Chương trình này trong khuôn khổ Dự án "Tăng trưởng Doanh nghiệp của tôi: Nâng cao năng lực và hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và đang tăng trưởng do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam" do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển với sự tài trợ của Quỹ Châu Á, sự phối hợp của các tổ chức tài chính vi mô nhằm nâng cao cơ hội kinh tế cho phụ nữ kinh doanh tại Việt Nam bằng cách cải thiện kỹ năng số và tài chính.
Bà Dương Thị Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, cho biết: Phụ nữ chiếm một nửa dân số, nên chuyển đổi số sẽ chỉ thực sự thành công khi phụ nữ tích cực tham gia vào tất cả các trụ cột của chuyển đổi số là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, đồng thời họ cần được thụ hưởng lợi ích do chuyển đổi số mang lại. Sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào quá trình chuyển đổi số không chỉ là vì mục tiêu bình đẳng giới mà còn mang lại lợi ích kinh tế và hiệu quả cho chuyển đổi số khi quá trình này có được quan điểm, kinh nghiệm của tất cả các nhóm đối tượng trong xã hội.
Chia sẻ về mục đích của Tọa đàm, ông Filip Graovac, Phó trưởng đại diện Văn phòng Quỹ Châu Á tại Việt Nam, cho biết: "Tọa đàm hôm nay không chỉ tập trung vào cách thúc đẩy phát triển kinh doanh mà còn đề cập đến những thách thức chính mà các công việc chăm sóc không lương cản trở phụ nữ kinh doanh phát huy hết tiềm năng của mình". Công việc chăm sóc không lương bao gồm chăm sóc con cái, người già và các công việc nội trợ. đây vẫn là gánh nặng lớn đối với phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là những người đang điều hành các doanh nghiệp nhỏ.
Tại buổi Tọa đàm, Quỹ Châu Á cũng công bố những phát hiện chính tại "Nghiên cứu Ban đầu về Vai trò của công nghệ số đối với công việc chăm sóc không lương của phụ nữ kinh doanh", thông qua tiến hành phỏng vấn trực tuyến và cả trực tiếp với 664 phụ nữ, gồm những nữ chủ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, cũng là khách hàng của 3 tổ chức tài chính vi mô tham gia vào dự án gồm: Tổ chức Tài chính vi mô Tình Thương (TYM), Tài chính vi mô Thanh Hóa và Quỹ hỗ trợ hộ gia đình thu nhập thấp phát triển kinh tế (VietED)...
Trong đó cho thấy doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chiếm 30% trong tổng số 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động; Hộ sản xuất kinh doanh do phụ nữ làm chủ chiếm hơn 50% hộ kinh doanh. Đặc biệt, áp lực việc nhà là vấn đề lớn nhất với phụ nữ kinh doanh. Vì vậy, các giải pháp công nghệ số được ứng dụng ngày càng nhiều, giúp tiếp sức cho các sáng kiến kinh doanh của phụ nữ, giảm áp lực việc chăm sóc không lương cho phụ nữ kinh doanh. Trong đó, việc kinh doanh dựa trên Facebook chiếm tới 95%, Zalo chiếm 42%, Tiktok chiếm 46); 35% có trang cộng đồng, facebook KD cá nhân. Phần lớn phụ nữ chọn kinh doanh online để chủ động công việc & cuộc sống: "tự do", "làm chủ", "linh hoạt"...
Tại buổi Tọa đàm, các diễn giả cùng thảo luận chủ đề "Nâng cao kỹ năng số cho phụ nữ: Cân bằng giữa phát triển kinh doanh và công việc chăm sóc". Trong đó chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm về thúc đẩy sự hài hoà giữa công việc kinh doanh và trách nhiệm gia đình của phụ nữ. Đặc biệt trao đổi về các tác động của kinh tế số, kỹ thuật số đối với việc cân bằng các trách nhiệm chăm sóc để có các giải pháp/khuyến nghị phù hợp, thúc đẩy bình đẳng giới đối với phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế, xã hội.
Đặc biệt, tại buổi Tọa đàm này, 30 phụ nữ là chủ doanh nghiệp/cơ sở kinh doanh và đã hoàn thành chương trình chương trình đào tạo của Dự án "Tăng trưởng doanh nghiệp của tôi" đã được trao giải thưởng hỗ trợ phát triển kinh doanh. Bên cạnh việc hoàn thành chương trình đào tạo các chị đã áp dụng các kiến thức vào chính doanh nghiệp/mô hình kinh doanh của mình một cách hiệu quả, thiết thực và bền vững.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn