Nguồn hỗ trợ này sẽ được chuyển đến Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), Ban vận động và điều phối nguồn hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19. Đơn vị sẽ điều phối và cung ứng sản phẩm nước rửa tay sát khuẩn tới các cơ sở y tế phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, trong đó dự kiến sẽ phân bổ tới các cơ sở y tế chăm sóc sức khỏe sinh sản bao gồm Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện phụ sản Hà Nội, nhà hộ sinh và các đơn vị chăm sóc sức khỏe sinh sản khác trên địa bàn Hà Nội.
Hiện nhiều trường hợp dương tính được phát hiện gần đây tại Hà Nội có liên quan đến các cơ sở y tế. Việc tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp kiểm soát phòng ngừa lây nhiễm Covid-19 ở giai đoạn này có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm bảo đảm việc mang thai và sinh con an toàn. Phụ nữ mang thai mắc bệnh viêm đường hô hấp phải được ưu tiên điều trị sớm, vì sức khỏe của họ có nguy cơ bị ảnh hưởng xấu do lây nhiễm Covid-19.
Lãnh đạo Bộ Y tế đánh giá cao những hỗ trợ của UNFPA tại Việt Nam và nhấn mạnh rằng, bảo vệ sức khỏe mọi người dân trong thời điểm dịch Covid-19 là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, đặc biệt ưu tiên các nhóm dân số dễ bị tổn thương và các nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch Covid-19.
Bà Naomi Kitahara - Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam, nhấn mạnh: LHQ nhận thấy cần thiết phải hỗ trợ Bộ Y tế và "những anh hùng" của đất nước. Đó là những nhân viên y tế, đặc biệt những người làm việc ở tuyến đầu vì họ phải đối đầu với rủi ro và nguy cơ sức khỏe bản thân để bảo vệ sức khỏe cho tất cả mọi người và ngăn chặn bệnh dịch lây lan.
Việc bảo vệ nhân viên y tế không bị lây nhiễm phải là ưu tiên hàng đầu trong quá trình ứng phó với dịch bệnh Covid-19. "UNFPA luôn sẵn sàng hỗ trợ với tất cả những gì có thể để cùng Việt Nam chiến đấu với dịch bệnh này. Chúng ta cũng cần dành sự quan tâm đặc biệt tới các nhóm dân số dễ bị tổn thương, trong đó có phụ nữ mang thai", bà Naomi nói.
Cũng giống như các tình huống khẩn cấp, dịch bệnh Covid-19 có thể ngăn cản sự tiếp cận tới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản thiết yếu, làm giảm thiểu khả năng ứng phó của các cấp chính quyền với nạn bạo lực giới trong chính thời điểm phụ nữ và trẻ em gái thực sự cần các dịch vụ này.
UNFPA đang cùng hợp tác với chính phủ và các đối tác, nhằm ưu tiên các nhu cầu đặc thù của phụ nữ và trẻ em gái, phù hợp với các mục tiêu mà UNFPA đang hướng tới vào năm 2030: Không có trường hợp bà mẹ nào chết khi mang thai sinh đẻ, mọi nhu cầu kế hoạch hóa gia đình đều được đáp ứng và không có bạo lực giới và các thực hành có hại.
UNFPA kêu gọi các đối tác cùng hỗ trợ Việt Nam trong cuộc chiến chống lại Covid-19 thông qua việc cung ứng các sản phẩm thiết yếu cho phòng chống dịch, đặc biệt cho những người có nguy cơ cao bao gồm phụ nữ mang thai và phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực giới.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn