UNDP hỗ trợ phụ nữ Tây Nguyên phát triển kinh doanh thời công nghệ 4.0

15:35 | 26/09/2019;
Hơn 45 nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số tại các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên đã gặp gỡ, kết nối với đại diện các tổ chức Chính phủ, phi Chính phủ và doanh nghiệp nhằm nắm bắt các cơ hội ứng dụng công nghệ của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế.
Nằm trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ phụ nữ Dân tộc thiểu số phát triển kinh tế nhờ áp dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” với sự hỗ trợ của UNDP, tiếp nối những thành công bước đầu tại tỉnh Bắc Kạn, sự kiện “Kết nối đối tác”, ngày 26/9, tại thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) đã phối hợp với cơ quan chức năng địa phương khởi động dự án hỗ trợ tỉnh Đăk Nông. Theo đó, dự án sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện cho 450 phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) có thể tự mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh.
 
 
Sự kiện nằm trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ phụ nữ Dân tộc thiểu số phát triển kinh tế nhờ áp dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” với sự hỗ trợ của UNDP.

 

Phát biểu tại hội nghị, ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối Quốc gia về Giảm nghèo (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), chia sẻ: “Tôi đã làm giảm nghèo 22 năm nhưng vẫn còn trăn trở một câu hỏi tại sao bà con DTTS vẫn còn nghèo. Bà con có nhiều tiếm năng, làm thế nào để chúng ta có thể giúp được bà con phát huy nội lực, kết nối để có thể mở rộng sản xuất và kinh doanh”.
 
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBDN tỉnh Đăk Nông, cho biết: “Kết nối Đối tác hợp tác, hỗ trợ phụ nữ DTTS phát triển kinh tế áp dụng công nghệ của cuộc các mạng công nghiệp 4.0 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông là hướng đi nhạy bén, kịp thời. Đây chính là điều mà chúng tôi đang mong mỏi, khát khao. Chúng ta cần đánh giá giá đúng thế mạnh và tiềm năng của từng nhóm đồng bào DTTS, từng khu vực để có thể phát huy tiềm năng, tạo ra sản phẩm xóa nghèo”.
 
 
Góp phần thực hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sáng kiến này nhằm tận dụng tối đa những cơ hội mà Cuộc cách mạng công nghiệp lần này có thể đem lại.

 

Trong khi đó, ông Nguyễn Tiên Phong, Trợ lý Đại diện thường trú kiêm Trưởng phòng Tăng trưởng bao trùm của UNDP, nhấn mạnh: “Các nguồn lực bổ sung, cả về kỹ thuật và tài chính, rất quan trọng trong hỗ trợ DTTS thoát khỏi nghèo đói. Để tăng tốc đạt được thành tựu mục tiêu phát triển bền vững về xóa nghèo dưới mọi hình thức và ở mọi nơi, các chương trình giảm nghèo cần đóng vai trò là phòng thực nghiệm sống động thu hút sự tham gia của các đối tác từ Chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và chính bản thân đồng bào DTTS vào thử nghiệm các giải pháp sáng tạo, và lan tỏa các lợi ích của các sáng kiến đến đồng bào ở những vùng xa xôi hẻo lánh nhất”.
 
Được biết, tại tỉnh Đăk Nông, người DTTS chiếm 34% các hộ nghèo đa chiều. Sinh kế chủ yếu của đồng bào DTTS là các hoạt động sản xuất nông nghiệp với năng suất thấp và nhiều hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ mới, thị trường và các giải pháp tài chính hiện đại. Hơn nữa, sinh kế của đồng bào còn bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão hay lũ lụt, trong khi đó cơ hội tiếp cận với giải pháp bảo hiểm vi mô còn rất hạn chế.
 
 
Tại tỉnh Đăk Nông, người dân tộc thiểu số chiếm 34% các hộ nghèo đa chiều. Sinh kế chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số là các hoạt động sản xuất nông nghiệp với năng suất thấp và nhiều hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ mới, thị trường...

 

Dự án thúc đẩy vai trò của phụ nữ DTTS như đối tác kinh doanh thông qua kết nối các nhóm phụ nữ DTTS với các đối tác kinh doanh, các nhà đầu tư, các nhà hoạch định chính sách và các nhà cung cấp dịch vụ, trong Hành trình Tăng tốc (Accelerator Lab Journey), dựa trên sáng kiến 3M (Match, Mentoring and Move – Kết nối, Đồng hành và Phát triển).
 
Góp phần thực hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sáng kiến này nhằm tận dụng tối đa những cơ hội mà Cuộc cách mạng công nghiệp này có thể đem lại, bao gồm: Nền tảng thương mại điện tử tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất nhỏ lẻ có thể tiếp cận thị trường và hệ thống chuỗi giá trị; Các giải pháp tài chính hiện đại như ngân hàng điện tử, thanh toán điện tử, bảo hiểm vi mô; Truyền thông đa phương tiện và các nền tảng số khác để giúp bà con tiếp cận với hình thức học trực tuyến, đào tạo kỹ năng, đào tạo khởi nghiệp và nắm bắt được các thông tin về cách phòng ngừa và giảm thiểu tác động của thiên tai; Các công nghệ sản xuất mới như nông nghiệp thông minh hay nền tảng blockchain để truy xuất nguồn gốc sản phẩm; Các dữ liệu và công cụ được sử dụng để cung cấp thông tin theo thời gian thực về phản hồi của người dân và hỗ trợ hoạch định chính sách.
 
Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong giảm nghèo đa chiều, với 6 triệu người thoát nghèo trong giai đoạn 4 năm từ 2012 đến 2016. Tuy nhiên, thách thức đặt ra trong thời điểm hiện tại là cần giải quyết tình trạng nghèo thâm căn cố đế, tập trung chủ yếu ở nhóm DTTS sinh sống trong các vùng địa lý khó khăn. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn