Chị M. Thu ở Hai Bà Trưng đến bệnh viện kiểm tra với triệu chứng đau lưng, đau quặn ở vùng bụng. Ban đầu, chị nghĩ bị đau ruột thừa nhưng sau khi thăm khám, các bác sĩ cho biết chị bị sỏi thận.
Những biểu hiện như đau lưng, đau bụng là triệu chứng thường thấy ở người bị sỏi thận. Rất may, kích thước sỏi của chị Thu còn nhỏ và có thể tán sỏi qua da.
Bác sĩ Nguyễn Quang Cừ – Chuyên gia tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa An Việt cho biết: Sỏi tiết niệu (sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang và niệu đạo) là bệnh lý phổ biến, chiếm gần 2/3 tổng số các bệnh lý về tiết niệu.
Đặc biệt, theo các chuyên gia, tỷ lệ mắc bệnh sỏi thận đang có xu hướng gia tăng theo thời gian. Nguyên nhân do lối sống của con người có nhiều thay đổi, tỷ lệ mắc bệnh béo phì và đái tháo đường ngày càng tăng. Vì thế, mỗi công dân phải chủ động thay đổi lối sống và thói quen ăn uống để chủ động phòng ngừa, đừng đợi đến khi phải nhập viện vì cơn đau quặn thận thì có lẽ đã muộn.
Những dấu hiệu sỏi thận thường gặp như:
- Đau lưng, bụng hoặc đau một bên: Người bệnh sẽ cảm giác đau đớn quanh thận (ở phần giữa lưng) và cơn đau có thể lan tỏa đến phần bụng dưới hoặc bắp đùi. Nếu cơn đau khiến không thể ngồi được thì cần nhanh chóng đi khám bác sĩ.
- Tiểu nhiều, tiểu buốt: Đi tiểu nhiều là dấu hiệu thường gặp nhất của bệnh sỏi thận. Tiểu nhiều do sỏi làm cản trở việc đào thải nước tiểu ra ngoài, dẫn đến người bệnh không thể đẩy hết nước tiểu ra trong một lần tiểu, gây nên cảm giác buồn tiểu nhiều hơn.
Viên sỏi không nằm yên trong thận mà di chuyển theo dòng nước tiểu. Hơn nữa, sỏi thường có nhiều gai sắc, nếu viên sỏi có kích thước lớn không thể trôi ra ngoài theo nước tiểu chúng sẽ cọ xát, tổn thương niêm mạc, gây nên cảm giác đau rát, tiểu buốt, làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
Cảm giác đau buốt khi tiểu tiện xuất hiện rõ nhất khi sỏi trôi xuống niệu đạo hay nằm ở đoạn dẫn nước tiểu từ bàng quang xuống niệu đạo.
- Nước tiểu có máu bất thường: Ở người bình tường, nước tiểu thường có trong, không màu hoặc hơi vàng. Nếu nước tiểu của bạn đục hoặc màu hồng, đi kèm một trong các triệu chứng phía trên, thì khả năng mắc sỏi thận của bạn là rất cao.
Màu đục của nước tiểu là do việc lắng đọng nhiều cặn bã hoặc do viêm nhiễm tạo mủ trong đường niệu. Còn nếu nước tiểu có màu hồng thì có thể đường tiết niệu của bạn đã bị tổn thương do sỏi va chạm, cọ xát vào niêm mạc. Ngoài ra, nước tiểu có màu bất thường xuất hiện kèm mùi hôi cảnh báo tình trạng nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
Bác sĩ Cừ cho biết, với những trường hợp sỏi còn nhỏ, nếu không thể điều trị bằng thuốc thì bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật tán sỏi qua da. Đây là phương pháp can thiệp ít xâm lấn, nội soi tán sỏi thận qua da với độ an toàn, tính thẩm mỹ, hiệu quả cao đã trở thành lựa chọn điều trị hàng đầu. Phương pháp này đang dần thay thế phẫu thuật mổ mở truyền thống bên cạnh các phương pháp nội soi tán sỏi thận ngược dòng bằng laser, tán sỏi ngoài cơ thể…
Đối với tán sỏi qua da, bác sĩ Cừ cho biết ưu điểm đó là bệnh nhân hồi phục rất nhanh gần như trở lại trạng thái bình thường chỉ vài ngày sau phẫu thuật nội soi tán sỏi qua da, cơ thể ít phải chịu đau đớn như mổ mở.
Theo bác sĩ Nguyễn Quang Cừ, trong cuộc sống hàng ngày, cần bỏ thói quen ăn mặn, ăn nhiều dầu mỡ. Không nên nhịn tiểu vì nhịn tiểu làm nước tiểu tích tụ đầy bàng quang, bể thận kéo theo tích tụ các chất khoáng. Khi thời gian tích tụ kéo dài sẽ dễ hình thành sỏi.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn