoạn này. Vậy ngoài những loại thực phẩm tốt, cần thiết thì trẻ trong lứa tuổi dậy thì không nên ăn gì?

1. Tuổi dậy thì không nên ăn gì?

1.1. Thực phẩm, đồ uống chứa nhiều đường

Thực phẩm, đồ uống chứa nhiều đường là một trong số các loại thức ăn mà trẻ ở lứa tuổi dậy thì nên tránh sử dụng.

Do chứa hàm lượng đường cao, nên những loại thức ăn và đồ uống này cung cấp một nguồn năng lượng vượt quá nhu cầu của cơ thể. Dư thừa năng lượng thúc đẩy cơ thể tăng cường dự trữ bằng cách tăng tích tụ mỡ, gây ra thừa cân và béo phì. Ngoài ra, ăn quá nhiều đường cũng được chứng minh là yếu tố nguy cơ dẫn đến các vấn đề bệnh lý như tiểu đường, sâu răng,...

Tuổi dậy thì không nên ăn gì? - Ảnh 2.

Dư thừa năng lượng thúc đẩy cơ thể tăng cường dự trữ bằng cách tăng tích tụ mỡ, gây ra thừa cân và béo phì (Ảnh: Internet)

Mặc dù chứa nhiều năng lượng nhưng thực phẩm hay đồ uống chứa nhiều đường lại rất "nghèo" dinh dưỡng. Sử dụng nhiều các loại thực phẩm và đồ uống này khiến những đứa trẻ ít cảm thấy đói và hạn chế sử dụng các loại thực phẩm khác. Điều này dễ gây mất cân bằng dinh dưỡng nghiêm trọng ở trẻ.

1.2. Đồ ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn

Các loại đồ ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn như pizza, bánh nướng, bánh mì kẹp, khoai tây chiên,... là sự lựa chọn yêu thích của nhiều bạn trẻ trong lứa tuổi dậy thì. Nhưng chúng lại là một trong những câu trả lời đứng đầu bảng cho vấn đề "tuổi dậy thì không nên ăn gì".

Để có được hương vị thơm ngon và hình thức bắt mắt thì những loại đồ ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn thường có chứa nhiều muối, chất béo, đường, các loại phụ gia hoặc hương liệu,... Khi trẻ lứa tuổi dậy thì sử dụng quá nhiều các loại thực phẩm này sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng thừa cân hoặc thậm chí làm gia tăng các nguy cơ bệnh lý trong tương lai, chẳng hạn bệnh đái tháo đường tuýp 2.

Tuổi dậy thì không nên ăn gì? Bí quyết ăn uống cho lứa dậy thì - Ảnh 1.

Trẻ tuổi dậy thì nên tránh sử dụng đồ ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn,... - Ảnh: Internet

1.3. Các món ăn chiên rán

Các món ăn chiên rán béo ngậy, vàng ruộm luôn là món ăn ưa thích của những đứa trẻ lứa tuổi dậy thì. Tuy nhiên, những món ăn chiên rán thơm ngon này lại có thể trở thành mối nguy hại sức khỏe đối với trẻ nếu được sử dụng thường xuyên.

Dưới nhiệt độ cao khi chế biến, các dưỡng chất có trong thực phẩm sẽ bị biến đổi và dễ làm mất đi tác dụng ban đầu của chúng. Thậm chí, người ta còn thấy rằng việc hay sử dụng thức ăn chiên rán có liên quan đến tăng nguy cơ rối loạn nội tiết, dậy thì sớm.

Hơn thế nữa, giống như các loại thực phẩm chứa nhiều đường thì thức ăn chiên rán cũng chứa rất nhiều năng lượng. Chúng làm cho trẻ nhanh no và không có cảm giác thèm ăn những loại thực phẩm khác.

1.4. Phủ tạng động vật

Hầu hết các khuyến cáo dinh dưỡng hiện nay đều đồng ý với quan điểm về hạn chế sử dụng phủ tạng động vật trong chế biến thức ăn. Do đó, với câu hỏi "tuổi dậy thì không nên ăn gì" thì phủ tạng động vật chắc chắn là một câu trả lời cần nhớ.

Không thể phủ nhận rằng trong phủ tạng động vật có chứa nhiều chất dinh dưỡng và dễ ăn. Nhưng cùng với đó thì chúng có chứa rất nhiều các chất béo bão hòa, cholesterol xấu cho sức khỏe.

Đọc thêm: Chất béo là gì? Chất béo có ở đâu, có nguồn gốc và giá trị dinh dưỡng như thế nào?

Vì thế, việc trẻ lứa tuổi dậy thì sử dụng quá nhiều thức ăn được chế biến từ phủ tạng động vật dễ dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe. Thường gặp nhất chính là dư thừa dinh dưỡng và năng lượng dẫn đến thừa cân, béo phì.

1.5. Thức ăn có chứa nhiều muối

Muối là gia vị không thể thiếu khi chế biến món ăn, làm món ăn trở nên đậm đà và ngon miệng hơn. Nhưng nếu món ăn có chứa quá nhiều muối, chúng sẽ gây ra rất nhiều tác hại đối với cơ thể.

Việc sử dụng thức ăn có chứa nhiều muối gây ảnh hưởng lên nhiều cơ quan khác nhau, nhưng chịu tác động rõ ràng nhất là thận. Thận phải làm việc nhiều hơn để cân bằng điện giải cho cơ thể khi có một lượng muối lớn được nạp vào. Lâu dần sẽ khiến chức năng này bị suy giảm gây nên các bệnh lý mãn tính như tăng huyết áp, bệnh thận,...

1.6. Đồ uống chứa caffein

Đồ uống chứa caffein cũng là câu trả lời cần nhớ cho vấn đề "tuổi dậy thì không nên ăn gì".

Thật vậy, quá trình hấp thu caffein ở trẻ sẽ trở nên kém hiệu quả nếu chúng thường xuyên sử dụng các loại đồ uống chứa caffein. Điều này về lâu dài có thể ảnh hưởng lên sự phát triển chiều cao của trẻ.

Ngoài ra, caffein cũng khiến giấc ngủ của trẻ bị ức chế và rối loạn. Do đó, khi qua giai đoạn tỉnh táo lúc mới sử dụng thì chúng sẽ phải đối mặt với cảm giác buồn ngủ, mệt mỏi sau đó. Điều này khiến trẻ khó tập trung, làm giảm hiệu quả học tập.

Tuổi dậy thì không nên ăn gì? Bí quyết ăn uống cho lứa dậy thì - Ảnh 2.

Đồ uống chứa caffein có thể gây tác động tiêu cực cho sức khỏe của trẻ lứa tuổi dậy thì - Ảnh: Internet

2. Bí quyết ăn uống đúng đắn cho trẻ trong lứa tuổi dậy thì

Như đã trình bày, việc sử dụng thực phẩm không chính xác trong lứa tuổi dậy thì có thể gây ra nhiều tác hại rất lớn đối với sức khỏe của trẻ. Chính vì thế, hãy ghi nhớ một số điều sau đây để có thể giúp trẻ có được một thực đơn ngon miệng và lành mạnh nhất:

- Nguồn thực phẩm sử dụng chế biến thức ăn cho trẻ phải đảm bảo nguyên tắc đa dạng, cung cấp đầy đủ các nhóm dưỡng chất khác nhau bao gồm chất đường, chất đạm, chất béo, chất xơ, vitamin và chất khoáng.

- Cân đối các loại thực phẩm sử dụng trong quá trình chế biến thức ăn, ưu tiên chế biến thực phẩm từ các loại thức ăn giàu đạm, giàu chất xơ. Với các loại thực phẩm có chứa nhiều đường, chất béo,... thì chỉ nên sử dụng ở mức vừa đủ với nhu cầu lứa tuổi, không nên sử dụng quá nhiều.

- Trong các loại thực phẩm cung cấp cùng một nhóm dưỡng chất, cần ưu tiên lựa chọn những loại thực phẩm có tính lành mạnh cao hơn. Chẳng hạn khi lựa chọn thực phẩm nhóm đường bột nên sử dụng gạo lức hơn gạo được làm trắng quá kỹ, sử dụng cá để cung cấp đạm thay cho các loại thịt đỏ,...

- Thay vì nước ép, hãy cho trẻ sử dụng trái cây, rau củ ở dạng nguyên bản để giữ lại lượng chất xơ vốn có.

- Nên ưu tiên chế biến thức ăn cho trẻ bằng các phương pháp lành mạnh như luộc, hấp,... Hạn chế các loại thức ăn chiên, xào nhiều dầu mỡ.

Trên đây là một số câu trả lời cho vấn đề "tuổi dậy thì không nên ăn gì" cùng với một số lưu ý mà cha mẹ cần nhớ về dinh dưỡng cho trẻ trong lứa tuổi này. Nếu có thêm các thắc mắc liên quan, hãy liên hệ với chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ để được giải đáp đầy đủ hơn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn