Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới

15:49 | 15/11/2023;
Đầu tư sản xuất các loại cây có giá trị kinh tế cao, nâng tầm thương hiệu sản phẩm là cách thiết thực của Hợp tác xã Rau củ quả sạch Mạnh Liên, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ đóng góp vào chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội của địa phương.

Chúng tôi có dịp đến với Hương Nộn, một xã miền núi của huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ trong những ngày cuối thu, đầu đông. Với vị trí địa lý phía Bắc giáp sông Hồng, được phù sa tự nhiên bồi đắp thường xuyên, những mảnh đất đồi nơi đây được phủ kín màu xanh của cây trái.

Nằm nép sau triền đê nhỏ, Hợp tác xã Rau củ quả sạch Mạnh Liên (khu 7, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông) gây ấn tượng không chỉ bởi sự đa dạng của các loại rau, trái đang được ươm trồng, mà còn bởi quy mô và sự quy củ của hợp tác xã.

Đón khách ghé thăm bằng tất cả sự hồ hởi hiếu khách của người dân vùng miền núi, trung du, bà Bùi Thị Bích Liên, đại diện hợp tác xã nhiệt tình giới thiệu từng khu vườn trồng dưa chuột, cà chua, đu đủ, táo, ổi xen kẽ giữa những luống rau xanh mơn mởn đang kỳ thu hoạch. Bà Liên cho biết, mùa nào thức nấy, các thành viên trong hợp tác xã luôn đa dạng các loại cây trồng để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới- Ảnh 1.

Hợp tác xã Rau củ quả sạch Mạnh Liên đa dạng các loại cây trồng

Bà Bích Liên nhớ lại: Năm 2007, vợ chồng bà được chính quyền địa phương giao khoán hơn 2.000m2 đất bãi màu. Với nguồn vốn ban đầu là 22 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện Tam Nông và quỹ tiết kiệm phụ nữ của khu, chị Liên đã đầu tư trồng bưởi, cam và ổi. Đến năm 2012, bà được tiếp cận với nguồn vốn vay của Tổ chức tài chính vi mô tình thương (TYM) để phát triển sản xuất kinh doanh. 

Để nâng cao kiến thức chăm sóc cây trồng, bà tích cực tham gia các lớp tập huấn, đào tạo nghề do huyện, xã tổ chức. Với bản tính cần cù chịu khó, ham học hỏi, năm 2015, bà mạnh dạn mở rộng quy mô, đầu tư xây dựng nhà lưới diện tích hơn 1.500m2 để trồng rau màu các loại và thành lập Hợp tác xã rau củ quả sạch Mạnh Liên.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Ngay từ khi mới thành lập, hợp tác xã đã lựa chọn những cây trồng có giá trị kinh tế cao và rau an toàn làm sản phẩm chủ lực của mình. Đến nay, hợp tác xã rau củ quả Mạnh Liên là một trong một số những hợp tác xã tiên phong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất như: Đầu tư giàn tưới nước tự động nhỏ giọt phun mưa hiện đại tiết kiệm được chi phí, có ba nhà màng với tổng diện tích hơn 7,000 m2 chủ yếu trồng dưa chuột và ổi, phân bón chủ yếu dùng phân hữu cơ đã ủ ải, không dùng thuốc bảo vệ thực vật, phòng trừ sâu bệnh theo hướng sinh học.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới- Ảnh 2.

Các loại rau, trái cây được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP

Hợp tác xã cũng đầu tư nhà màng để sản xuất rau và cây ăn quả đảm bảo chất lượng và sản lượng. Mô hình ứng dụng công nghệ cao thông qua việc xây dựng nhà màng tự động điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm để sản xuất rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP của Hợp tác xã được đánh giá có hiệu quả kinh tế cao, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Nhờ vậy, hợp tác xã tiết kiệm được rất nhiều nhân công và chi phí trong quá trình sản xuất, đồng thời sản phẩm cho ra năng suất chất lượng cao, mẫu mã đẹp hơn.

Bà Liên chia sẻ thêm: Hợp tác xã luôn nghiêm ngặt từ khâu chọn giống, làm đất, gieo hạt, chăm sóc, thu hoạch, thực hiện theo quy trình VietGAP theo hướng hữu cơ. Nhiều sản phẩm của hợp tác xã đã được cấp chứng nhận OCOP 3 sao.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới- Ảnh 3.

Hợp tác xã tạo nhièu việc làm cho lao động nữ tại địa phương, với thu nhập trung bình từ 5-6 triệu đồng/tháng

"Làm nông nghiệp thì không tránh khỏi khó khăn, vất vả, đặc biệt là khi thời tiết xấu, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhưng cứ làm thật tốt, đảm bảo chất lượng, chúng tôi không cần phải lo cho đầu ra của sản phẩm. Nguồn cung sản phẩm chủ yếu của hợp tác xã hiện tại là đưa vào các siêu thị, bệnh viện, trường học trong tỉnh, hay sang các thị trường lân cận", bà Bùi Thị Bích Liên chia sẻ thêm.

Trong thời gian tới, bà Liên cho biết, Hợp tác xã tiếp tục áp dụng công nghệ cao vào sản xuất để tăng năng suất, tạo mẫu mã sản phẩm đẹp hơn, đồng thời nghiên cứu bổ sung thêm những cây trồng có giá trị kinh tế cao để dần nâng cao thương hiệu rau củ quả của HTX, liên kết hợp tác với các hợp tác xã trong tỉnh, tăng cường quảng bá, giới thiệu và bán các sản phẩm giúp các thành viên trong hợp tác xã. 

Năng động, dám nghĩ, dám làm, những người nông dân "chất lượng cao" như bà Bùi Thị Bích Liên đang nỗ lực mang đến diện mạo mới cho nông nghiệp, nông thôn, tích cực tham gia vào chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội của địa phương.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn