Tuyệt chiêu khử mùi hôi ở các loại thịt

16:36 | 28/11/2016;
Những loại thịt như lợn, bò, ngan, vịt, lươn, cá, ếch... khi mua về thường có mùi hôi. Nếu bạn không biết cách xử lý thì mùi sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng các món ăn.

Thịt lợn

Nên luộc thịt trong nước sôi khoảng 2-3 phút rồi bỏ nước này đi, sau đó dùng nước lạnh rửa sạch lại miếng thịt vài lần, bắt đầu chế biến. Một cách khác là khi đun nước sôi luộc thịt, bạn nên cho vào 3-5 cọng rơm, luộc thịt trong 3 phút, vớt ra, rửa sạch dưới vòi nước lạnh, sau đó chế biến thịt theo cách bạn muốn.

Nếu làm 2 cách trên mà mùi của thịt vẫn chưa thực sự được cải thiện rõ rệt thì trong quá trình chế biến, bạn nên kết hợp thêm các loại gia vị như hành, tỏi, gừng để “át” mùi.

huong-dan-rua-thit-lon-dung-cach-nhat3.jpg

Đặc biệt với món thịt luộc thì có thể đập dập 1 củ hành, cho vào nồi nước luộc, khi nước sôi nên hớt bọt thường xuyên để nước thịt trong hơn. Rồi đến khi vớt ra cho thêm vào nước luộc vài giọt rượu trắng. Cách luộc thịt như vậy sẽ giúp thịt thơm ngon hơn rất nhiều. 

Thịt bò

Dùng 1 củ gừng tươi nướng chín trong lò vi sóng hoặc lò nướng, cạo bỏ lớp vỏ cháy bên ngoài. Giã nhuyễn củ gừng đã nướng, sau đó xát lên miếng thịt bò. Cuối cùng, đem xả lại vài lần bằng nước lạnh sẽ có tác dụng khử mùi gây. 

thuc-hu-chieu-ban-bom-nuoc-vao-thit-trau-bo1.jpg

Để khử mùi tanh của cá, sau khi rửa sạch cá bằng nước lạnh, bạn dùng rượu hoặc dấm trắng, nước cốt chanh để rửa lại, thậm chí có thể ngâm khoảng 3-5 phút, sau đó đem rửa sạch bằng nước lạnh. Rượu rất dễ bay hơi, vì thế nên bạn không lo việc ngâm rượu sẽ “ám” mùi vào cá. Một cách khác là tận dụng nước vo gạo hoặc nước muối ngâm khoảng 15 phút rồi mới rửa sạch lại.

dsc02347.jpg

Lưu ý: Ngay từ khi chế biến, cần phải loại bỏ thật sạch màng đen, gân máu bên trong bụng cá, nhất là cá mè. 

Thịt ếch

Ếch sau khi đã mổ sạch, dùng nước phèn chua hoặc nước nóng để rửa da ếch cho hết nhớt. Tiếp đó, bóp muối lại cho sạch. Với phần thịt ếch thì dùng dấm hoặc chanh để khử mùi tanh.

thit-ech2.jpg

Nên chế biến ếch theo kiểu chiên rán. Nếu dùng để nấu chuối thì nên thêm sả, nghệ để ếch không có mùi tanh. Lưu ý khi sơ chế ếch, bạn hãy bỏ toàn bộ phần nội tạng ếch.

Thịt vịt, thịt ngan

Tốt nhất, để tránh mùi hôi của ngan, vịt thì khi sơ chế, bạn nên cắt bỏ toàn bộ phao câu, vì nó rất hôi và không tốt cho sức khỏe. Dùng muối xát lên mình ngan vịt, tiếp đó lại dùng chanh, quất tươi chà xát lại.

thit-vit-nguyen-con-tuoi-9.jpg

Cẩn thận hơn, hãy xát thêm 1 lần nữa với chút rượu trắng. Khi luộc, cho 1 nhánh gừng tươi đập dập vào nồi nước. 

Lươn

Lươn làm sạch nhớt bằng cách tuốt với nước cốt chanh hay nước vo gạo hoặc có thể đổ nước sôi vào lươn, nhưng hãy cẩn thận nếu không bạn dễ bị bỏng. Khi lươn đã sạch, mổ bụng, bỏ hết nội tạng, rửa lại bằng nước muối. Cần nhớ, tuyệt đối không được để nước dính vào lươn khi lươn đã chín, nếu không nó sẽ rất tanh.   

5-loai-thuc-pham-chuyen-tri-tre-suy-dinh-duong-thap-coi-1-1.jpg

Bầu dục

Cắt quả bầu dục (cật) làm đôi theo chiều dọc, dùng dao lưỡi mỏng bỏ hết phần mỡ bên trong quả cật, nếu không bỏ hết phần mỡ này thì sẽ rất khai. Trước hết, dùng nước muối loãng để rửa cật, sau đó cho quả cật đã rửa sạch vào thau nước lạnh có pha chút muối loãng và gừng để tạo độ giòn trong vòng 5 phút. Tiếp đó, thái cật theo mục đích mà bạn định nấu. 

2b23aed8-4da5-4ba9-b9ca-52cb87e4e00e_zpsa9486db2.jpg

Lưỡi lợn

Khi nước sôi lăn tăn, thả lưỡi lợn vào luộc sơ chừng 5 phút thì tắt bếp. Vớt lưỡi lợn vừa trần sơ qua và xả ngay dưới vòi nước lạnh. Cạo hết phần màng trắng bám trên lưỡi lợn và cả phần cuống họng cũng như 2 bên cạnh của lưỡi.

Dùng nửa quả chanh vắt lấy nước và muối hạt bóp thật kỹ lưỡi lợn để tẩy sạch mùi hôi và làm trắng lưỡi. Rửa sạch dưới vòi nước thêm một lần nữa. Lưu ý, khi luộc lưỡi chín không nên vớt ngay ra mà tiếp tục ngâm lưỡi lợn trong nồi thêm khoảng 10 phút để lưỡi mọng nước. Lúc vớt ra, nên ngâm lưỡi vào 1 âu nước đá để lưỡi có độ giòn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn