Tuyên truyền phòng ngừa tội phạm qua mạng facebook

07:46 | 11/07/2016;
Ngày 1/7/2016 Đoàn Chủ tịch Hội LHPN VN đã có văn bản gửi Chủ tịch Hội LHPN các tỉnh thành đơn vị trực thuộc và Ban nữ công Liên đoàn Lao động về việc chỉ đạo phòng ngừa ngăn chặn tội phạm qua mạng xã hội. Dưới đây là toàn văn văn bản này

HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM

ĐOÀN CHỦ TỊCH

 
   

 


Số:  559 / ĐCT-TG

V/v chỉ đạo phòng ngừa, ngăn chặn

 tội phạm qua mạng xã hội

     CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

 Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 
   

 


  Hà Nội, ngày  01   tháng 7  năm 2016         

 

Kính gửi:  - Đ/c Chủ tịch Hội LHPN các tỉnh/thành, đơn vị trực thuộc

                         - Ban nữ công tổng LĐLĐ Việt Nam

 

Vừa qua, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam nhận được công văn số 933/C45-P8, ngày 24/6/2016 của Cục Cảnh sát hình sự, Tổng cục Cảnh sát – Bộ Công an về việc “Thông báo phương thức, thủ đoạn phạm tội lừa đảo qua mạng xã hội”. Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam để nghị Ban Thường vụ Hội LHPN các tỉnh/thành/đơn vị trực thuộc trong cả nước triển khai ngay trong hệ thống Hội các hoạt động sau đây:

  1. Thông tin cần cung cấp cho cán bộ, Hội viên, phụ nữ:

(có nội dung kèm theo)

  1. Hình thức thông tin:

- Phổ biến trong sinh hoạt Hội viên.

- Liên hệ phát thanh trên Đài truyền thanh của xã, phường nhiều lần.

- Nơi có điều kiện in tờ rơi phát đến hộ gia đình, áp phích ở nơi công cộng.

  1. Đối tượng cần tập trung ưu tiên tuyên truyền:

- Phụ nữ hay sử dụng điện thoại thông minh, Facebook và các mạng xã hội khác. Phụ nữ có hoàn cảnh éo le, độc thân, ít có điều điện tiếp nhận thông tin giáo dục.

- Người nhập cư, nữ công nhân lao động ở các khu chế xuất, khu công nghiệp.

- Các gia đình có con trong độ tuổi vị thành niên.

Nơi nhận:
- Như kính gửi

- Các ban/ đơn vị TW Hội

- Báo PNVN, Báo PNTĐ, Báo PNTPHCM, Web Hội

- Đ/c Phan Văn Vĩnh – Tổng Cục trưởng TCCS, BCA

- Ban Chỉ đạo NQLT số 01 (TCCS, BCA)

- Cục CSHS - Tổng cục Cảnh sát, BCA
- Lưu: VT, TG, C43-TCCS

TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH

 

 

(đã ký)

 

 

Nguyễn Thị Tuyết

Đây là thông tin rất cần thiết phải tổ chức phổ biến tới cán bộ, Hội viên, phụ nữ cả nước (đặc biệt là những đối tượng cần ưu tiên), đề nghị các tỉnh/thành/ đơn vị trực thuộc Hội quan tâm chỉ đạo đồng loạt tới 100% cơ sở từ nay đến cuối năm. Đồng thời, báo cáo kết quả về Ban Tuyên giáo TW Hội qua qua địa chỉ thư điện tử: đ/c Diệu Linh – chuyên viên Ban Tuyên giáo linhld.wm@gmail.com và phản ánh trong báo cáo công tác năm 2017.

 

 

NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN

 

Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát hình sự đã điều tra, khám phá nhiều vụ án người nước ngoài cấu kết với người Việt Nam lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều phụ nữ Việt Nam nhẹ dạ cả tin bằng hình thức thông qua trang mạng xã hội Facebook.com với thủ đoạn tinh vi, số tiền chiếm đoạt lên đến hàng chục tỷ đồng. Điển hình: Công an TPHCM triệt phá đường dây lừa đảo chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng, Công an Tây Ninh triệt phá đường dây lừa đảo hơn 25 tỷ đồng, Công an Cần Thơ triệt phá đường dây lừa đảo hơn 20 tỷ đồng... Cục Cảnh sát hình sự, Tổng cục Cảnh sát -  Bộ Công an đã phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng như: Ban thời sự chính trị tổng hợp (VTV1) – Đài truyền hình Việt Nam, Truyền hình Công an nhân dân (ANTV), Báo An ninh thế giới... thông báo phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội của loại tội phạm này để quần chúng nhân dân nâng cao cảnh giác. Tuy nhiên, thời gian gần đây nhiều phụ nữ vẫn “sập bẫy” các “chiêu trò” của các đối tượng lừa đảo và số tiền bị lừa đảo ngày càng lớn, đặc biệt tại Hà Nội, Cần Thơ, Nghệ An có người bị lừa với số tiền trên 6 tỷ đồng.

  1. Phương thức thủ đoạn phạm tội:

Các đối tượng lừa đảo được chia làm 2 nhóm câu kết chặt chẽ với nhau thực hiện hành vi phạm tội với phương thức, thủ đoạn sau:

  • Nhóm thứ nhất gồm các đối tượng là người nước ngoài:

Các đối tượng này chịu trách nhiệm lập các Facebook ảo trên mạng xã hội với chân dung là các “ông chủ giàu có, thành đạt, các nhà chính trị gia...” nhưng gặp những hoàn cảnh éo le về gia đình, người thân như ly hôn, vợ chết... để làm quen với phụ nữ Việt Nam có hoàn cảnh độc thân... Thực tế, hầu hết các đối tượng này là người gốc Phi (đặc biệt là người Nigeria), không có công ăn việc làm. Từ chỗ kết bạn, làm quen, đối tượng tán tỉnh, ngỏ lời yêu đương muốn tiến tới hôn nhân, thậm chí muốn về Việt Nam sinh sống và vẽ ra viễn cảnh tương lai vô cùng tươi đẹp. Để làm tin, chúng bày tỏ nguyện vọng muốn gửi về cho những phụ nữ chúng làm quen những món đồ như Laptop, Iphone, nữ trang và mỹ phẩm có giá trị hoặc ngoại tệ được giấu trong các thùng hàng, thùng quà... Chúng sử dụng công nghệ tạo ra các hóa đơn (hóa đơn vận chuyển) của các công ty chuyển hàng có uy tín trên thế giới để tạo niềm tin. Sau đó, chúng xin thông tin của những phụ nữ này như họ và tên, địa chỉ liên lạc, số điện thoại và cung cấp những thông tin đó cho nhóm thứ hai là người Việt Nam.

  • Nhóm thứ hai gồm các đối tượng là người Việt Nam:

Các đối tượng này chủ yếu là phụ nữ đã có mối quan hệ tình cảm, thậm chí có con với các đối tượng người nước ngoài. Để giúp sức cho nhóm đối tượng người nước ngoài thực hiện các vụ lừa tiền, lừa tình, chúng thường sử dụng thông tin cá nhân giả, sim điện thoại rác để trốn tránh việc truy tìm, xử lý của các cơ quan chức năng.

Các đối tượng này chịu trách nhiệm đóng giả là nhân viên của công ty giao hàng, nhân viên Hải quan của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất thông báo với người bị hại là đã nhận được các “thùng hàng” do người nước ngoài gửi đã về đến sân bay và yêu cầu người bị hại phải đóng một số tiền nhất định gọi là lệ phí Hải quan thì mới nhận được hàng. Khi người bị hại gửi tiền cho chúng vào các tài khoản do chúng cung cấp (các tài khoản này thường là của người Việt Nam hoặc người nước ngoài do chúng thuê mở, hoặc của người bị mất chứng minh thư nhân dân...). Thấy nạn nhân đã “sập bẫy” chúng tiếp tục đưa ra các lý do như: Phát hiện ra trong thùng hàng có số lượng ngoại tệ hàng triệu đô la hoặc vật phẩm có giá trị nhưng do không khai báo nên bị tạm giữ. Nếu người bị hại không nộp tiền lệ phí Hải quan từ 5% đến 10% tổng giá trị thì sẽ bị tịch thu hoặc chuyển trả người gửi. Một mặt, do thông tin này phù hợp với thông tin mà người nước ngoài đã trao đổi trước với người bị hại. Mặt khác, do lòng tham và thiếu hiểu biết, tin là có thật mà nạn nhân đã gửi tiền theo yêu cầu của chúng. Sau khi nhận được tiền, các đối tượng đã bỏ sim điện thoại để người bị hại không liên lạc được nữa.

  1. Khuyến cáo:

          - Không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của bản thân trên mạng xã hội Facebook, để các đối tượng lợi dụng những thông tin này để đưa ra những chiêu trò nhằm chiếm được tình cảm của phụ nữ (nhất là những phụ nữ nhẹ dạ cả tin có hoàn cảnh éo le, sống độc thân...).

          - Không kết bạn với người lạ, đặc biệt là người nước ngoài khi họ đưa ra những lời hứa về lợi ích vật chất.

          - Công tác an ninh của sân bay quốc tế trong và ngoài nước đều có những quy trình kiểm soát hết sức nghiêm ngặt nên không thể giấu tiền, hoặc tài sản có giá trị vào trong các thùng hàng gửi bằng đường hàng không. Nếu thực sự có hàng, quà thì phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, nhận hàng tại các địa điểm cụ thể, có tên đơn vị người nhận tiền và phiếu thu rõ ràng chứ không gửi tiền qua tài khoản để nhận hàng. Do đó chị em phụ nữ tránh ngộ nhận để không sa vào bẫy lừa đảo của số đối tượng trên.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn