Theo đó, tỷ lệ sinh ở phụ nữ thuộc mọi chủng tộc và sắc tộc, và ở gần như mọi nhóm tuổi đều giảm. Đây được cho là mức giảm thấp nhất kể từ khi các quan chức y tế liên bang Mỹ bắt đầu theo dõi hơn một thế kỷ trước.
Theo báo cáo, tỷ lệ sinh ở phụ nữ trẻ đã giảm trong nhiều năm, do nhiều người trì hoãn việc làm mẹ và lập gia đình cũng như lựa chọn sinh ít con hơn. Tỷ lệ sinh của phụ nữ ở tuổi cuối 30 và 40 đang tăng nhẹ, nhưng con số này không tăng trong năm 2020.
Brady Hamilton, thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), tác giả chính của báo cáo mới này cho biết: "Thực tế, tỷ lệ sinh giảm ngay cả đối với những phụ nữ lớn tuổi".
Báo cáo của CDC dựa trên việc xem xét hơn 99% giấy khai sinh được cấp vào năm ngoái. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu này cũng trùng khớp với một phân tích gần đây của Associated Press về dữ liệu năm 2020 từ 25 tiểu bang cho thấy, các ca sinh đã giảm trong đợt bùng phát COVID – 19.
Các chuyên gia cho rằng, đại dịch đã góp phần vào việc giảm tỷ lệ sinh ở Mỹ trong năm 2020. Lo lắng về COVID-19 và tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế có thể khiến nhiều cặp vợ chồng nghĩ rằng đây không phải là thời điểm thích hợp để sinh con.
- Trước đại dịch, phụ nữ Mỹ đã có ít con hơn. Phụ nữ chọn sinh con muộn hơn hoặc chọn không sinh con. Dữ liệu mới được công bố cho thấy, xu hướng đó đang ngày càng rõ nét. Tỷ lệ sinh của Mỹ giảm trên các chủng tộc, sắc tộc và hầu hết ở các nhóm tuổi.
- Khoảng 3,6 triệu trẻ được sinh ra ở Mỹ vào năm 2020, giảm so với khoảng 3,75 triệu vào năm 2019. Khi bùng nổ ca sinh vào năm 2007, Mỹ đã ghi nhận 4,3 triệu ca sinh.
- Tỷ lệ sinh ở Mỹ giảm xuống còn khoảng 56 ca sinh trên 1.000 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, tỷ lệ thấp nhất được ghi nhận. Tỷ lệ này chỉ bằng một nửa so với đầu những năm 1960.
- Thế hệ hiện tại ngày càng làm ngơ với việc sinh con.
Mỹ từng là một trong số ít quốc gia phát triển có tỷ lệ sinh đảm bảo mỗi thế hệ có đủ con để thay thế. Khoảng 10 năm trước, tỷ lệ sinh ở Mỹ ước tính là 2,1 trẻ em trên một phụ nữ. Nhưng qua thời gian, con số này đã giảm và năm ngoái, con số này đã giảm xuống khoảng 1,6 - tỷ lệ thấp nhất được ghi nhận.
Tỷ lệ sinh giảm và dân số già là nguyên nhân gây lo ngại ở Nhật Bản trong nhiều thập kỷ. Tỷ lệ sinh đã tăng lên ở một số vùng của quốc gia này, nơi người dân nhận được các khoản trợ cấp tiền mặt không ràng buộc cho con cái. Những vùng có số ca sinh tăng sẽ được nhận các ưu đãi bằng tiền, với khoảng 940$ (khoảng 21,5 triệu) cho con đầu lòng và 9.400$ (khoảng 216 triệu đồng) cho con thứ tư.
Chính phủ cũng thực hiện nhiều chiến lược thu hút nhiều lao động nước ngoài hơn, một động thái để đảm bảo rằng đất nước có đủ y tá, công nhân nông trại hoặc thợ máy. Tuy nhiên, những người lao động nước ngoài làm việc tại Nhật Bản thường không lựa chọn định cư lâu dài, hoặc đưa gia đình của họ đi cùng.
Vào năm 2019, Thủ tướng khi đó là Shinzo Abe đã công bố miễn chi phí trường mầm non ở Nhật Bản. Nhưng các chuyên gia nói rằng, nhu cầu của xã hội vẫn khiến việc cân bằng giữa công việc và gia đình trở thành vấn đề nan giải đối với hầu hết phụ nữ Nhật Bản, nhiều người đang chọn sự nghiệp thay vì con cái.
Không giống như ở Hoa Kỳ, các bậc cha mẹ ở Hàn Quốc được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc trẻ em miễn phí, trợ cấp nhà ở và một loạt tiền thưởng bao gồm trợ cấp hàng tháng khoảng 90$ (khoảng 2 triệu đồng) cho mỗi trẻ em dưới 7 tuổi. Một số thành phố thậm chí còn cung cấp các đặc quyền như bãi đậu xe miễn phí để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho những cư dân muốn lập gia đình.
Nhưng quốc gia này vẫn là một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất trên toàn thế giới, điều này đã làm dấy lên những lo ngại về an ninh quốc gia vì nó có nguy cơ thu hẹp đáng kể quy mô quân đội. Trong "Báo cáo tình hình dân số thế giới năm 2021" của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) công bố ngày 14/4 (giờ địa phương), tổng tỷ suất sinh Hàn Quốc (dự đoán số trẻ bình quân một phụ nữ sinh ra trong suốt thời kỳ sinh đẻ) chỉ đạt 1,1 trẻ, tương tự như năm ngoái, thấp nhất trong số 198 nước. Tổng tỷ suất sinh bình quân của thế giới là 2,4 trẻ. Theo đó, đây là năm thứ 2 liên tiếp tỷ lệ sinh con của Hàn Quốc thấp nhất thế giới
Năm ngoái, chính phủ Hàn Quốc đã công bố kế hoạch tăng thời gian sinh con: Phụ nữ mang thai sẽ nhận được khoản trợ cấp 916 USD (khoảng 21 triệu đồng), tiếp theo là khoảng 1.800 USD (khoảng 41 triệu đồng) khi sinh con và 275 USD (khoảng 6,5 triệu đồng) mỗi tháng cho tiền trợ cấp năm đầu tiên của trẻ.
Tuy nhiên, nhiều cặp vợ chồng trẻ nói rằng giá nhà ở cao ngất ngưởng và nỗi lo liên quan đến vấn đề thăng tiến trong công việc đã làm tăng tỷ lệ trì hoãn việc sinh con.
Vào những năm 1970, chính quyền Singapore bắt đầu khuyến khích người dân sinh ít con hơn bằng cách ưu tiên cho các gia đình với quy mô nhỏ hơn về chăm sóc sức khỏe, giáo dục và nhà ở. Chiến dịch "Stop at Two" đã đưa các biện pháp tránh thai trở nên phổ biến rộng rãi và đẩy mạnh việc đình sản cho các cặp vợ chồng đã có bốn con.
Đến năm 1987, tỷ lệ sinh ở quốc gia này đã giảm đáng kể đến mức Singapore phải đảo ngược hướng đi và đưa ra một chính sách mới với thông điệp: "Hãy có ba con hoặc nhiều hơn nếu bạn đủ khả năng". Lo lắng về tác động của sự suy giảm dân số, chính phủ bắt đầu cung cấp các khoản trợ cấp chăm sóc trẻ em mới, các chính sách nghỉ thai sản tốt hơn và trợ cấp cho các bậc cha mẹ lên tới 7.330 USD (gần 168 triệu đồng) cho mỗi trẻ.
Tuy nhiên, những can thiệp đó vẫn không thể đảo ngược xu hướng. Singapore hiện có tỷ lệ sinh thấp thứ ba thế giới. Trong năm qua, khi tỷ lệ sinh giảm xuống mức thấp lịch sử, chính phủ đã tăng gấp đôi khoản chi trả cho các gia đình sinh con thứ hai và tăng trợ cấp cho chi phí mẫu giáo cũng như các phương pháp điều trị sinh sản.
Theo đó, năm 2020 Singapore có 38.705 trẻ được sinh ra, giảm 1,5% so với 39.279 trẻ năm 2019. Đây là con số thấp nhất kể từ năm 2010, khi có 37.967 trẻ.
Tỷ lệ sinh ngày càng giảm của Nga là mối mối quan tâm đặc biệt đối với Tổng thống Vladimir Putin. Trong gần hai thập kỷ, chính phủ đã khuyến khích người dân có nhiều con bằng cách cung cấp vốn thai sản, với trị giá 6.200$ (hơn 142 triệu đồng) và có thể được chi cho các chi phí như giáo dục hoặc nhà ở. Trước đây, khoản trợ cấp này chỉ dành cho các gia đình có từ hai con trở lên, nhưng vào năm 2020, tổng thống Putin tuyên bố rằng tất cả các bậc cha mẹ đều đủ điều kiện.
Ngoài ra, tổng thống Putin cũng đã hứa giảm thuế cho các gia đình đông con, cũng như việc bảo hiểm y tế của chính phủ chi trả chi phí thụ tinh ống nghiệm cho những phụ nữ gặp khó khăn trong việc mang thai. Nhưng một số người Nga cảm thấy rằng các ưu đãi về tài chính vẫn không là gì so với chi phí nuôi dạy một đứa trẻ.
Theo Independent, Tổng thống Nga từng cho mời ban nhạc đình đám Boyz II Men tới Moscow để biểu diễn vào đêm Valentine nhằm truyền cảm hứng để các cặp đôi ở quốc gia này có thêm con cái. Ngoài ra, Nga cũng chọn ngày 12/9 hàng năm làm Ngày Nhận thức (hay còn gọi là ngày sinh sản). Những người phụ nữ sinh con vào đúng 9 tháng sau (ngày 12/6) sẽ nhận được 1 chiếc tủ lạnh.
Estonia, một quốc gia nằm ở khu vực Bắc Âu là một ví dụ hiếm hoi về việc thành công trong vấn đề thúc đẩy dân số của mình. Vào năm 2001, tỷ lệ sinh giảm của quốc gia được coi là một cuộc khủng hoảng tiềm ẩn, nhưng đến năm 2018, số sinh đã tăng lên.
Theo đó, hệ thống phúc lợi xã hội mạnh mẽ của đất nước đã nhận được nhiều ủng hộ từ người dân. Estonia cho phép cha mẹ nghỉ phép do sinh con hưởng lương cao nhất trong một năm rưỡi, thậm chí nhiều hơn các nước láng giềng khác ở Bắc Âu. Như Estonian Public Broadcasting đã đưa tin, các phòng hộ sinh được trang bị bồn tắm, bài tập thể dục, đèn có thể điều chỉnh độ sáng và tùy chọn nghe nhạc yêu thích. Ở quốc gia này, sinh con không tốn kém gì - một điều hoàn toàn trái ngược với Mỹ, nơi chi phí sinh nở trung bình hơn 4.500$ (khoảng 103 triệu đồng) . Ngoài ra, điều quan trọng, Estonia có chi phí sinh hoạt thấp và các ưu đãi tiền mặt dành cho cha mẹ. Khi một gia đình có ba con sẽ nhận được khoản trợ cấp hàng tháng khoảng 624$ (hơn 14 triệu đồng).
Nhập cư cũng đóng một vai trò quan trọng, nhiều người nhập cư hơn là di cư ở Estonia. Mặc dù điều đó đã giúp cân bằng sự sụt giảm trong dân số, nhưng một số quan chức chính phủ không cho rằng đó là một xu hướng bền vững. Hiện tại, Estonia không cho phép tổng số người nhập cư hàng năm vượt quá 0,1% dân số của đất nước, một chính sách nhằm "duy trì sự cân bằng dân số".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn