Tuổi thơ sau song sắt

08:42 | 18/11/2015;
Sự hối hận, tình thương yêu và cả khát khao phục thiện được gửi gắm trong từng cái tên mà các nữ phạm nhân đặt cho những đứa trẻ họ sinh ra ở trại giam.
Ngô Quốc Khánh, Chu Kiên Cường, Nguyễn Hữu Quyết là 3 bé trai trắng trẻo, bụ bẫm và nhanh nhẹn được sinh ra tại Trại tạm giam Công an tỉnh Thanh Hóa.

Trại giam đã tạo điều kiện cho những người phụ nữ vượt cạn và nuôi con nhỏ bằng cách bố trí một buồng giam, nói đúng hơn là 1 căn phòng nhỏ với 3 chiếc giường nhỏ và những quần áo, tã, chăn, màn.

Phạm nhân Lê Thị Ất (SN 1975 ở xã Quảng Thái, Quảng Xương, Thanh Hóa) đang trông đứa con một tuổi rưỡi của mình chơi trên bậc thềm đầy nắng. Bé Quyết (còn gọi là Bờm), lớn nhất trong 3 đứa trẻ, đã biết phân biệt người lạ, líu lo tập nói và chạy lon ton quanh khu vực các phòng giam. Đôi mắt bé lanh lợi, to tròn, đen láy nhưng đượm buồn.

Năm 2014, Ất bị bắt trong vụ án buôn bán 102 nghìn viên ma túy tổng hợp. Hiện chồng Ất cũng trong trại giam. Ất còn 1 đứa con 3 tuổi phải nhờ bên ngoại nuôi.

Phạm nhân Ngô Thị Oanh (SN 1984 ở phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa) thu hút người đối diện bởi làn da trắng trẻo, đôi mắt đen láy và cặp lông mày sắc sảo.

Là cô gái sớm trải đời, làm mẹ đơn thân, không có việc làm ổn định nên Oanh buôn bán, vay mượn vòng quanh để duy trì cuộc sống. 1 lần đi đòi nợ, hai bên xảy ra xô xát và trong cơn nóng giận, Oanh đã gây ra cái chết bi thảm cho người đàn bà kia. Khi vào trại, Oanh đang có thai tháng thứ 3. Oanh sinh con và trải qua những năm tháng đầu tiên của cuộc đời cùng mẹ sau song sắt.

Những đứa trẻ lớn lên cùng mẹ trong trại tạm giam

Bố mẹ đã già yếu, bệnh tật, Oanh lại không có chồng nên tất cả phải nhờ tình thương yêu, giúp đỡ của trại tạm giam và 2 phạm nhân cùng buồng.

Oanh chấp hành án tù có thời hạn 17 năm, mang thai và sinh con trong trại giam nên lúc nào cũng mong ước được hưởng lượng khoan hồng, đặc xá mỗi dịp Quốc khánh 2/9. Thế nên Oanh đặt tên con là Ngô Quốc Khánh.

Nếu như Oanh, Ất đều né tránh khi thấy ống kính máy ảnh thì Lê Thị Quyên (SN 1983, ở xã Thăng Bình, huyện Nông Cống, Thanh Hóa) lại chủ động bồng con nhờ phóng viên chụp giúp tấm hình lưu niệm.

Khi bị bắt, Quyên mới mang bầu hơn 1 tháng. Từ giữa năm 2013, do nợ nần và lô đề, cờ bạc, Quyên đã mua 2 bộ quân phục cảnh sát và tự thảo ra các công văn cần tuyển người rồi tìm cách làm quen với những người có nhu cầu xin việc, đang có người thân phạm tội để nhận hồ sơ, nhận tiền xin việc, “chạy án”, lừa đảo 3 người trên địa bàn TP Thanh Hóa và thị trấn Giắt, huyện Triệu Sơn, với số tiền gần 1,4 tỉ đồng…

Mức án tù 12 năm đã được Quyên chấp hành 2 năm, chừng ấy thời gian, con trai Chu Kiên Cường đã ở bên, như nguồn động lực cho Quyên gắng cải tạo tốt.

Lê Thị Quyên trải lòng về sự tủi phận khi mang thai, sinh con trong trại tạm giam. “Ông Địa”, tên thường gọi của bé Cường, lúc mới ra sinh hay ốm, nhiều đêm cán bộ y tế phải vào để cấp cứu và điều trị cho cháu. Từ khi Quyên bị bắt vào chấp hành án, chồng đã bỏ đi lấy vợ khác, nhà ngoại trong miền Nam xa xôi nên cũng hiếm khi có dịp tiếp tế, mẹ con Quyên sống bằng chế độ của Nhà nước đối với người phạm tội.

Giờ đây, khi ở sau song sắt trại giam, họ mới có thời gian để nghiền ngẫm về những việc làm sai trái của mình.

Cả 3 nữ phạm nhân đều không thể đoán trước được tương lai của những đứa bé và của chính bản thân mình. Dù mỗi người một cảnh, nhưng cả Ất, Oanh và Quyên đều xem cả 3 đứa trẻ như con của mình, chia sẻ với nhau vất vả, khó khăn của người phụ nữ một mình chăm nuôi con trong hoàn cảnh đặc biệt này.

Những cháu bé như những con chim chuẩn bị tập bay chuyền, cần bạn bè, cần không gian. Dù Ban giám thị Trại tạm giam với tình thương và trách nhiệm đã tạo mọi điều kiện để cháu lớn lên khỏe mạnh, nhưng nỗi ám ảnh về một tuổi thơ sau song sắt, về những gương mặt trong bộ đồ kẻ sọc ngóng chờ ngày tự do thì có lẽ không bao giờ phai mờ trong tâm trí các em.

Còn biết bao người mẹ đang và sẽ có ý định mưu sinh bằng những việc làm phạm pháp, hãy nghĩ đến con mình!

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn