Tuyết rơi, kẻ cười người khóc

17:45 | 24/01/2016;
Người thì lên án khách du lịch vô tâm đi ngắm tuyết trước nỗi đau của người miền núi khi thời tiết khắc nghiệt, người khác lại coi đó là chuyện hết sức bình thường.
Từ đêm 23, sáng 24/1, nhiệt độ tại các tỉnh phía Bắc đồng loạt xuống rất thấp. Sáng 24/1, tuyết bắt đầu rơi ở nhiều nơi.
tuyet1.jpg

Tuyết xuất hiện ở Tam Đảo từ rạng sáng 24/1 

Từ 0h30 sáng 24/1 và kéo dài liên tục đến nay, tuyết đã phủ kín mái nhà, đường đi ở huyện Sa Pa và Bát Xát (Lào Cai), thậm chí có nơi tuyết phủ dày 1 - 2 cm. Đồng bằng sông Hồng rét 5-7 độ.

Trận tuyết tháng 12/2013 đã làm chết rừng thảo quả, nhiều gia súc không sống nổi.
tuyet.jpg

 Bạn trẻ lên Ba Vì đón tuyết rơi

Khoảng 6h sáng, tuyết bắt đầu rơi nhiều tại Vườn quốc gia Ba Vì - cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 60 km, rơi nhiều nhất tầm 9h sáng trên khu vực đền Thượng, cách cổng rừng quốc gia khoảng 13 km.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ du lịch Vườn quốc gia Ba Vì cho biết thêm, mùa đông năm 2007 đỉnh núi Ba Vì từng có tuyết, nhưng rơi vào ban đêm, mật độ thưa nên ít người biết.
sapa.jpg

Tuyết rơi trên ruộng bậc thang ở Sapa

Hiện nay theo ghi nhận của cơ quan khí tượng, đã có 5 điểm dưới ngưỡng 0 độ C, gồm: Mẫu Sơn (Lạng Sơn) -4,4 độ C; Sa Pa (Lào Cai) -3,1 độ C; Pha Đin (Điện Biên) -1,3 độ C; Tam Đảo (Vĩnh Phúc) -1 độ C; Mộc Châu (Sơn La) -0,5 độ C. Lúc 13h chiều 24/1, nhiệt độ vẫn đang giảm tiếp.
 
Trời lạnh, tuyết rơi là chủ đề đáng chú ý nhất trên mạng xã hội từ nhiều ngày qua. Tài khoản Phuong Linh Tran cho biết: "2 ngày nghỉ cuối tuần chưa bước chân ra khỏi nhà, chỉ lướt web đọc tin thời tiết và xem tuyết rơi".

Nhiều facebooker có cùng chung nỗi lo như tài khoản Hoa Nguyen: "Ở xứ không có tuyết mà lại có tuyết rơi thì không phải là chuyện mừng vì nó sẽ phá hoại sinh thái khu này, gây ra mất mùa nghiêm trọng". Thâm chí, tài khoản Trang Linh còn dự đoán: "Dự là sẽ có nhiều thịt trâu khô bán tràn ngập thị trường trong dịp Tết Nguyên Đán năm nay".

Còn Tran Anh Toan lại tỏ ra lo ngại: "Liệu miền Bắc có thể trở thành vùng ôn đới trong vài chục năm tới hay không? Điều này sẽ ảnh hưởng đến tập quán sinh sống của bà con các dân tộc miền núi. Ở nhà sàn mát về mùa hè nhưng mùa đông thì gió lùa bên dưới sàn lạnh lưng không ngủ được. Cây trồng và vật nuôi cũng phải thay đổi để phù hợp với thời tiết. Đời sống sẽ càng khó khăn hơn vì thời gian làm việc trong năm ngắn lại, nghỉ đông kéo dài.

Rất nhiều bạn trẻ tạo các group (nhóm) để rủ nhau lên Sapa, Tam Đảo ngắm tuyết. Trên cộng đồng Phượt, nhiều nhóm cho hay đã có mặt tại Sapa, Mẫu Sơn, Tam Đảo để chờ đón tuyết từ hơn 1 ngày qua.

Trước sự việc này, tài khoản hieu.nguyen.nd dặn dò: "Nếu những người có điều kiện đi ngắm tuyết rơi, kết hợp từ thiện, tặng áo ấm cho người dân nơi đây thì kỷ niệm và niềm vui thêm trọn vẹn, thời tiết khắc nghiệt quá, chỉ bộ phận nhỏ dân Sapa làm du lịch thích thôi còn đa phần bà con dân bản thì đã đói lại thêm rét, đặc biệt là trẻ em".

fFcebooker Nam Nguyen so sánh: "Tuyết rơi, người đau xót, kẻ vui hớn hở". Tương tự, tài khoản Kuzumi viết: "Các bạn trẻ phấn khích có hình đăng face, còn người dân bản địa lại đau đầu vì mất mùa và lo gia súc chết rét. Mong sao thời tiết bớt khắc nghiệt cho nông dân bớt khổ".

Không đồng quan điểm trên, tài khoản Ngoc Nguyen cho rằng: "Đây không phải lần đầu tiên băng tuyết xuất hiện ở vùng núi Việt Nam. Đã trải qua biết bao mùa đông khắc nghiệt, người dân miền núi không thể không biết cách tránh rét, cách giữ cho trâu bò sống sót. Câu chuyện ấy không chỉ dừng ở nhận thức của người dân miền núi mà chính quyền cũng phải có động thái, hành động giúp đỡ người nhân trong chuyện này. Mình thấy mỗi lần có tuyết là nhiều người mắng mỏ dân phượt, khách du lịch không biết thương dân miền núi là không đúng".

Đồng quan điểm với Ngoc Nguyen, Tran Chung viết: "Chẳng nhẽ khách du lịch lại phải chịu trách nhiệm về nỗi khổ của người dân vùng núi? Chẳng nhẽ vì người dân khóc nên khách du lịch không nên đến đây ngắm tuyết sao? Thử hỏi nếu khách du lịch không đi ngắm tuyết nữa thì tuyết có ngừng rơi không? Năm nào tuyết rơi là năm ấy tôi cũng thấy các bạn bảo dân phượt vô tâm, ích kỷ... nhưng tôi nghĩ, việc lo cho cuộc sống của người dân là trách nhiệm của chính quyền".
sapa2.jpg

 Tuyết rơi tại Sapa làm người dân khó khăn trong việc đi lại

sapa1.jpg

 Tuyết phủ trắng sân tại một khách sạn tại Sapa

tuyet9.jpg

 Tại sảnh của khách sạn ở Tam Đảo

tuyet2.jpg

 Người dân lên Tam Đảo chụp ảnh với tuyết

tuyet5.jpg

 Tuyết lắng đọng trên những cành cây ở Tam Đảo

tuyet_tai_cao_bang.jpg

 Băng tuyết xuất hiện tại Cao Bằng 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn