Mạnh hơn, rộng khắp và thông minh hơn
Nếu 2G được coi là “cuộc cách mạng về công nghệ di động” nâng tầm chất lượng thoại và khả năng di động, thì 3G nổi bật với khả năng cung ứng truyền thông gói tốc độ cao nhằm triển khai các dịch vụ truyền thông đa phương tiện. Thế nhưng, với sự xuất hiện của 4G (thế hệ thứ 4 của công nghệ truyền thông không dây) thì mọi chuyện dường như không còn đi theo “con đường mòn” của công nghệ di động vốn đã được định hình từ hàng chục năm qua.
4G là thế hệ tiếp theo của mạng thông tin không dây, vượt lên những giới hạn và điểm yếu của 3G
Hiểu một cách đơn giản nhất, 4G là thế hệ tiếp theo của mạng thông tin di động không dây, là giải pháp để vượt lên những giới hạn và những điểm yếu của mạng 3G, có thể đáp ứng các dịch vụ đa phương tiện mà mạng 3G không thể đáp ứng được. Theo nhà cung cấp mạng NTT DoCoMo của Nhật Bản thì 4G được định nghĩa bằng khái niệm đa phương tiện di động (mobile multimedia) với khả năng kết nối mọi lúc, mọi nơi với nhiều loại mạng truy nhập khác nhau, có khả năng di động toàn cầu và dịch vụ đặc thù, tùy biến cho từng khách hàng cụ thể. Ví dụ, một khách hàng có sở thích shopping thì sẽ được các nhà cung cấp dịch vụ “tự nhận biết” và thường xuyên cung cấp thông tin cho lĩnh vực này. Tương tự, một người nào đó có đặc điểm công việc cần quan tâm nhiều đến tình hình thời tiết, thì cũng sẽ được “ưu tiên” nhóm cung cấp thông tin theo đúng yêu cầu.
Hơn nữa, những dịch vụ “nặng” đang được đông đảo khách hàng ưa chuộng, ví như HDTV, chơi game trực tuyến qua điện thoại... đã khiến mạng 3G không thể đáp ứng được triệt để, thì 4G với tốc độ truyền tải gấp 30 lần so với 3G (lên tới 100Mbps) chính là câu trả lời cho vấn đề này. Muốn vậy, công nghệ 4G cần bao gồm nhiều công nghệ mạng khác nhau và thiết bị di động của 4G sẽ là đa công nghệ (multi-technology), đa dạng thức (multi-mode)…
Mạng 4G kết nối mạnh hơn, rộng khắp và thông minh hơn 3G hiện nay
Ở châu Âu, 4G được xem như là khả năng đảm bảo cung cấp dịch vụ liên tục, không bị ngắt quãng với khả năng kết nối với nhiều loại hình mạng truy nhập vô tuyến khác nhau và khả năng chọn lựa mạng vô tuyến thích hợp nhất để truyền tải dịch vụ đến người dùng một cách tối ưu nhất. Định nghĩa này được nhiều công ty viễn thông lớn và nhiều nhà nghiên cứu, nhà tư vấn viễn thông chấp nhận nhất hiện nay.
Tóm lại, mặc dù chưa có một định nghĩa thống nhất nhưng các chuyên gia công nghệ đều có chung quan điểm về những tính chất cơ bản nhất của mạng 4G, đó là kết nối mạnh hơn, rộng khắp hơn và thông minh hơn.
HƯỚNG TỚI 5G
Từ đầu năm 2010, trên thị trường di động thế giới đã xuất hiện một số mẫu điện thoại sử dụng công nghệ 4G, nổi bật nhất là HTC EVO 4G của nhà mạng Sprint (Mỹ). Tuy nhiên, vào thời điểm đó thì vẫn chưa có bất kỳ một mạng 4G nào đang tồn tại trên thế giới có thể đạt tiêu chuẩn, chủ yếu là về tốc độ.
Với mạng 4G, nó cho phép người dùng truy cập internet từ máy tính để bàn mà không cần phải có dây nối và dường như sẽ không có những giới hạn tốc độ gói cước mà nhà cung cấp dịch vụ mạng (ISP) đưa ra, ngoài mức giới hạn cực đại. Bên cạnh đó, với quan điểm lấy người dùng là tâm điểm, người dùng có thể truy cập internet gần như ở mọi nơi, thậm chí cả khi đang di chuyển.
Hiện tại, hệ thống mạng 4G đã được triển khai mạnh nhất ở Mỹ nhưng tốc độ truyền tải mới chỉ đạt tốc độ lý thuyết 5-12Mbps, tức còn cách rất xa so với chuẩn “lý tưởng”, với mức giá gói cước trung bình khoảng 50 USD/tháng cho 5GB và 80 USD/tháng cho 10GB sử dụng. Nếu dùng quá lưu lượng, người dùng sẽ phải trả thêm 10 USD phụ trội trên mỗi GB sử dụng.
Tại Hàn Quốc cách đây 2 năm, Chính phủ nước này đã quyết định đầu tư lớn để phát triển mạng 4G nhanh nhất thế giới, với tốc độ gấp 40 lần so với mạng 3G. Nhờ đó, người sử dụng mạng ở Hàn Quốc chỉ mất trung bình hơn 6 phút để tải về một file video dung lượng 700MB. Nhưng “cường quốc công nghệ” này chưa chịu dừng lại ở đó. Đầu năm nay, Hàn Quốc tuyên bố đầu tư tới 1,5 tỉ USD để phát triển mạng di động… 5G, có tốc độ truyền tải nhanh gấp 1.000 lần so với 4G! Với tốc độ này, để tải một file dữ liệu 800 MB chỉ mất đúng… 1 giây.
Ngay khi thụ hưởng những giá trị vượt trội của 4G, người ta đã nghĩ đến việc thử nghiệm 5G vào năm 2017
Dịch vụ mạng 5G sẽ được thử nghiệm vào năm 2017 và thương mại hóa dịch vụ này vào năm 2020. Bên cạnh việc phát triển mạng 5G, cơ quan phát triển công nghệ Hàn Quốc cũng có kế hoạch ưu tiên phát triển một số tính năng quan trọng khác cho mạng 5G, bao gồm truyền nội dung UltraHD (hay còn gọi là 4K), nâng cấp các dịch vụ mạng xã hội… Chính phủ Hàn Quốc ước tính khi đưa vào áp dụng rộng rãi, mạng 5G sẽ mang về doanh thu lên đến 310 tỉ USD trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến 2026.
Sau Hàn Quốc, một số quốc gia khác, trong đó có Mỹ và Trung Quốc, cũng xúc tiến các nghiên cứu để phát triển mạng 5G. Như vậy, trong khi 4G còn chưa xuất hiện tại Việt Nam thì thế giới đã rục rịch chuyển sang một tầng công nghệ cao hơn.