Quảng bá “thương hiệu” cá nhân
Một nam thanh niên sau khi tìm được việc làm thông qua trang Anphabe.com vẫn để lại hồ sơ (CV) trên trang này, sau đó thường xuyên cập nhật thông tin trên CV và để trạng thái “cộng đồng” (public). Tuy nhiên, một thời gian sau, công ty của anh phát hiện được và yêu cầu gỡ bỏ CV. Anh cho biết, mặc dù đã làm được 2 năm nhưng anh không thật hài lòng với công việc hiện tại, khi chỉ là một nhân viên bình thường, thu nhập thua nhiều người có bằng cấp thấp hơn. Gần đây, anh đã sử dụng CV trên mạng Anphbe để dự tuyển vào vị trí trưởng nhóm của một dự án nước ngoài và được chọn. Điều đó cho thấy, việc lưu trữ và cập nhật thông tin tại CV trên mạng cộng đồng là giải pháp hữu hiệu có thể mang tới nhiều cơ hội tốt trong tương lai.
Lưu trữ và cập nhật thông tin tại CV trên mạng cộng đồng mang lại nhiều cơ hội tốt
Thật ra, đây là cách mà không ít lao động trẻ đang “âm thầm” thực hiện, nhằm giới thiệu hình ảnh bản thân một cách mới mẻ và sinh động nhất với các nhà tuyển dụng. Mặc dù vậy, hầu hết những người này lại không dám công khai việc làm của mình, chủ yếu là sợ mất công việc hiện có. Một số người làm công việc quản trị nhân sự cũng “tiết lộ”, một trong những công việc thường xuyên của họ là “lướt” trên các website tìm việc, một phần để tìm hiểu thị trường nhân sự, tìm kiếm nhân tài, đồng thời cũng nhằm “truy tìm” những nhân viên của mình đăng tải thông tin trên đó. Họ thực sự “ác cảm” với những người này.
“Bạn phải hiểu, đứng trên cương vị HR (quản trị nhân sự) hay lãnh đạo công ty, họ đều mong muốn nhân viên của mình phải thật sự trung thành và làm việc với đầy nhiệt huyết. Họ sẽ không muốn ứng viên “đứng núi này trong núi nọ” - mà nói thẳng là họ sợ mất người. Việc bạn cập nhật hồ sơ như vậy không tránh khỏi việc công ty nảy sinh những ngờ vực về việc bạn đang manh nha “nhảy việc”. Như vậy chỉ thiệt cho bạn!”, một người quản trị nhân sự chia sẻ.
“Trợ thủ” của các nhà quản trị nhân sự
Mục đích lên mạng xã hội nghề nghiệp là để kết nối, học hỏi và tìm cơ hội việc làm tốt hơn, song có khi lại khiến “cấp trên” phải “dè chừng”, có thể ảnh hưởng cả tới sự nghiệp của chính nhân sự đó. Việc sử dụng mạng xã hội để quảng bá hình ảnh cá nhân tuy có mạng lại không ít lợi ích cho những người tìm việc nhưng trong thực tế cũng lại làm nảy sinh nhiều vấn đề “khó nói”. Vậy, có cách nào để giảm thiểu những tác động tiêu cực của phương thức này?
Nhiều người am hiểu công nghệ khuyên rằng: Việc tự PR cho “thương hiệu” cá nhân và tìm kiếm cơ hội phù hợp là cần thiết nhưng cũng cần có những biện pháp “kín đáo” hơn, ví dụ có thể “phân quyền” trong việc chia sẻ thông tin cá nhân, chỉ những đơn vị hay cá nhân nào bạn “cho phép” mới được xem.
Nhờ mạng xã hội mà nhà tuyển dụng và người lao động có thể dễ dàng tìm thấy và kết nối với nhau
Một trong những ưu thế vượt trội của mạng xã hội là tính tương tác. Thông qua công cụ này để thực hiện nhu cầu tương tác giữa ứng viên với nhà tuyển dụng là hoàn toàn chính đáng. Anh Nguyễn Tuấn, một nhà quản trị nhân sự, cho rằng, điều đó ít nhất thể hiện 2 điểm quan trọng: Thứ nhất, cho thấy nhân viên đó là người năng động và cầu tiến; Thứ 2, cho thấy công ty mình đang có những khiếm khuyết khiến nhân viên không hài lòng. Bên cạnh đó, với việc nhân viên thường xuyên cập nhật thông tin, công ty đang sử dụng nhân viên này cũng có được những dữ kiện đầy đủ và chính xác để đánh giá đúng về năng lực, từ đó có giải pháp sử dụng nhân sự một cách hợp lý hơn, nếu không muốn bị “mất người”.
Sự bùng nổ của mạng xã hội mang lại nhiều tác dụng cho cuộc sống của mỗi cá nhân, cũng như tạo nên những giá trị mới cho cộng đồng xã hội nhiều hơn những gì mà chính các nhà sáng lập dự đoán từ bước khởi đầu. Riêng trong lĩnh vực thị trường lao động, sự hiện diện của mạng xã hội mang lại nhiều lợi ích cho cả người lao động tìm việc và đội ngũ quản trị nhân sự - tuyển dụng.
Việc có nhiều ứng viên tham gia mạng xã hội sẽ tạo được nguồn ứng viên đa dạng, chất lượng, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các công ty. Nó không chỉ giúp các ứng viên luôn “làm mới” hình ảnh cá nhân, mà còn khiến đội ngũ quản trị nhân sự có cơ hội tương tác trực tiếp với các ứng viên tiềm năng. Vì vậy, người tìm việc nên có chiến lược xây dựng “thương hiệu” cá nhân rõ ràng, còn các doanh nghiệp cũng cần có chiến lược xây dựng “thương hiệu nhà tuyển dụng” để 2 bên có thể dễ dàng tìm thấy nhau, kết nối với nhau.
Đó là một trong những phương thức hữu hiệu để tháo gỡ những vướng mắc trên thị trường lao động, đặc biệt là đối với phân khúc nhân sự trung - cao cấp.