Khi HIV lần đầu tiên xuất hiện vào giai đoạn những năm 1980 và 1990, nam giới có nhiều khả năng lây nhiễm hơn nam giới. Tuy nhiên, theo số liệu của Liên hợp quốc, hiện nay trên toàn thế giới, phần lớn những bệnh nhân nhiễm HIV là phụ nữ.
Theo báo cáo từ Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), HIV là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong của phụ nữ ở độ tuổi từ 30-49 và là nguyên nhân thứ 3 gây tử vong ở trẻ em gái và phụ nữ độ tuổi từ 15-29 trên toàn cầu.
Tỷ lệ nhiễm HIV của nam giới và phụ nữ ở các quốc gia rất khác nhau. Tuy nhiên, dữ liệu từ tổ chức Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, ở các khu vực cận Sahara (châu Phi), hơn 60% số bệnh nhân nhiễm HIV là phụ nữ. Theo UNAIDS, phụ nữ trong độ tuổi 15-24 ở khu vực này của châu Phi có nguy cơ dương tính với HIV cao hơn gấp 2 lần so với nam giới trong cùng độ tuổi.
Nguyên nhân khiến phụ nữ ở các nước đang phát triển dễ bị lây nhiễm HIV hơn nam giới
Nghiên cứu của Kelly Austin, Phó khoa Xã hội học tại Đại học Lehigh ở Bethlehem (Pennsylvania) được đăng tải trên tạp chí Social Indicators Research cho thấy, tình trạng hạn hán và mất an ninh lương thực có tác động đến nguy cơ lây nhiễm HIV của phụ nữ tại các quốc gia đang phát triển.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng mô hình phương trình cấu trúc để khám phá mối liên hệ giữa tỷ lệ nhiễm HIV với các yếu tố kinh tế - xã hội và môi trường - bao gồm hạn hán và mất an ninh lương thực - ở 91 quốc gia đang phát triển.
Theo các nhà nghiên cứu, phụ nữ ở các nước này có rất ít quyền tự chủ và thường phải chịu trách nhiệm nuôi dạy con cái, thu hoạch thực phẩm, lấy củi và lấy nước. Điều này khiến họ đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi hạn hán và tình trạng thiếu lương thực. Theo đó, có 4 nguyên nhân chính khiến tình trạng hạn hán và mất an ninh lương thực ảnh hưởng đến tỷ lệ nhiễm HIV của phụ nữ.
Thứ nhất, tình trạng suy dinh dưỡng do thiếu lương thực. Suy dinh dưỡng làm suy yếu khả năng phòng vệ của hệ miễn dịch đối với HIV và tăng khả năng bị tổn thương đối với các bệnh khác, chẳng hạn như sốt rét và có thể gián tiếp làm tăng tính nhạy cảm với HIV.
Thứ hai, sự gia tăng bất bình đẳng giới về khả năng tiếp cận giáo dục và chăm sóc sức khỏe, bao gồm cả các dịch vụ kiểm soát sinh sản. Từ đó làm giảm cơ hội được bảo vệ của phụ nữ đối với nguy cơ lây nhiễm HIV.
Thứ ba, nhiều phụ nữ ở các quốc gia đang phát triển phải kết hôn sớm, làm tăng nguy cơ phơi nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, trong đó có HIV.
Thứ tư, nhiều phụ nữ rơi vào tình trạng khó khăn kinh tế tài chính, từ đó gia tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia hoạt động mại dâm, bán dâm và làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV.
Theo giáo sư Austin, "Phụ nữ ở các quốc gia đang phát triển phải chịu gánh nặng về tình trạng sức khỏe kém do đối mặt với tình trạng thiếu lương thực hoặc những tác động lớn từ thiên tai như hạn hán. Áp lực về lương thực và kinh tế đã đẩy nhiều phụ nữ đến nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm như HIV".
Biến đổi khí hậu
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đã cảnh báo về tình trạng khẩn cấp của biến đổi khí hậu toàn cầu trong những năm gần đây. FAO dự đoán rằng biến đổi khí hậu sẽ làm tăng tần số, mức độ nghiêm trọng và thời gian của các đợt hạn hán trong những năm tới. Từ đó, khả năng mắc các bệnh nguy hiểm ở phụ nữ có thể sẽ tăng.
Cuối cùng, các tác giả của nghiên cứu kết luận: "Trong thời gian xảy ra các đợt hạn hán, phụ nữ và trẻ em gái cần đặc biệt chú ý an toàn trong các hoạt động như đi học, đi làm, chăm sóc y tế và các hoạt động khác để đảm bảo sức khỏe. Ngoài ra, cần thực hiện nhiều biện pháp như mở rộng cơ hội tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế hoặc ưu tiên trao quyền cho phụ nữ trong các chính sách phát triển và bảo vệ môi trường".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn