Một nghiên cứu do Liên đoàn Công nhân Giáo viên Hồng Kông thực hiện trên 230 trường mẫu giáo vào tháng 12/2022 cho thấy, số học sinh từ 4 tuổi trở lên ở các trường mẫu giáo học nửa ngày và cả ngày đều giảm trong năm học hiện tại.
Theo đó, khoảng 79% trường mẫu giáo cung cấp chương trình học nửa ngày cho biết, số lượng tuyển sinh vào tháng 9 năm ngoái trung bình thấp hơn 23 học sinh ở mỗi trường, so với số lượng tuyển sinh năm trước. Trong khi đó, 76% trường mẫu giáo cung cấp chương trình học cả ngày giảm 19 học sinh bình quân mỗi trường.
"Khảo sát cho thấy gần 90% các trường mẫu giáo dự kiến số lượng tuyển sinh sẽ tiếp tục giảm trong năm học tới. Chỉ 5% dự kiến được phục hồi vì các trường này nằm trong khu vực dân cư mới", Nancy Lam Chui-ling, Phó chủ tịch Liên đoàn Công nhân Giáo viên kiêm hiệu trưởng trường mẫu giáo, cho biết.
Hơn 50% trường mẫu giáo tham gia khảo sát cho biết, có kế hoạch sa thải giáo viên, trung bình mỗi trường sẽ giảm từ 2 đến 3 giáo viên. Hơn 40% nói rằng sẽ không tăng lương cho giáo viên và gần 20% sẽ cắt giảm lương. Xét về triển vọng tuyển sinh cho năm học 2023-2024, chỉ 5% trường sẽ không cân nhắc việc sa thải giáo viên, "đóng băng" hoặc cắt giảm tiền lương.
Khoảng 72% trường mẫu giáo cho biết lý do chính khiến số lượng học sinh ít hơn là do tỷ lệ sinh trong khu vực thấp, dẫn đến tỷ lệ nhập học giảm. Các yếu tố khác như học sinh bỏ học, chuyển đổi hệ thống chương trình giảng dạy, đại dịch Covid-19 và làn sóng di cư cũng góp phần tác động đến số lượng học sinh.
Theo báo cáo "Xu hướng dân số Hồng Kông 1991-2021" do Cục điều tra và thống kê của Chính phủ Hồng Kông công bố, số ca sinh ở Hồng Kông liên tục giảm trong 5 năm qua. Thành phố này có tỷ lệ sinh thấp kỷ lục vào năm 2021, với 37.000 trẻ được sinh ra, giảm gần 6.000 so với mức 43.000 vào năm 2020. Số trẻ em sinh ra trong năm 2022 sẽ được cống bố vào tháng 2 này, nhưng Liên đoàn dự kiến nó sẽ là một mức thấp kỷ lục.
Hồng Kông có khoảng 1.000 trường mẫu giáo. Theo Liên đoàn, hầu hết các trường mẫu giáo đều dựa vào tiền trợ cấp của học sinh để hoạt động. Số lượng tuyển sinh giảm đã gây áp lực cho hoạt động của trường, với hơn 90% trường mong muốn tiền trợ cấp của học sinh được tăng lên.
Họ hy vọng trợ cấp cho mỗi học sinh mỗi năm sẽ được tăng thêm 20%, từ 36.910 đô-la Hồng Kông (khoảng 110 triệu đồng) lên khoảng 44.300 đô-la Hồng Kông (hơn 133 triệu đồng) hoặc chi trợ cấp một lần để giảm bớt áp lực cho ngành.
Theo bà Nancy Lam Chui-ling, nếu không được hỗ trợ, hơn 100 trường mẫu giáo có thể buộc phải đóng cửa trong hai hoặc ba năm. Đã có 20 trường ngừng hoạt động trong năm học vừa qua.
"Số lượng trường mẫu giáo đóng cửa năm nay sẽ không thấp và chắc chắn sẽ cao hơn năm ngoái. Con số này có thể lên tới 3 chữ số. Nếu điều này trở thành sự thật, nó sẽ là một con số khủng khiếp. Tôi hy vọng điều đó sẽ không xảy ra", bà Lam nói.
Bà Lam cảnh báo rằng, việc sa thải giáo viên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục của nhà trường. Bà cho biết ban quản lý sẽ miễn cưỡng sa thải các giáo viên có thâm niên với mức lương cao hơn.
Theo Choi Lai-fong, thành viên hội đồng của liên đoàn và là hiệu trưởng trường mẫu giáo, việc các học sinh ở Trung Quốc đại lục quay về sẽ không giúp gì nhiều cho tình hình vì phụ huynh cần một khoảng thời gian để chọn trường. Sau gần ba năm học trực tuyến trong đại dịch, các học sinh ở bậc trung học dự kiến sẽ tham gia lớp học trực tiếp vào giữa tháng 2, trong khi học sinh tiểu học và mẫu giáo sẽ quay trở lại vào cuối tháng.
Hai tuần trước, Cục trưởng Cục Giáo dục Hồng Kông Christine Choi Yuk-lin cho biết không nhất thiết phải duy trì số lượng trường mẫu giáo nhất định trong thành phố. "Số lượng trường mẫu giáo nên để cơ chế thị trường quyết định. Rất khó để giữ cho tất cả các trường đều hoạt động. Thành phố đang già đi trong khi các lĩnh vực khác cũng đang cần sự hỗ trợ của chính phủ. Chúng tôi không thể mở cửa trường mẫu giáo trong khi lớp chỉ có một vài học sinh", bà nói.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn