Tỷ lệ sốc và tử vong do tiêm thuốc cản quang gia tăng

10:15 | 04/10/2017;
Hiện nay, do số bệnh nhân có chỉ định tiêm thuốc cản quang trong chẩn đoán hình ảnh tăng nên tần suất bệnh nhân bị sốc phản vệ do thuốc Ultravist tăng. Nhiều trường hợp mặc dù phát hiện sớm, xử trí chính xác và kịp thời nhưng cũng tử vong.
Sau khi xảy ra sự cố sốc phản vệ sau tiêm thuốc cản quang Ultravist 80ml tại BV K TƯ làm bệnh nhân T.T.L, 45 tuổi, ở Nghệ An, tử vong, khiến nhiều người lo lắng. Vậy sốc phản vệ là gì? Tỷ lệ sốc phản vệ do thuốc cản quang có cao?

Theo TS.BS Nguyễn Tiến Quang (BV K TƯ), sốc phản vệ là phản ứng dị ứng hệ thống cấp, nguy kịch và dễ có nguy cơ tử vong, phát sinh khi có sự xâm nhập của dị nguyên vào cơ thể.

Sốc phản vệ có đặc điểm tăng tính thấm thành mạch, phù nề, xuất tiết niêm mạc và co thắt cơ trơn (phế quản và ruột) dẫn đến truỵ tim mạch, suy hô hấp và rất dễ gây tử vong.

Sốc phản vệ 2 pha là có thể tái phát sau khi hết triệu chứng ban đầu, mà không tiếp xúc lại với chất gây dị ứng, chiếm tỉ lệ khoảng 20% các trường hợp. Sốc phản vệ pha 2 thường tái lại sau 1-8 giờ, có thể kéo dài 5 – 32 giờ. Độ nặng của sốc phụ thuộc vào mức độ nhạy cảm của từng cá thể, hàm lượng, thời gian và tốc độ hấp thu các kháng nguyên. Phần lớn tử vong do sốc phản vệ là không thể dự báo trước được.

20171003165106-thuoc.jpg
Thuốc cản quang Ultravist 80ml

Cũng theo bác sĩ Quang, dị nguyên gây sốc phản vệ thường có 4 nhóm chính, gồm thuốc; thức ăn; nọc côn trùng và dị nguyên theo đường hô hấp. Trong đó, dị nguyên thuốc là phổ biến nhất và sốc phản vệ do thuốc cản quang chiếm tỉ lệ 1/5.000.

Các con đường đưa dị nguyên vào hay gặp nhất là đường tiêm (tĩnh mạch, tiêm bắp và tiêm dưới da) và đường tiêu hóa, trong đó đường tiêm tĩnh mạch là phổ biến nhất. Bác sĩ Quang cho biết, sốc phản vệ chỉ xảy ra ở những cơ thể có “cơ địa dị ứng”. Nghĩa là với cùng một liều lượng, tốc độ và thời gian hấp thụ, phơi nhiễm, sốc có thể xảy ra ở người này nhưng chưa chắc xảy ra ở cơ thể khác. “Cơ địa” là đặc tính cơ thể của từng người, đây là yếu tố người thầy thuốc điều trị không thể xác định và tiên đoán. Do vậy không nên nghi ngờ hay vội vàng giải thích thiếu thận trọng các sự cố y khoa. Đặc biệt, các sự cố gây chết người do sốc phản vệ, là vì sai sót hay quy trách nhiệm cho người thầy thuốc. Phải nói rằng khi xảy ra những sự cố nghiêm trọng như vậy, luôn là nỗi kinh hoàng, ám ảnh và là điều không mong muốn, ngoài năng lực dự đoán của tất cả các bác sĩ.

Về tỷ lệ số phản vệ do thuốc cản quang Ultravist dùng trong chẩn đoán hình ảnh, theo một thống kê quốc tế là có 10/1.142 bệnh nhân bị sốc tử vong. Trong đó, có tới 7 bệnh nhân tử vong trong vòng khoảng 5 ngày sau xuất hiện sốc.

Hiện nay, chỉ định tiêm thuốc cản quang trong chẩn đoán hình ảnh tăng nên tần suất bệnh nhân bị sốc phản vệ do thuốc cản quang nói chung và Ultravist nói riêng cũng tăng. Nhiều trường hợp mặc dù phát hiện sớm, xử trí chính xác và kịp thời cũng không tránh khỏi tử vong. Trong nghề y không thầy thuốc nào có thể nói trước được 100% các can thiệp chẩn đoán, điều trị sẽ thành công, không xảy ra tai biến.

Trước đó, như PNVN đã thông tin, ngày 29/9 bệnh nhân T.T.L. (45 tuổi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) được tiêm thuốc cản quang Ultravist 80ml. Sau tiêm chừng 10 phút, bệnh nhân đột ngột xuất hiện tức ngực, khó thở, da ngứa, mẩn đỏ. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc phản vệ và dù đã được cấp cứu nhưng chị L. đã tử vong vào sáng ngày 30/9.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn