"Cả đời tôi có biết "on lai" là gì đâu, nay vì cuộc sống..."
Bà Ngọc, 60 tuổi, một tiểu thương bán thịt bò tại chợ cóc trong phố Kim Hoa (phường Phương Liên, Đống Đa, Hà Nội), cho biết, những ngày giãn cách xã hội, khu chợ cóc bà hay ngồi bán hàng phải dừng hoạt động để phòng, chống Covid-19. "Những ngày đầu, tôi nghỉ bán hàng. Nhưng cứ nghỉ mãi thế này thì không ổn, thế là tôi nhờ con gái, con dâu đăng thông tin bán hàng lên Facebook của các con. Ban đầu, khách hàng của tôi chỉ là bạn bè của các con, sau rồi người này giới thiệu người kia, những ngày qua, mỗi ngày tôi cũng túc tắc bán được khoảng 20 đơn hàng".
Để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh, bà Ngọc chỉ nhận "ship" các đơn hàng trong phạm vi phường, quận nơi mình sinh sống, cách nhà khoảng 2-3km. "Doanh thu của tôi giảm hẳn so với ngày thường nhưng ngẫm lại cả đời tôi có biết "on lai" là gì đâu, nay vì cuộc sống cả thôi. Bán hàng được thế này là mừng lắm rồi", bà Ngọc chia sẻ.
Bán hoa quả tại một cửa hàng trên phố Khâm Thiên (Đống Đa, Hà Nội), chị Nguyễn Thu Hoà cho biết, từ khi một số chợ đầu mối đóng cửa vì phát hiện ca F0, việc kinh doanh của chị gặp khó khăn ở việc tìm nguồn hàng. Chị Hoà cho biết, giá dưa hấu ngày trước chị nhập vào 10.000 đồng/kg thì nay lên tới 20.000 đồng/kg (chưa kể phí giao hàng). Các loại quả như ổi, bơ, xoài, táo... cũng tăng 5.000-7.000 đồng/kg. "Bán giá đắt thì mất khách. Còn nếu không tăng giá thì tiền lãi chả bù được vào tiền vận chuyển do phải nhập ở nơi xa hơn", chị Hoà chia sẻ.
Thế là mấy ngày nay, chị Hoà quyết định trả cửa hàng để giảm tiền thuê nhà hàng tháng. Chị bắt đầu bán hàng online. "Trước đây, Facebook với Zalo chỉ để chơi là chính, còn giờ nó là kênh bán hàng của tôi. Hàng ngày, tôi đăng những mặt hàng mình nhập được lên Facebook, Zalo để khách lựa chọn. Tiền chuyển khoản là tôi ship hàng đến tận nơi cho khách", chị Hoà cho biết.
Ship miễn phí tận nhà
Chị Phương Nam ở chợ Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) hơn một tuần nay cũng chủ động rao bán rau, củ có trong sạp mỗi ngày lên facebook để phục vụ khách hàng quanh khu vực chị sinh sống. Chị Nam chia sẻ, khi chưa có dịch bệnh, chị có một danh sách khách hàng quen, muốn ăn gì chỉ cần gọi điện nhờ chị chuẩn bị trước. Lúc tiện, khách qua chỗ quầy của chị lấy cho nhanh, không thì chị mang qua tận nhà. Từ khi dịch bệnh xảy ra, những vị khách ruột này thay vì đến mua hàng trực tiếp tại chợ, họ gọi điện đặt mua rau, củ và nhờ chị ship tận nhà. Mỗi lần đặt hàng, họ thường mua nhiều để ăn trong cả tuần.
"Thế là tôi nảy ra ý định đăng các loại rau, củ mà sạp của mình có trong ngày lên facebook để thông báo cho mọi người biết, ai cần gì là chồng tôi ship tận nơi và không lấy phí ship. Mấy hôm nay, tôi còn học cách đăng bài vào các nhóm chợ của mấy khu chung cư gần nhà tôi. Thế là ngoài khách quen, tôi có thêm một lượng khách mới", chị Nam cho biết. Để quầy rau, củ online bán đắt khách mùa dịch, chị vẫn giữ giá như ngày thường.
Chụp ảnh mặt hàng gửi qua zalo, không tăng giá
Chị Bùi Thị Là, một tiểu thương bán gà tại ngõ Hoà Bình (Hai Bà Trưng, Hà Nội), những ngày này cũng bận rộn với chiếc smartphone. "Trước kia, tôi chỉ nhận giao thịt gà cho nhà hàng nhưng nay khách hàng của tôi lại là các hộ gia đình", chị Là cho biết. Để được sự tin tưởng của người tiêu dùng, chị Là còn chụp ảnh mặt hàng để khách lựa chọn. "Buôn bán mùa dịch thật vất vả. Nếu trước đây, một lần giao hàng, tôi giao cả chục con cho nhà hàng, thì nay, khi giao cho hộ gia đình, chỉ lắt nhắt 1-2 con/lần. Nhưng được bán hàng còn hơn là ngồi không, tôi không "xoay" thì chết đói", chị Là phân trần.
Để giữ chân khách hàng, giá thịt gà chị Là bán cho khách không thay đổi so với trước. Và để thực hiện quy định phòng, chống dịch Covid-19, chị Là giữ nguyên tắc chỉ giao hàng trong khu vực phường, quận mình sinh sống. Khách hàng của chị cũng chủ động chuyển khoản thay vì trả tiền mặt như mọi khi.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn