Cam là cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và có giá trị kinh tế cao ở huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình. Nhận thấy thế mạnh của loại trái cây này, Hợp tác xã (HTX) 3T nông sản Cao Phong đã tập trung xây dựng sản phẩm "cam - quà tặng cao cấp gắn với chuỗi sản xuất theo hướng hữu cơ vì môi trường sống xanh", ứng dụng công nghệ vào quy trình bảo quản sau thu hoạch để nâng tầm đặc sản địa phương.
Trồng cam không hóa chất
Đi thăm khu vực trồng cam của HTX 3T nông sản Cao Phong, điều ấn tượng nhất có lẽ không phải là những cây cam trĩu nặng trái, mà là những thùng ngô, đậu tương, cá tươi đang ủ với men vi sinh được đặt ngay ngắn khắp các lối đi.
Chị Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc HTX vui vẻ giới thiệu: Đây là các thùng "thức ăn" của cam, đang đợi đạt yêu cầu sử dụng, để bón cho cây, nhằm mục đích hạn chế tối đa việc sử dụng các loại phân bón hóa học như urê, lân, kali. Đặc biệt, nội quy của HTX là tuyệt đối không được sử dụng thuốc diệt cỏ để bảo vệ đất và chống ô nhiễm nguồn nước. Có lẽ vì thế, những trái cam an toàn được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ của HTX đã nhanh chóng được người tiêu dùng đón nhận và được lựa chọn là sản phẩm OCOP năm 2019.
HTX 3T nông sản Cao Phong (3T farm) được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 8/2018, tiền thân là nhóm sản xuất cây có múi Thanh Thủy. Khi mới thành lập, HTX có 7 thành viên với diện tích sản xuất 12,5 ha. Sau 1 năm hoạt động, HTX phát triển lên 22 thành viên với diện tích sản xuất là 29,5 ha, tập trung ở thị trấn Cao Phong, xã Bắc Phong và Thu Phong. 2/3 số thành viên tham gia HTX là bà con dân tộc Mường, dân tộc Thái, dân tộc Dao…
Mặc dù mới thành lập, song HTX đã thực hiện tốt quy trình sản xuất chăm sóc và đã được cấp chứng nhận VietGAP, chứng nhận sản xuất an toàn. 2/3 diện tích trồng cam của các thành viên đang thực hiện tốt việc sử dụng các loại vật tư nông nghiệp có nguồn gốc hữu cơ để chăm bón như sử dụng phân bón trùng quế, phun và tưới dịch trùng quế để tăng sức đề kháng cho cây sau thu hoạch và giúp cho khả năng ra hoa cũng như đậu quả tốt.
Với đặc thù của HTX có sự tham gia của nhiều thành viên là người dân tộc, nên HTX thường xuyên tổ chức các buổi họp trao đổi kinh nghiệm sản xuất giữa các hộ để có biện pháp phòng trừ sâu bệnh dịch hại kịp thời. Cách sản xuất không sử dụng hóa chất này đã góp phần bảo vệ môi trường sống của bà con tại Hòa Bình.
Ứng dụng công nghệ vào quy trình sau sản xuất
Chị Vũ Thị Lệ Thủy chia sẻ thêm: Hiện nay, các thành viên đang canh tác các giống cam đặc sản của Cao Phong, gồm: Cam CS1 (cam lòng vàng), cam lùn cao, cam Xã Đoài, cam Canh, cam V2… Tổng sản lượng cam hàng năm của HTX đạt hơn 300 tấn, đem lại lợi nhuận 6 tỷ đồng/năm.
Để nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm, 3T farm không chỉ chú trọng khâu sản xuất chăm bón mà còn liên kết với trường Đại học Bách khoa Hà Nội để ứng dụng công nghệ vào quá trình sau thu hoạch.
Sau khi thu hái, trái cam được chọn lọc rất kỹ lưỡng, chỉ có khoảng 8 - 10% tổng sản lượng đủ tiêu chuẩn về màu sắc, kích cỡ và chất lượng đạt. Sau khi phân loại, cam sẽ được đưa vào xưởng rửa sạch trên dây chuyền tự động, chiếu đèn cực tím để khử trùng và được dán tem truy xuất nguồn gốc trên từng quả cam trước khi đưa ra thị trường.
Tăng thêm giá trị cho cây cam, HTX đã xây dựng kế hoạch cho sản phẩm "cam - quà tặng cao cấp gắn với chuỗi sản xuất theo hướng hữu cơ vì môi trường sống xanh". Dự án đã được Hội LHPN Việt Nam tuyên dương và được lựa chọn là 1 trong 35 dự án xuất sắc được nhận giải và nhận hỗ trợ 125 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn