Liệt, mù... mà không tìm được nguyên nhân
Trước kia, ông Trần Văn H., 54 tuổi, ở Hòa Bình, khỏe mạnh nhưng hơn 1 năm nay thường bị chóng mặt, đau đầu nhẹ, không đứng được lâu, giảm nghiêm trọng sức lao động. Bệnh nhân đi khám ở nhiều nơi và chỉ được kết luận là thiếu máu não do rối loạn tiền đình, điều trị ít hiệu quả.
Bệnh nhân đến khám tại BV Quân y 103 và được chẩn đoán bị hội chứng tiền đình. Các bác sĩ chỉ định siêu âm động mạch cảnh (ĐMC) và phát hiện hẹp 90% ĐMC. Chụp cộng hưởng từ thấy mất dòng chảy ĐMC trong bên trái, có nhồi máu nhỏ trong não chưa dẫn tới đột quỵ. Bệnh nhân được nong và đặt 1 stent ĐMC. Sau can thiệp, bệnh nhân hết các triệu chứng của rối loạn tiền đình.
Theo TS Nguyễn Văn Tuấn, khoa Đột quỵ, BV Quân y 103, bệnh nhân chóng mặt đi khám, thường được chẩn đoán bị rối loạn tiền đình. Ở Việt Nam, chưa thấy các báo cáo lớn về hẹp ĐMC trong không triệu chứng nên việc tầm soát chưa được toàn diện, dẫn tới bỏ sót, bệnh nặng, trong khi hẹp ĐMC là bệnh thường gặp, chiếm 2-8% dân số, đặc biệt nhiều ở người trên 50 tuổi, có các yếu tố nguy cơ xơ vữa động mạch chung, huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu...
TS Tuấn phân tích, chức năng của ĐMC là cung cấp máu cho não. Khi ĐMC trở nên hẹp hoặc tắc nghẽn thì được gọi là bệnh ĐMC. Bệnh nếu không biểu hiện gì đặc biệt thì gọi là hẹp ĐMC không triệu chứng. Bệnh được phát hiện khi khám tổng quát hoặc khám vì một bệnh lý khác (tim mạch, tuyến giáp…). Còn hẹp động mạch cảnh có triệu chứng là biểu hiện của thiếu máu não hay nặng hơn là tai biến mạch máu não.
Thiếu máu não cục bộ thoáng qua nếu can thiệp điều trị sớm có thể hồi phục trong vòng vài giờ. Nếu can thiệp muộn có thể để lại di chứng. Trong một số trường hợp, có thể mất thị lực tạm thời hoặc vĩnh viễn.
Phát hiện sớm để tránh đột quỵ
TS Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh, 25-30% các trường hợp đột quỵ là do hẹp ĐMC. Tuy nhiên, bệnh hẹp ĐMC ít khi được phát hiện sớm, khi tai biến mạch máu não xảy ra thì đã quá trễ khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Thực tế, nhiều bệnh nhân đột quỵ do hẹp ĐMC bị tàn phế suốt đời. Điều này có thể tránh được nếu bệnh được phát hiện sớm. Do đó, những bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ cao như: Trên 50 tuổi, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá, đái tháo đường, béo phì, lối sống ít vận động... không có triệu chứng vẫn cần thường xuyên khám định kỳ.
Trường hợp bệnh nhân có triệu chứng như đột ngột bị yếu, tê bì nửa mặt, nửa người hoặc chỉ một bên tay/chân, khó nói hoặc không nói được, mất thị lực một bên... sau vài phút đến vài giờ thì hết và hồi phục hoàn toàn thì nhiều khả năng bị hẹp ĐMC nên cần nhập viện cấp cứu. Trong giai đoạn sớm, bệnh nhân có thể được chỉ định dùng thuốc và thay đổi cách sống. Nếu bệnh nặng hay tiến triển, các bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật hoặc nong ĐMC và đặt stent.