Được triển khai từ tháng 4/2023, tuyến phố thanh toán không tiền mặt này đã thu hút hơn 70 hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống và các ngành hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng.
Chủ tịch UBND phường Nam Dương Nguyễn Phúc Bảo Nam cho biết: "Việc triển khai tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt ở phố chuyên doanh điểm tâm đường Huỳnh Thúc Kháng tạo cơ hội cho người dân trên địa bàn phường được trải nghiệm và hưởng các chính sách ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, các nhà cung cấp dịch vụ... đồng thời tạo thói quen thanh toán không tiền mặt".
Không chỉ tại các tuyến phố tập trung nhiều cơ sở du lịch, dịch vụ ăn uống, mua sắm giải trí… ở các thành phố lớn mà hình thức mua sắm không dùng tiền mặt còn được triển khai tại nhiều địa phương khác, giúp người bán, người mua tiếp cận với hình thức thanh toán tiện lợi.
Chị Nguyễn Thu Trà (ở TP Hồ Chí Minh) cho biết, có dịp du lịch ra Hà Nội và lưu trú tại khu vực phố Hoàn Kiếm, chị đã sử dụng 100% hình thức quét QR Code để thanh toán khi mua sắm, sử dụng dịch vụ. Đây cũng là khu vực đang triển khai tuyến phố không dùng tiền mặt tại Thủ đô.
"Một ly trà đá 3.000 - 5.000 đồng, một tô phở 50.000 đồng, hay giá thuê phòng khách sạn cả triệu đồng đều được thanh toán bằng QR Code. Khi thanh toán qua ứng dụng của ngân hàng trên điện thoại thông minh, tôi còn xem lại được lịch sử giao dịch và dễ dàng quản lý chi tiêu cho chuyến đi của mình.
Với những du khách như tôi, phương thức thanh toán này cũng an toàn hơn khi tôi không phải mở ví để lấy tiền, tránh trường hợp vô tình làm rơi tiền hoặc tệ hơn là bị cướp giật", chị Huyền nhấn mạnh.
"Trước đây, khi mua sắm, tôi thường phải ra cây ATM rút tiền mặt, mang theo ví tiền, rồi chuẩn bị nhiều mệnh giá tiền chẵn, tiền lẻ khác nhau để thanh toán. Nhiều khi rất khó xử vì chỉ mua những món đồ giá rẻ, mình lại chỉ có tờ 500.000 đồng để trả, người bán rất khó chịu khi trả lại. Bây giờ, tôi chỉ cần quét mã QR hay cà thẻ ngân hàng là có thể thanh toán nhanh và tiện lợi", chị Hoàng Thanh Huyền (ở Hà Nội) chia sẻ.
Từ góc độ người bán hàng, chia sẻ về hiệu quả của hình thức thanh toán không tiền mặt, chủ quầy hàng Phương Huyền (phủ Tây Hồ, Hà Nội), nơi vừa triển khai tuyến phố không tiền mặt từ dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, cho biết:
"Khách hàng thanh toán không tiền mặt, chủ cửa hàng không phải lo tính toán tiền thừa, kiểm đếm tiền để trả lại, không lo nhận phải tiền giả, tiền rách… Đặc biệt, với hình thức này, nhiều khách hàng có thể quét mã hoặc chuyển khoản cùng một lúc, nên tránh cảnh chờ đợi, nhất là trong mùa lễ hội.
Tuy nhiên, người bán hàng cũng cần dành thời gian để kiểm tra lại các khoản tiền chuyển đến, tránh tình trạng khách bấm nhầm số tiền, hay nhầm sang tài khoản của người khác".
Anh Nguyễn Văn Bình, chủ cửa hàng tạp hóa tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết thêm, thanh toán không dùng tiền mặt phải sử dụng đến internet nên cửa hàng của anh phải trang bị mạng wifi mạnh để thuận tiện cho khách hàng thanh toán.
Hiện hình thức thanh toán không tiền mặt được khuyến khích sử dụng nhưng khách hàng hoàn toàn có thể lựa chọn các hình thức thanh toán khác như trả tiền mặt.
Dù tiện lợi, song việc triển khai tuyến phố thanh toán không tiền mặt vẫn còn một số bất cập. Thực tế, có thể xảy ra như tình trạng bị lỗi khi chuyển khoản, món tiền thanh toán chưa báo về tài khoản của người bán, trong khi người mua đã bị trừ tiền trong tài khoản, dẫn đến việc phải chờ đợi đối soát ngân hàng, mất khá nhiều thời gian.
Bên cạnh đó, sự chưa đồng bộ giữa các dịch vụ trong cùng tuyến phố hoặc giữa tuyến phố thanh toán không tiền mặt với tuyến phố liền kề có thể dẫn đến những phiền toái cho người tiêu dùng.
Đơn cử, một số địa điểm, dịch vụ chưa áp dụng hình thức thanh toán không tiền mặt như dịch vụ giữ xe, các tiệm sửa xe, cửa hàng bán đồ nhỏ lẻ... Điều này dẫn đến việc nhiều người phải vất vả đi tìm điểm đổi tiền mặt.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn