Tương trợ "5+1" là cách gắn kết chị em lâu bền

11:52 | 31/03/2023;
Đó là kinh nghiệm mà chị Bùi Thị Hồng Lý, Chủ tịch Hội LHPN phường Linh Tây (TP Thủ Đức, TPHCM), rút ra từ quá trình triển khai mô hình tương trợ “5+1”.

Sau nhiều năm được luân chuyển công tác, đến tháng 10/2020, chị Hồng Lý quay về với công tác Hội. Lúc này, phong trào phụ nữ trên địa bàn phường Linh Tây gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Mặt khác, đặc thù địa bàn có đông công nhân ở trọ và lao động tự do, đời sống của chị em gặp nhiều khó khăn. Việc vận động chị em tham gia phong trào, hoạt động Hội lại càng không dễ dàng.

Trong "cái khó ló cái khôn", tháng 4/2022, chị Lý đưa ý tưởng thành lập mô hình tương trợ "5+1". Mô hình này được hiểu là cứ 5 hội viên cùng giúp 1 gia đình phụ nữ thuộc diện hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Mô hình ra đời đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của hội viên phụ nữ trong khu phố. Ban đầu, mô hình "5+1" chú trọng chăm lo, hỗ trợ lương thực, thực phẩm. Cứ đều đặn hằng tháng, 5 hộ khá tương trợ cho 1 hộ nghèo những túi quà nghĩa tình. Để những túi quà thêm đầy đặn, chị Lý xin phép lãnh đạo địa phương cho cải tạo bãi đất bỏ hoang trên đường số 5, khu phố 3, làm vườn rau, trồng đủ loại, từ bầu, bí đến mướp, khoai mỡ, bạc hà… Bên cạnh chăm lo cái ăn cái mặc, mô hình "5+1" còn hướng đến việc tạo sinh kế, tặng phương tiện làm ăn, giới thiệu vay vốn, kết nối chị em với các lớp dạy nghề miễn phí của Hội và các cơ sở kinh doanh có nhu cầu tuyển dụng.

Tính đến nay, chị Lý đã kêu gọi được 50 hội viên tham gia mô hình, nhận tương trợ 10 phụ nữ thuộc diện hộ nghèo với mục tiêu giúp gia đình họ thoát nghèo trong vòng 1 - 2 năm tới. Như trường hợp cô Lương Thị Minh Thảo (đường số 4, khu phố 3, phường Linh Tây), một trong những gia đình tham gia mô hình tương trợ "5+1". Gia đình cô Thảo thuộc diện khó khăn, chồng mất sớm, hiện cô đang chăm sóc người con trai mắc bệnh tâm thần. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, cô Thảo nhận giúp việc nhà theo giờ với thù lao khoảng 40.000 - 50.000 đồng/giờ.

Từ khi tham gia mô hình, cô Thảo được chị em trong mô hình và chị Lý nhiệt tình giúp đỡ, tìm kiếm việc làm. Kết quả là Công an phường Linh Tây đã nhận cô Thảo vào làm tạp vụ. Cô Thảo phấn khởi chia sẻ: "Tôi lên phường làm ban ngày, còn buổi tối thì đi lượm ve chai bán kiếm thêm. Nhờ những công việc này mà cuộc sống của mẹ con tôi đỡ chật vật hơn".

Chị Lý chia sẻ, kinh nghiệm để duy trì mô hình là phải quyết tâm thực hiện với tinh thần "không bỏ ai lại phía sau". Tất cả những gói hỗ trợ đều phải mang tính căn cơ. "Mình đến với chị em bằng tất cả tấm lòng thì chị em sẽ hiểu và tham gia các hoạt động phong trào nhiều hơn. Tạo ra một kênh để chị em tự giúp đỡ lẫn nhau, tự nhìn thấy sự đóng góp ý nghĩa của mình thì hoạt động Hội sẽ ngày càng được thu hút. Về lâu dài, Hội LHPN phường sẽ tạo thêm nhiều kênh việc làm hơn cho chị em thông qua thành lập các tổ hợp tác may gia công, trồng rau sạch, làm hoa giấy", chị Lý cho biết.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn