TYM đã hỗ trợ hơn triệu lượt phụ nữ vay vốn thoát nghèo bền vững

10:57 | 04/10/2017;
Tổ chức tài chính vi mô Tình Thương (TYM) trải qua 25 năm trưởng thành và phát triển đến nay đã hỗ trợ trên 1 triệu lượt chị em được vay vốn, phát triển bền vững và khẳng định vị thế, vai trò trong mỗi gia đình.
tym-2.jpgQua 25 trưởng thành và phát triển đến nay, TYM đã hỗ trợ trên 1 triệu lượt chị em được vay vốn, phát triển bền vững (ảnh H. Hòa) 


Qua gần 25 năm phát triển và trưởng thành, hoạt động của TYM đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng cuộc sống và vị thế của chị em phụ nữ. Tính đến cuối tháng 8/2017, TYM đang hoạt động tại 12 tỉnh/thành phố trải dài từ Bắc đến Trung bộ Việt Nam, phục vụ trên 140.000 phụ nữ nghèo và phụ nữ có thu nhập thấp thuộc 3.500 cụm, trong đó có gần 2.000  thành viên dân tộc thiểu số và trên 1.000 thành viên nhiễm hoặc chịu ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và khuyết tật, 3.800 thành viên nghèo và cận nghèo, trên 2.000 thành viên đơn thân. Đặc biệt, 6.855 thành viên đã trở thành các nhà nữ doanh nghiệp. Và trên hết, trên 120.000 chị em đã thoát nghèo.

Chị Nguyễn Thị Thanh là thành viên của TYM từ năm 2006 tại thôn Xuân Tàng, xã Bắc Phúc, huyện Sóc Sơn. Chị nhớ lại, những năm trước mọi vốn liếng vay mượn từ người thân bạn bè đều dồn cho chồng mở xưởng cơ khí ở Bắc Ninh. Chị là công nhân may trở về quê muốn mở cửa hiệu may nhỏ nhưng xoay sở đủ hướng cũng không đủ 3 triệu đồng để tự sắm cho mình máy khâu.

Khi cầm 3 triệu đồng tiền vốn vay từ TYM, chị vẫn còn nhớ như in cảm giác run run, xúc động. Những buổi sinh hoạt cùng tổ vay vốn, được gặp gỡ các chị em thành viên khác trao đổi, chia sẻ cách thức quản lý tài chính, sử dụng vốn hiệu quả, mỗi ngày chị càng thêm vững tin hơn. Từ 1 máy may ban đầu, qua tháng năm tần tảo, kiên trì làm lụng, tìm kiếm đầu mối đơn hàng nhận gia công sản phẩm, đến nay chị đã có 3 xưởng may với hơn 30 đầu máy. Chị đã tạo việc làm cho hơn 30 lao động thường xuyên với mức thu nhập trung bình 4 triệu đồng/tháng. Bản thân chị cũng có nguồn thu nhập ổn định với mức hơn 20 triệu đồng/tháng. Chị Thanh vui vẻ nói: “Đã có thành công bước đầu, bản thân thấy tự tin, dám nghĩ, dám làm, mạnh bạo đầu tư hơn trước rất nhiều. Không chỉ vậy, phụ nữ vững vàng về kinh tế cũng có nhiều điều kiện để chăm sóc, nuôi dạy con được đủ đầy hơn; vị thế của bản thân cũng được nâng cao trong chính gia đình của mình”.

chi-thanh-xuong-may-2.jpg
Chị Nguyễn Thị Thanh là thành viên của TYM từ năm 2006 tại thôn Xuân Tàng, xã Bắc Phúc, huyện Sóc Sơn (ảnh H. Hòa) 


Bà Dương Ngọc Linh, Tổng Giám đốc TYM, cho biết: Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, góp phần bình đẳng giới, TYM không chỉ dựa vào vốn vay. Phụ nữ cần các dịch vụ tài chính khác như tiết kiệm cơ chế linh hoạt, tương trợ lẫn nhau khi gặp khó khăn, dịch vụ phát triển kinh doanh… để phục vụ cho các dự án kinh doanh của họ. Trong trường hợp tổ chức không thể trực tiếp đáp ứng được các nhu cầu này, cần hỗ trợ họ cách thức tiếp cận các dịch vụ đó hoặc kết nối các đơn vị cung cấp dịch vụ với thành viên. Ngoài ra, nâng cao năng lực là hoạt động không thể thiếu nhằm giúp phụ nữ có đủ kiến thức và kỹ năng, từ đó tự chủ với việc kinh doanh, sản xuất của mình.

Thành viên TYM được tham gia rất nhiều hoạt động nâng cao năng lực và giao lưu cộng đồng. Tại các buổi sinh hoạt hàng tuần/tháng, chị em có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế, chăm sóc gia đình và thảo luận các vấn đề chung của địa phương và xã hội. Cán bộ TYM cũng hướng dẫn các chị em ghi chép sổ sách, quản lý chi tiêu của gia đình và của hoạt động kinh doanh sản xuất. Các chị cụm trưởng hàng năm được đào tạo kỹ năng quản lý cụm. Các chị em có cùng ngành nghề được TYM tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề trong đó giảng viên là cán bộ Hội Phụ nữ hoặc chuyên gia với lĩnh vực chuyên môn phù hợp

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn