Đại biểu biểu quyết tại Hội nghị hiệp thương lần 1 |
Theo tính toán của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để tỷ lệ nữ ứng cử viên ĐBQH đạt ít nhất 35% theo quy định của Luật bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, số ứng cử viên nữ phải đạt ít nhất 314/896. Tuy nhiên, Nghị quyết 1140/2016/UBTVQH13 quyết nghị dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần người của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở trung ương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV là 198 đại biểu, trong đó ứng cử viên nữ chỉ có 30 người (chiếm 15% trong số 198 người). Như vậy, để đạt tỷ lệ ứng cử viên nữ 35%, cấp địa phương phải giới thiệu ít nhất 284 người (tương đương 40,6% tổng số ứng cử viên do cấp này giới thiệu).
Để có được 284 ứng cử viên nữ, cấp địa phương xoay xở không phải dễ. Nếu cố gò cho đủ số lượng ứng cử viên nữ sẽ dễ ảnh hưởng tới chất lượng ứng viên khiến tỷ lệ trúng cử không cao.
Tại Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV do Đoàn chủ tịch UB TƯ MTTQVN tổ chức ngày 26/2, các đại biểu chung đề nghị cần giảm cơ cấu ĐBQH thuộc cơ quan hành pháp, hành chính; tăng số lượng ĐBQH chuyên trách, đại biểu là phụ nữ, người dân tộc thiểu số, đại biểu trẻ tuổi, đại biểu tôn giáo, đại biểu ngoài Đảng, đại biểu tái cử và tự ứng cử, nhân sỹ trí thức và văn nghệ sỹ tiêu biểu.
Để tăng tỷ lệ nữ ứng cử và nữ ĐBQH, ông Trần Hoàng Thắng, nguyên Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM, cho rằng: Đã có cơ cấu, thành phần nữ nhưng vẫn phải làm tốt công tác vận động bầu cử để cử tri nhận thức rõ được tầm quan trọng của bình đẳng giới và vai trò của nữ đại biểu Quốc hội. Đặc biệt, cần có sự tính toán, bố trí nữ ứng cử viên trong các đơn vị bầu cử một cách hợp lý; tạo điều kiện hơn nữa để họ tiếp xúc với cử tri, vận động bầu cử. Vai trò của cấp ủy Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở các cấp là rất quan trọng trong việc tạo điều kiện, hỗ trợ cho nữ ứng cử viên trong quá trình hiệp thương, tiếp xúc cử tri.
Để đạt mục tiêu đạt ít nhất 35% nữ ứng cử viên đại biểu để bầu được ít nhất 30% nữ ĐBQH, ông Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội, cho biết: Với quyết tâm rất cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp chặt chẽ với Hội đồng bầu cử Quốc gia, MTTQVN trong quá trình chỉ đạo, hướng dẫn bầu cử ở cấp Trung ương và địa phương. Ngoài ra, quá trình chỉ đạo bầu cử cũng hướng đến giảm cơ cấu thành phần kết hợp, đặc biệt là giảm thành phần kết hợp phụ nữ với cơ cấu trẻ, dân tộc, ngoài đảng...
Đại biểu tại Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất cơ bản thống nhất với dự kiến cơ cấu, số lượng người của các cơ quan trung ương được giới thiệu ứng cử ĐBQH theo Nghị quyết 1140/2016/UBTVQH13 với số lượng là 198 đại biểu, tăng 15 người so với khóa trước. Trong đó: các cơ quan Đảng 11 đại biểu; cơ quan Chủ tịch nước 3 đại biểu; các cơ quan của Quốc hội (đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương) 114 đại biểu; Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ 18 đại biểu; Bộ Quốc phòng 15 đại biểu; Bộ Công an 3 đại biểu; Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Kiểm toán nhà nước mỗi đơn vị 1 đại biểu; MTTQVN và các tổ chức thành viên 31 đại biểu. |