5h30 sáng một ngày đầu năm 2021, chị Phạm Thị Oanh (cán bộ kỹ thuật của TYM chi nhánh Hải Dương) trở dậy kéo chăn đắp thêm cho 2 con, một cháu mới 8 tuổi, một cháu 4 tuổi. Chị bật bếp hâm lại nồi cháo từ đêm hôm trước, lấy cháo ra bát rồi gọi con lớn dậy cho cháu đánh răng và ôm đứa nhỏ ra rửa mặt bằng nước ấm.
Mặc áo ấm cho con, chị mời bố mẹ chồng ăn sáng cùng các cháu rồi quay vào bếp hâm nóng lại thức ăn, xúc cơm lèn vào chiếc cặp lồng, rót nước vào chai nhựa chuẩn bị cho bữa trưa mà chị sẽ đem theo. Ăn vội lưng cháo, chị đưa 2 con, lúc này đã được ông bà nội hỗ trợ chuẩn bị quần áo balô tươm tất, ra xe máy. 3 mẹ con chào ông bà nội rồi lên xe tiến về phía trường học.
Lần lượt đưa 2 con đến trường mầm non và trường tiểu học, chị hướng về thành phố Chí Linh, nơi chị sẽ bắt đầu ngày làm việc. Dừng xe ngay trước chốt kiểm dịch chị mở cốp lấy chiếc áo mưa mỏng khoác lên mình, đội mũ chống giọt bắn, xỏgăng tay cao su. Sau khi trình thẻ làm việc cho nhân viên y tế, đo nhiệt độ cơ thể, chị tiến vào TP Chí Linh - thời điểm ấy vẫn đang trong giai đoạn giãn cách xã hội.
Chị lần lượt qua 7 chốt kiểm dịch để đến điểm hẹn với các thành viên. Chị cụm trưởng và 2 thành viên TYM cũng vừa có mặt. 4 chiếc ghế kê cách nhau lần lượt 2 mét, chị Oanh tranh thủ hỏi thăm tình hình dịch bệnh ở nơi các thành viên đang ở, từng người trong gia đình đang thuộc diện "F" mấy, rồi động viên các thành viên cố gắng thực hiện nghiêm 5K phòng chống dịch.
Vừa động viên các thành viên, tay vẫn không ngừng mở sổ sách, chị làm thủ tục cho 2 thành viên rút tiền tiết kiệm, một phần đóng tiền trả nợ định kỳ cho khoản vay của TYM, một phần các thành viên đem về mua thực phẩm thiết yếu chuẩn bị cho việc chống dịch. Hai thành viên hoàn thành thủ tục ra về, phía ngoài lại có 2 thành viên khác đã hẹn trước vào làm thủ tục trả nợ, rút tiết kiệm.
Chị Oanh cho biết, những ngày TP Chí Linh có dịch, các nhân viên TYM chi nhánh Hải Dương như chị vẫn tiếp tục làm việc không ngừng nghỉ.
Ngoài các hoạt động mang tính nghiệp vụ, cán bộ TYM tranh thủ điện thoại thăm hỏi động viên các thành viên, vận động họ thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch, lắng nghe những khó khăn mà họ đang gặp, cùng với họ bàn bạc tìm phương án tháo gỡ.
Tại mỗi cụm chị sẽ làm việc khoảng 1 tiếng sau đó di chuyển sang các cụm khác. Buổi trưa, chị sẽ về văn phòng của TYM đặt ở TP Chí Linh. Tại đây chị cởi bỏ áo mưa và các trang bị phòng dịch, tranh thủ ăn trưa và nghỉ lại văn phòng. Chiều chị lại áo mưa, mũ chống giọt bắn, găng tay cao su tìm xuống các cụm. Hết ngày làm việc chị lại đi 30 km vượt qua 7 chốt kiểm dịch về TP. Hải Dương với gia đình.
Chị Oanh cho biết, khi dịch bùng phát, các thành viên của TYM gặp nhiều khó khăn. Hầu hết họ là những người buôn bán nhỏ, làm nông nghiệp,thiếu vốn nên đã tìm đến với TYM. Mùa dịch, việc buôn bán bị hạn chế, thậm chí dừng hẳn, nguồn thu nhập ít ỏi thậm chí không có.
Trước tình hình đó, chị nhận chỉ đạo từ lãnh đạo chi nhánh, nhanh chóng liên lạc với các cụm nắm bắt tình hình. Điều quan trọng nhất là phải giữ liên lạc với các thành viên, các cụm trưởng. Chị Oanh cho biết: "Ngày thường chị em làm việc gắn bó với nhau, lúc khó khăn lại càng phải quan tâm chia sẻ".
Những cán bộ TYM như chị Oanh gặp gỡ các thành viên, ở những vùng bị phong tỏa không gặp trực tiếp được thì liên lạc bằng điện thoại. Mục tiêu là lắng nghe chia sẻ với thành viên, động viên, cùng với họ tìm phương án thực hiện đúng lịch hoàn trả. Với nhiều thành viên, cán bộ sẽ tư vấn cho họ rút tiết kiệm, chuyển sang trả nợ. Với một số thành viên đặc biệt khó khăn, TYM lập danh sách và ủng hộ bằng gạo, nhu yếu phẩm và cả bằng tiền mặt.
Chị Oanh cho biết, nhờ sự quyết liệt của cơ quan chức năng, ý thức phòng dịch của người dân nghiêm túc nên mỗi đợt dịch bùng phát đều được khống chế và dập nhanh chóng. Chính vì vậy, thời gian phong tỏa, giãn cách không quá dài, sau đó các thành viên có thể quay trở lại sinh hoạt và kinh doanh sản xuất bình thường.
Khó khăn kinh tế không phải là quá lớn, điều các thành viên cần nhất ở cán bộ TYM lúc đó là sự quan tâm chia sẻ, đồng hành.
Chị Oanh kể lại, có lần một số thành viên TYM ở trong khu vực phong tỏa gặp khó khăn về kinh tế. Chị cùng các cán bộ của TYM gọi điện hẹn trước rồi mang toàn bộ giấy tờ sổ sách và cả tiền đến tận chốt phong tỏa. Tại đây, chị đặt sổ sách lên bàn rồi lùi lại để thành viên đến ký giấy tờ rút tiền tiết kiệm. Nhiều chỗ thành viên mới chưa thành thạo, chị phải hướng dẫn qua điện thoại để chị em điền số liệu và ký đúng chỗ. Ký xong chị lại đặt tiền lên bàn rồi lùi lại để thành viên đến lấy. Chị Oanh cho biết: "Trong mùa dịch, thành viên có khó khăn mới gọi đến mình, vì vậy các cán bộ của TYM tạo mọi điều kiện để thành viên khắc phục khó khăn vượt qua dịch bệnh".
Ông xã tôi làm trong ngành công an lại công tác ở tận Quảng Ninh, mùa dịch nên cũng không về được. Công việc phải đi vào vùng có dịch, hai con ở nhà đều trông cả vào ông bà nội. Chỉ thương hai đứa nhỏ, tối nhọ mặt người mẹ về đến cổng, con chạy ra đón mà phải xua tay không dám lại gần. Tháo đồ bảo hộ, tắm, sát khuẩn xong cũng mất nửa giờ rồi mới dám ôm con..."
Chị Phạm Thị Oanh, Cán bộ kỹ thuật TYM chi nhánh Hải Dương
Nhiều thành viên thấy mùa dịch cán bộ TYM không những không "bỏ rơi" mà còn quan tâm hơn, họ cảm động nên giới thiệu thêm người thân đến với TYM. Chính vì thế mà giữa mùa dịch số lượng thành viên của mạng lưới mà chị Oanh quản lý vẫn không ngừng tăng thêm mỗi tháng 3-4 người mỗi tháng.
Trong quý I năm 2021 Ban Tổng Giám đốcTYM phê duyệt một số hoạt động hỗ trợ phòng chống dịch ở Hải Dương:
Được xác định là một trong những hoạt động cung cấp dịch vụ thiết yếu, dù đứng trước thách thức lớn trong điều kiện dịch bệnh, TYM quyết tâm tiếp tục duy trì hoạt động với nhiều biện pháp để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ kép: thực hiện phòng dịch, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho thành viên/khách hàng và cán bộ TYM; duy trì hoạt động TYM hiệu quả, mang lại sự an toàn cho hệ thống tổ chức tín dụng.
Cụ thể: Trang bị khẩu trang, nước rửa tay cho tất cả điểm giao dịch của TYM trên 13 tỉnh, thành phố; Cán bộ TYM và cụm trưởng được trang bị đồ bảo hộ cần thiết khi tham gia các hoạt động TYM; Phun khử trùng trụ sở làm việc, đảm bảo điều kiện tốt nhất để cán bộ được tiêm vắc-xin Covid-19; Thường xuyên tuyên truyền cho thành viên về cách phòng chống dịch trên các kênh thông tin điện tử và trực tiếp vào các buổi thu tiền; Cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho thành viên gặp khó khăn hoàn trả do tác động của dịch bệnh; Lùi lịch thu hồi vốn, lãi và các khoản tiết kiệm định kỳ đối với các thành viên thuộc địa bàn phong toả/không được tiếp cận do quy định của chính quyền địa phương.
Đến hết tháng 6/2021, tổng ngân sách dùng cho hoạt động phòng chống dịch toàn TYM đạt gần 2,2 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2020, gói vốn vay lãi suất ưu đãi trị giá 1.400 tỉ đồng được thành viên TYM nhiệt tình hưởng ứng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn