Không chỉ giành được học bổng của chính phủ Úc, Thiện còn được bang Nam Úc trao giải thưởng Sinh viên Quốc tế trong hạng mục gắn kết cộng đồng. Sự nỗ lực của Thanh Thiện cùng với việc tham gia vào các hoạt động cộng đồng góp phần làm thay đổi cách nhìn của xã hội về người khuyết tật (NKT).
Sinh ra trong một gia đình có bố là một giảng viên dạy chính trị, mẹ buôn bán tại Ba Đồn, Quảng Bình, Thiện là con út trong gia đình có 4 anh chị em. Bất hạnh đến với gia đình cô khi bố bị tai biến và đột ngột qua đời. Lúc đó, cô bé Thiện mới lên 5 đã cảm nhận được cuộc sống khó khăn đè nặng lên đôi vai của mẹ.
Nỗi buồn ấy còn nhân lên khi Thiện đủ tuổi đến trường, vào ngày đi nộp hồ sơ nhập học, cô bị từ chối vì là người khuyết tật. 6 tuổi, cô bé đã phải nuốt nước mắt nhìn các bạn cùng trang lứa đi học.
Với khao khát được đến trường và nỗ lực của người mẹ yêu thương con như trời biển, năm lên 7, Thiện đã được nhận vào tiểu học, với điều kiện trong 4 tuần học thử, nếu không đạt thì cô sẽ không được đi học nữa. Cô bé đã vượt qua được 4 tuần này, và bắt đầu "chật vật" với sách vở để theo kịp các bạn.
"Tôi phải luyện viết nhiều hơn để có thể viết nhanh theo kịp các bạn, và thật ra thì tôi cũng không có bạn. Trẻ con thấy tôi là người khuyết tật nên không chơi cùng. Cũng may sau đó, trong quá trình học tập và hòa đồng, tôi đã có thêm nhiều bạn mới", Thiện chia sẻ.
Thời học sinh của Thiện cũng trôi qua nhẹ nhàng hơn nhờ vào những suất học bổng của trường và các nhà hảo tâm, sự giúp đỡ của thầy cô. Nhưng suy cho cùng, những rào cản đối với NKT vẫn cứ "theo chân" Thiện đi hết thời tiểu học, cấp 2, cấp 3 rồi đến đại học.
Nhiều người còn cho rằng NKT như Thiện dù có học nhiều hơn nữa cũng không có cơ hội làm việc. Đã nhiều đêm, cô tự hỏi: "Có thật là mình đang bước trên đôi chân của mình không, mình đã cố gắng đủ chưa, hay chỉ là mình đang được châm chước để hoàn thành việc học?". Nhưng đó chỉ là những khi cảm giác tiêu cực lấn át Thiện, còn bản thân cô vẫn rất lạc quan và quyết tâm đến cùng.
Năm 2008, Thiện thi đỗ Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng chuyên ngành Sư phạm. Những "rào cản" vẫn luôn ngăn trở bước đi của cô gái khuyết tật, bất kể cô đã gắng sức thế nào. Năm thứ nhất, sau khi khám sức khỏe, phòng công tác của trường thông báo Thiện "không đủ sức khỏe vì là NKT".
"Rõ ràng 2 khái niệm khác nhau hoàn toàn. Khuyết tật và sức khỏe nhưng lại được cho là một. Tôi nghe thông báo mà bị sốc. Lúc đó, tôi bị ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng vì tôi nghĩ môi trường giáo dục còn từ chối thì còn môi trường nào tiếp nhận tôi? Tôi đã đổ lỗi cho bản thân, thấy mình thật tệ và không xứng đáng được học ngành mà tôi chọn. Tôi thấy tương lai xám xịt"- Thiện nói.
Rồi bằng nghị lực của bản thân, sự động viên của gia đình và bè bạn, Thiện đã vượt qua được cú sốc này. Cô chuyển qua học cử nhân tiếng Anh tại Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) và tìm thấy niềm vui trong hoạt động tình nguyện với nhóm sinh viên tại Đà Nẵng.
Thiện biết đến học bổng chính phủ Úc từ một người anh thân thiết. Khát vọng vươn lên, khát vọng vượt qua chính mình và vượt qua mọi định kiến đã khiến cho cô gái nhỏ bé ấy quyết định tìm hiểu học bổng này. Năm đầu tiên khi nộp hồ sơ, cô không đạt. Không bỏ cuộc, năm thứ 2 Thiện tiếp tục nộp hồ sơ và đã trúng tuyển.
Từ một cô gái khuyết tật, bị từ chối ngay cả khi bản thân đã vượt qua kỳ thi đại học, nhưng Nguyễn Thị Thanh Thiện đã không bỏ cuộc và tự tìm cho mình cơ hội vươn xa hơn ra thế giới. Trong thời gian học tập ở Úc, Thiện luôn tham gia các hoạt động tình nguyện, đóng góp cho cộng đồng.
Đặc biệt, trong thời gian là sinh viên, Thiện đã nhận được nhiều Giấy khen từ Hội chữ thập đỏ và Giải thưởng Sinh viên Quốc tế khi học Thạc sĩ tại Úc. Hiện nay, cô đang làm việc bán thời gian cho Khoa Giới, Đại học Flinders (Úc).
Chia sẻ về những dự định trong tương lai, Thiện cho biết bản thân sẽ tiếp tục nỗ lực để có nhiều đóng góp cho cộng đồng và hơn nữa, là sống hết mình và làm những điều mình mong muốn.
"Tôi muốn mọi người nhận ra rằng, NKT chỉ là hình dáng bề ngoài thôi. Khi được tạo điều kiện thì năng suất làm việc của NKT không thua gì người khác. Tôi cho rằng, không có sự khác biệt trong xã hội mà chỉ có sự đa dạng trong xã hội", Nguyễn Thị Thanh Thiện chia sẻ. Cô cũng mong muốn, trong tương lai, những người khuyết tật sẽ có thêm nhiều cơ hội học tập và được đối xử công bằng, xóa bỏ định kiến để NKT có thể sống và làm việc vì cộng đồng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn