Tượng đài nhân quyền Martin Luther King: 'Tôi có một giấc mơ'

14:04 | 10/12/2016;
‘Tôi quyết định chọn tình yêu, bởi hận thù là một gánh nặng quá lớn’, đó là một trong những câu nói truyền cảm hứng không ngừng của nhà hoạt động nhân quyền da màu vĩ đại Martin Luther King. Ông là người trẻ nhất được nhận giải Nobel Hòa bình.

Martin Luther King sinh ngày 15/01/1929 tại bang Georgia, Mỹ, lúc nhỏ tên là Micheal Luther King, sinh trưởng trong gia đình có 3 đời đều là mục sư. Năm 15 tuổi, ông tốt nghiệp trung học tại một trường công dành cho người da đen ở Georgia. Sau khi học xong chương trình cử nhân tại trường đại học Morehouse, ông học 3 năm tại Chủng viện Thần học Crozer. Với suất học bổng tại Crozer, ông đăng ký học cao học tại đại học Boston và nhận bằng tiến sĩ vào năm 1955. Tại Boston, ông gặp và cưới Coretta Scott, một phụ nữ trẻ có tố chất nghệ sĩ. Họ có với nhau 4 người con.

 Martin Luther King - nhà hoạt động nhân quyền vĩ đại của nước Mỹ.

Năm 1954, King trở thành mục sư của nhà thờ Tin lành Dexter Avenue ở Montgomery, Alabama. Vốn là người luôn đấu tranh vì nhân quyền, ông được giao vai trò lãnh đạo phong trào tẩy chay xe buýt của người da đen ở Montgomery vào năm 1955 khi lúc này, ở miền Nam Hoa Kỳ, luật cho rằng người da đen chỉ được ngồi ở cuối xe.

Cuộc tẩy chay diễn ra sau khi Rosa Parks, một phụ nữ da đen không chịu nhường ghế cho một người đàn ông da trắng trên xe buýt. Trong suốt phong trào, King đã bị bắt, nhà bị đốt, ông còn bị nhiều người da trắng công kích. Cuối cùng cuộc tẩy chay kéo dài 382 ngày đã khiến Tòa án Tối cao Hoa Kỳ phải bãi bỏ sự phân biệt chủng tộc trên mạng lưới xe buýt.

Từ đây, King đã dẫn đầu một loạt cuộc biểu tình phi bạo lực trên toàn quốc chống lại tình trạng phân biệt chủng tộc. Năm 1957, ông được bầu làm chủ tịch Hội nghị Lãnh đạo Cơ đốc miền Nam, một tổ chức được thành lập nhằm liên kết các phong trào đấu tranh chống nạn kỳ thị.

Ông chủ trương áp dụng phương pháp phi bạo lực của Gandhi, người đã lãnh đạo nhân dân Ấn Độ chống lại Đế quốc Anh. Trong giai đoạn 12 năm (1957-1968), King đã đi hơn 6 triệu dặm qua nhiều nơi, thực hiện hơn 2.500 bài diễn thuyết để truyền cảm hứng và niềm tin cho cộng đồng. Ông xuất hiện ở bất cứ nơi nào có bất công, chống đối và bạo động. Song song đó, ông cũng viết 5 cuốn sách và vô số bài báo kêu gọi xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc.

Năm 1963, King bị bắt khi tham gia lãnh đạo phong trào chống phân biệt chủng tộc có quy mô lớn tại Birmingham, Alabama. Đây là cuộc tuần hành chống phân biệt chủng tộc được xem lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

 Mục sư Martin Luther King tại Đài tưởng niệm Lincoln ở thủ đô Washington, Mỹ đã có bài phát biểu nổi tiếng 'Tôi có một giấc mơ' vào ngày 28/8/1963. Bài phát biểu này đã đi vào lịch sử và trở thành một trong những dấu son trong sự nghiệp của mục sư King.

Sau khi ra tù, ông lại tiếp tục tham gia vào cuộc diễu hành rầm rộ đòi nhân quyền tại Washington. Tại đây, ông đã đọc bài diễn văn nổi tiếng thế giới ‘Tôi có một giấc mơ’ với tất cả sự say mê và nhiệt huyết. Bài diễn văn đầy xúc động nói về ngày khi mà lời hứa về tự do và bình đẳng sẽ trở thành hiện thực tại nước Mỹ. Với bài diễn văn này, Luther King đã truyền cảm hứng cho không chỉ cho 250.000 người có mặt tại đài tưởng niệm Lincoln ở Washington mà cho cả hàng triệu người trên toàn thế giới đã và đang đấu tranh cho nhân quyền.

Diễn văn gây chấn động dư luận của King ngay lập tức phát huy tác dụng. Chưa đầy một năm sau, ngày 2/7/1964, Tổng thống Mỹ Johnson ký ban hành Luật Nhân quyền, chính thức công nhận tự do - bình đẳng của con người là những quyền cơ bản được pháp luật bảo vệ.

Ở tuổi 35, Martin Luther King trở thành người trẻ tuổi nhất nhận được giải thưởng Nobel Hòa bình vào năm 1964 vì những nỗ lực chấm dứt nạn kỳ thị chủng tộc. Bài phát biểu nhận giải của ông ở Na Uy năm đó đã gây chấn động với tuyên bố nổi tiếng: “Tôi tin rằng sự thật không cần vũ khí và tình yêu vô điều kiện sẽ có tác động cuối cùng lên thực tế. Đó là lý do vì sao lẽ phải tạm bị đánh bại lại mạnh hơn chiến thắng của điều ác”.

Khi biết mình giành được giải, ông công bố sẽ đem số tiền thưởng 54.123 USD tiếp tục phát triển phong trào đấu tranh vì nhân quyền. Có thể nói, Martin Luther King không chỉ là nhà lãnh đạo biểu tượng của người Mỹ da màu mà còn là vĩ nhân của thế giới.

 Ông là người trẻ nhất được nhận giải Nobel Hòa bình.

Năm 1965, King lại tiếp tục dẫn dắt một chiến dịch đòi quyền bầu cử cho người da màu. Trong cùng năm, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Quyền bầu cử cho phép người da màu đi bầu ở miền Nam.

Đêm 3/4/1968, King tới Memphis để hỗ trợ phong trào đòi tiền bồi thường nhiều hơn cho các công nhân vệ sinh người da màu. Ông đã nói chuyện tại nhà thờ của giám mục Charles Mason trước những người ủng hộ, dù biết rằng đã có những kẻ âm mưu sát hại mình.

Nhiều người tin rằng, đêm hôm đó, King đã đọc điếu văn cho chính mình, với những câu chữ đầy ám ảnh: ‘Đêm nay, chúng ta, với tư cách con người, sẽ tới được ‘miền đất hứa’. Và vì thế tôi đã rất vui. Tôi chẳng lo lắng điều gì cả. Tôi chẳng sợ ai hết’.

18h5 ngày 4/4/1968, Martin Luther King đã bị bắn khi đang đứng trên ban công ở ngoài căn phòng nằm trên tầng hai khách sạn Lorraine, Memphis,Tennessee. Ông qua đời một giờ sau đó.

Để tưởng nhớ vị mục sư, nhà hoạt động nhân quyền quá cố, Tổng thống Ronald Reagan ký một luật ấn định ngày thứ 2 tuần thứ ba trong tháng 1 hàng năm là Ngày Martin Luther King bắt đầu từ năm 1983. Đây là sự tôn kính mà nước Mỹ dành tưởng nhớ nhà hoạt động nhân quyền vĩ đại vì những cống hiến lớn lao trong hoạt động chống phân biệt chủng tộc trong những năm 50 và 60 của thế kỷ XX.

 Nước Mỹ đã giành ngày thứ 2 tuần thứ ba trong tháng 1 hàng năm là Ngày Martin Luther King từ năm 1983. Từ năm 1994, đây là quốc lễ.

Bắt đầu từ năm 1994, Quốc hội Mỹ chỉ định ngày tưởng niệm mục sư Martin Luther King là quốc lễ - một động thái để khuyến khích người dân Mỹ tham gia các dự án cộng đồng chống phân biệt chủng tộc. Tên của ông sau này đã được dùng để đặt cho nhiều con đường trên khắp nước Mỹ, để các thế hệ sau mãi nhớ về hình ảnh một anh hùng trong lịch sử phát triển nhân loại.

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua từ sau sự ra đi vĩnh viễn của ông, thế giới chứng kiến nhiều biến động lớn lao nhưng thông điệp và niềm tin mà Martin Luther King để lại vẫn còn nguyên giá trị nhân văn cao đẹp.

Xin trich đăng toàn văn bài diễn văn "Tôi có một giấc mơ" của mục sư Martin Luther King:

Một trăm năm trước đây, một người Mỹ vĩ đại mà chúng ta giờ đây đứng dưới bóng của ông, đã ký một bản Tuyên ngôn giải phóng. Tuyên ngôn lịch sử này đã trở thành ngọn đuốc hy vọng cho hàng triệu nô lệ da đen, những người bị thiêu đốt trong ngọn lửa của sự bất công. Nó đến như vầng dương chấm dứt đêm dài tăm tối. Nhưng một trăm năm sau, chúng ta lại đang phải đối mặt với một sự thật bi kịch khác, người da đen vẫn chưa được tự do.

Một trăm năm sau, cuộc sống của người da đen vẫn bị kéo lê bởi xiềng xích của sự cách ngăn và cùm gông của nạn kỳ thị. Một trăm năm sau, người da đen vẫn đang phải sống trên hoang đảo nghèo đói giữa biển cả phồn vinh. Một trăm năm sau, người da đen vẫn tiều tụy lang thang nơi góc phố tối tăm trên đất Mỹ, chỉ thấy chính họ là kẻ lưu vong trên ngay mảnh đất quê hương mình.

Bởi vậy, chúng ta cùng nhau có mặt tại đây hôm nay, cất chung tiếng nói về điều kiện thương tâm của chúng ta. Theo một nghĩa nào đó, chúng ta đã tới thủ đô để đòi một khoản nợ. Khi các kiến trúc sư của nền dân chủ Mỹ viết những lời tuyệt đẹp cho bản Hiến pháp và Tuyên bố Độc lập, họ đã ký nhận vào một tờ tín phiếu, theo đó mọi công dân Mỹ đều có quyền thừa kế.

Tờ tín phiếu này mang theo một lời hứa hẹn rằng mọi người dân đều được đảm bảo quyền không thể tách rời là quyền được sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Nhưng hôm nay, thực tế hiển nhiên cho thấy nước Mỹ đã thất hứa vì rằng màu da của người dân Mỹ lại bị xem là rào cản trong việc sử dụng tờ tín phiếu này. Thay vì trân trọng trách nhiệm thiêng liêng ấy, nước Mỹ đã trao cho người dân da đen một tờ séc khống không có giá trị thanh toán. Nhưng chúng ta không tin rằng ngân hàng công lý đã bị phá sản. Chúng ta không tin rằng quốc gia không có đủ ngân quỹ trong hầm dự trữ chứa đầy những cơ hội của đất nước này.

Bởi vậy, chúng ta đến đây để đòi nợ, một khoản nợ về quyền tự do và sự đảm bảo về công lý. Chúng ta có mặt tại nơi linh thiêng này để nhắc nhở nước Mỹ về sự cấp thiết trong thời điểm hiện nay. Lúc này không phải là thời điểm của sự nhượng bộ thỏa hiệp hay xoa dịu bằng những viên thuốc an thần. Giờ là thời điểm mở tung cánh cửa cơ hội cho tất cả những người con của Chúa. Giờ là thời khắc đưa dân tộc ta từ vũng lầy của bất công kỳ thị tới một nền tảng vững chắc của tình đoàn kết anh em.

Sẽ là tai họa cho cả dân tộc nếu lờ đi tính cấp bách của thời cuộc hiện nay và đánh giá thấp lòng quyết tâm của người dân da đen. Không khí ngột ngạt oi bức chứa đầy sự bất bình trong mùa hè này chưa thể qua đi tới khi có được làn gió thu của tự do và công bằng tiếp sinh lực. Những ai có hy vọng rằng người da đen cần phải xả bớt sự căng thẳng và hài lòng với những gì đã có sẽ bị vỡ mộng nếu như đất nước này trở lại với công việc như thường ngày. Nước Mỹ sẽ chưa thể bình yên, chừng nào người da đen chưa giành được quyền công dân của mình.

Cơn lốc của cuộc nổi dậy sẽ tiếp tục làm lung lay nền móng của quốc gia này cho tới ngày thấy được ánh sáng của công lý. Trong quá trình đấu tranh giành lại vị trí xứng đáng cho mình, chúng ta không cho phép mình mắc phải những hành động sai lầm. Hãy đừng thỏa mãn cơn khát bằng chén hận thù và đắng cay.

Chúng ta phải xây dựng các cuộc tranh đấu của mình trên nền tảng của các giá trị và nguyên tắc. Chúng ta không cho phép những chống đối biến thái thành các cuộc xung đột bạo lực. Chúng ta phải đứng trên tầm cao của sự hòa trộn tâm lực và trí lực.

Tính chiến đấu thấm nhuần trong đông đảo người dân da đen không được làm cho chúng ta mất lòng tin vào những người da trắng. Rất nhiều những người anh em da trắng, như bằng chứng sự có mặt của các bạn ở đây hôm nay, đã cho thấy vận mệnh của các bạn cũng là vận mệnh của chúng ta và tự do của các bạn cũng gắn liền với tự do của chúng ta.

Chúng ta không thể bước những bước đơn độc.
Mỗi bước đi, chúng ta phải nối vòng tay bè bạn cùng đồng hành.
Chúng ta không thể quay trở lại.

Có những người đang hỏi bạn, “Rồi chừng nào bạn mới yên lòng?”, Chúng ta sẽ không bao giờ thấy yên lòng khi mà ta không thể tìm được một nơi trú ngụ trong một nhà nghỉ bên đường hay tại một khách sạn trong thành phố sau chuyến đi mỏi mệt. Chúng ta chưa thể yên lòng chừng nào sự di chuyển của một người da đen vẫn đơn giản chỉ là từ một khu ghetto nhỏ sang một khu ghetto lớn hơn. Chúng ta chưa thể yên lòng chừng nào một người Negro ở Mississipi còn chưa được quyền đi bầu cử, khi một người da đen ở New York còn tin rằng anh ta chẳng có gì để đi bầu. Không, không, chúng ta không yên lòng, và chúng ta sẽ chưa thể yên lòng cho tới ngày công lý được tuôn tràn như dòng thác, và công bằng sẽ như một dòng sông cuộn chảy.

Tôi biết có những bạn tới đây vượt qua những nỗi khổ đau, gian nan thử thách. Có những bạn mới vừa ra khỏi xà lim. Có những bạn đến từ những nơi mà cuộc tìm kiếm tự do của bạn bị chà đạp bởi sự ngược đãi cuồng bạo và bị cản trở bởi sự tàn bạo của cảnh sát. Các bạn đã trở thành những người kỳ cựu về chịu đựng khổ đau. Tiếp tục tiến lên với niềm tin rằng sự thống khổ oan ức là cứu thế.

Trở về Mississippi, trở về Alabama, trở về Georgia, trở về Louisiana, trở về với những khu nhà ổ chuột ở các thành phố phía bắc của chúng ta, chúng ta tin rằng bằng cách nào đó tình trạng này có thể và sẽ đươc thay đổi.

Hãy đừng đắm mình trong nỗi tuyệt vọng.

Hôm nay, tôi muốn nói với các bạn rằng, dù hiện tại có muôn vàn khó khăn và nỗi bức xúc, tôi vẫn luôn mang trong mình một giấc mơ. Đó là một giấc mơ bắt nguồn từ giấc mơ nước Mỹ.
Trong giấc mơ của tôi, tới một ngày đất nước này sẽ cùng đứng lên và sống một cuộc sống với niềm tin “Chúng ta coi sự thực này là điều hiển nhiên: con người sinh ra là bình đẳng”.
Giấc mơ của tôi là một ngày kia, trên những ngọn đồi ở Georgia, những đứa con của những người nô lệ và những đứa con của những người chủ nô trước đây sẽ cùng ngồi bên chiếc bàn thân thiện của tình anh em.

Trong giấc mơ của tôi, thậm chí một ngày kia, bang Mississippi, một hoang mạc ngột ngạt trong bầu không khí của bất công và kỳ thị, sẽ biến thành một ốc đảo của tự do và công bằng.
Trong giấc mơ của tôi, 4 đứa con tôi tới một ngày sẽ được sống trong một đất nước mà ở đó giá trị của chúng được đánh giá bởi chính ý chí, nghị lực cá nhân, chứ không phải bằng màu da.
Ngày hôm nay, tôi có một giấc mơ!.

Tôi mơ một ngày kia bang Alabama, nơi vị thống đốc hiện thời đang luôn mồm nói về quyền can thiệp và vô hiệu hóa sẽ trở thành nơi các trẻ trai và trẻ gái da đen cùng nắm tay các bạn da trắng như anh em một nhà.

Hôm nay, tôi có một giấc mơ!.

Tôi mơ một ngày kia các thung lũng rồi sẽ được lấp đầy, những quả đồi, ngọn núi sẽ được san bằng, mặt đất gồ ghề sẽ trở nên phẳng phiu, những góc quanh co sẽ được uốn thẳng tắp, và sự huy hoàng của Thiên Chúa sẽ được bộc lộ và mọi người cùng thấy.

Đó là hy vọng của chúng ta. Đó là niềm tin tôi sẽ mang theo về miền Nam.

Với niềm tin ấy, chúng ta sẽ có thể đập nát núi tuyệt vọng thành những viên đá hi vọng. Với niềm tin ấy, chúng ta sẽ biến những tiếng kêu bất hòa trong lòng dân tộc thành bản giao hưởng êm ái của tình đoàn kết anh em. Với niềm tin ấy, chúng ta sẽ cùng sát cánh bên nhau, cùng nguyện cầu, cùng chiến đấu, cùng vào nhà lao, cùng đứng lên vì tự do, vì chúng ta biết rõ một ngày kia chúng ta sẽ tự do.

Đó sẽ là ngày tất cả những người con của Chúa cùng hòa chung một bài ca: “Quê hương tôi, miền đất thân yêu của sự tự do, của người tôi hát. Miền đất nơi cha tôi đã nằm xuống, miền đất niềm tự hào của những người hành hương, từ mọi triền núi, hãy ngân vang tiếng hát tự do”.

Và nếu nước Mỹ là một đất nước vĩ đại, điều đó nhất định phải trở thành sự thực.
Hãy để tự do ngân lên từ những ngọn núi khổng lồ ở New Hampshire.
Hãy để tự do ngân lên trên những đỉnh núi hùng vĩ vùng New York.
Hãy để tự do ngân lên trên những vùng cao Alleghenies miền Pennsylvania!
Hãy để tự do ngân lên trên những đỉnh núi Rockies tuyết phủ của Colorado!
Hãy để tự do ngân lên trên những núi đồi tròn trịa của California!
Không chỉ thế,
Hãy để tự do ngân lên từ những đỉnh núi Stone Moutain của Georgia!
Hãy để tự do ngân lên trên ngọn Lookout Moutain của Tennessee!
Hãy để tự do ngân lên từ mọi triền đồi và vùng đất cao ở Mississippi.
Từ mọi triền núi, hãy ngân vang tiếng hát tự do.

Khi chúng ta để tự do ngân lên, khi tự do ngân lên từ mọi làng quê, mọi thôn xóm, mọi thành phố và tiểu bang, chúng ta sẽ có thể làm cho ngày ấy đến thật nhanh, ngày mà mọi đứa con của Thiên Chúa, dù da trắng hay da đen, Do Thái hay không phải Do Thái, người theo đạo Tin Lành hay công giáo La Mã, tất cả sẽ cùng nối vòng tay hát vang lời ca linh thiêng của người da đen:

“Tự do đã đến, tự do đã đến, xin cảm ơn Đức Chúa toàn năng, cuối cùng chúng ta đã tự do!”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn