Lấy trường học làm lợi thế phát triển phong trào văn hoá
Từng là Bí thư Đoàn thanh niên từ năm 1996, đến năm 2003, chị chuyển sang làm cán bộ văn hoá từ đó đến nay. "Tôi xin sang làm cán bộ văn hoá vì thấy hợp với mình, tôi thích văn hoá văn nghệ sôi động. Tôi có cái lợi là người được sinh ra và lớn lên tại địa bàn này, nên mọi ngõ ngách, đường ngang, lối rẽ, khu nhà ở cũ, mới đều thuộc như trong lòng bàn tay. Mấy năm gần đây, trung tâm văn hoá phường 8 cắt giảm nhân sự, tôi phải làm hầu hết các việc của trung tâm. Dù vậy, phong trào văn hoá, văn nghệ địa phương vẫn luôn nổi bật. Bởi khi đi tuyên truyền phong trào, tôi không nặng nề hình thức, mà phải xây dựng các chương trình sao cho phù hợp với đối tượng, hoàn cảnh để lôi cuốn cộng đồng tham gia" – chị Huỳnh Thị Ngọc Tuyết chia sẻ.
Chị Tuyết lý giải: "Hiện nay, ở địa bàn phường 8 có 3 trường học, tôi lấy đó làm lợi thế để phát triển phong trào văn hoá. Các trường có sẵn con người, có lực lượng tham gia, tôi chỉ cần đưa các hoạt động văn hoá văn nghệ của của địa phương vào kèm nội dung sinh hoạt của nhà trường. Mình làm sao để phong trào luôn thay đổi, nói chuyện chuyên đề ở trường học phải theo thời điểm. Ví như tháng An toàn giao thông, tôi sẽ phối hợp với Công an, CSGT thành phố đến nói chuyện với các em học sinh".
Hay như chương trình lịch sử, kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày Quân đội nhân dân 22/12, chị Tuyết phối hợp với Hội Cựu chiến binh của phường nói chuyện với các học sinh về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ CHí Minh, về những trận chiến lịch sử, giải phóng Thành phố Vũng Tàu ở thời điểm nào. "Các diễn giả không nói theo kiểu trích giảng lịch sử, mà tôi thay đổi bằng cách để các bác cựu chiến binh kể câu chuyện thực tế mà các bác tham gia, như thế các cháu học sinh mới không thấy nhàm chán, lại dễ nhớ" – chị Tuyết vui vẻ nói.
Gắn lao động ngoại tỉnh với hoạt động văn hoá trên địa bàn
Vốn là cán bộ văn hoá phụ trách lĩnh vực công tác gia đình, chị luôn đưa các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tốt, nhân rộng trên địa bàn nhằm nâng cao ý thức cho người dân về việc phòng, chống bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, để thực hiện "Bộ tiêu chí văn hoá ứng xử trong gia đình" của Bộ văn hoá, chị liên hệ với ngành tư pháp, tìm báo cáo viên ở thành phố đến nói chuyện, sinh hoạt theo đội nhóm. "Tôi không tổ chức các buổi hội họp ở Uỷ ban phường, mà hầu hết tổ chức tuyên truyền văn hoá theo khu phố, đoàn thể, đội nhóm, câu lạc bộ. Vì ở các khu phố, cộng đồng gần gũi, dễ trao đổi các vấn đề hơn. Hơn nữa, ở khu phố sẽ huy động được các nhà đông hơn, như các nhóm ngành nghề, nhóm cựu chiến binh, giáo chức, nhóm thanh niên…" – chị Tuyết chia sẻ.
Chị Tuyết kể, ở Phường 8 có đội bốc rác rất đông người. Đây là tuyến đường kinh doanh về vật liệu xây dựng, họ chờ xe đến để bốc dỡ hàng xuống các cơ sở kinh doanh. Đội ngũ này đều là thanh niên, lao động nghèo và đang tạm trú trên địa bàn. "Các bạn trẻ đó dù là quê ở các tỉnh thành khác đến Vũng Tàu lao động, nhưng tôi vẫn muốn gắn các bạn ấy với hoạt động văn hoá, xã hội của địa bàn chúng tôi. Có buổi sinh hoạt riêng cho nhóm bốc rác. Tôi là người sống cùng khu phố đó, nên dễ trao đổi về các chủ trương, triển khai từng quý về an ninh trật tự, về bảo vệ môi trường… Tất cả được đưa vào đội nhóm và có người quản lý số người đến, người đi của đội này. Vào dịp lễ Tết, tôi cũng có quà nhỏ ưu tiên, hỗ trợ cho đội ngũ lao động nghèo này để động viên tinh thần của họ" – chị Tuyết bộc bạch thêm.
Người dân muốn được ghi nhận sự cố gắng của cả gia đình
Với sự nhiệt tình và sôi nổi của chị Tuyết, các gia đình ở phường 8 đều tích cực tham gia phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với mục tiêu xây dựng gia đình "Ít con, ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc", góp phần quan trọng trong việc thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và thực hiện thành công "Tiêu chí văn hoá ứng xử trong gia đình" ở địa phương.
Trong năm 2022, gia đình đạt tiêu chuẩn Gia đình văn hóa là 4.178 hộ, đạt tỷ lệ 99,07%, 06/06 khu phố đạt Khu phố văn hóa. Tăng tỷ lệ gia đình thực hiện tốt trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đạt 100%.
Theo chị Tuyết, khó khăn chung của việc thực hiện "Bộ tiêu chí văn hoá ứng xử trong gia đình" là khi các gia đình được công nhận "Gia đình văn hoá", họ rất vui mừng khi được tôn vinh, được khen thưởng. Nhưng nay thực hiện Bộ tiêu chí, các gia đình đạt được "Gia đình văn hoá tiêu biểu" cũng không có gì đặc biệt, không được vinh danh, không cảm thấy tự hào, đạt được gia đình văn hoá bây giờ cũng là điều rất bình thường. Bởi người dân vẫn muốn được ghi nhận, được vinh danh sự cố gắng của cả gia đình sau mỗi năm phấn đấu, duy trì.
Nói nhiều về đam mê nghề của người cán bộ văn hoá cơ sở, chị Huỳnh Thị Ngọc Tuyết đã nhiều lần được Giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tặng Bằng khen, Giấy khen ở nhiều nội dung, phong trào văn hoá nổi bật của địa phương. Nhưng chị vẫn khiêm tốn cười bảo: "Tôi không phải người đa tài, may mắn là người sinh ra và lớn lên ở đây, nên tôi biết rõ người dân cần gì, vậy là tôi xây dựng các phong trào văn hoá theo hướng tích cực, để góp phẩn nhỏ giúp những người dân quê tôi mỗi ngày có cuộc sống văn minh hơn".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn