Sáng 13/12 tại Hà Nội, TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành khóa XIII chính thức khai mạc. Tại hội nghị, Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đã trình bày Tờ trình dự thảo Kế hoạch thực hiện khâu đột phá 2022-2027 "Đổi mới phương thức hoạt động Hội, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin".
Phó chủ tịch Trần Lan Phương nhấn mạnh, ứng dụng công nghệ thông tin hướng tới chuyển đổi số phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm, là giải pháp quan trọng để đổi mới phương thức hoạt động Hội. Lấy hội viên, phụ nữ làm trung tâm; cán bộ Hội các cấp làm nòng cốt trong chỉ đạo, thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội và hướng dẫn hội viên, phụ nữ tham gia chuyển đổi số.
Theo đó, Hội LHPN Việt Nam tập trung vào việc nâng cao nhận thức, năng lực về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho cán bộ Hội, hội viên, phụ nữ; Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong toàn hệ thống Hội; Tăng cường công tác tham mưu, phối hợp, vận động nguồn lực để thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hệ thống Hội; Xây dựng, nâng cấp Cổng/trang thông tin điện tử, các nền tảng công nghệ, hệ thống dữ liệu, phần mềm hệ thống Hội; tăng cường sử dụng các nền tảng mạng xã hội trong tổ chức các hoạt động Hội
Về công tác quản lý, điều hành của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp, tham gia Chính quyền số, đến năm 2027, chỉ tiêu hướng đến có ít nhất 30% hoạt động truyền thông, 70% tài liệu truyền thông của các cấp Hội được số hoá, truyền thông trên Cổng/trang thông tin điện tử, Báo Phụ nữ Việt Nam điện tử và các nền tảng số của Hội.
100% tổ chức Hội các cấp thực thiện công tác báo cáo qua phần mềm, 100% cán bộ nữ, cán bộ Hội cấp tỉnh, huyện, cơ sở; hội viên địa bàn dân cư, thành viên phụ nữ các mô hình hoạt động Hội được quản lý, theo dõi trên phần mềm quản lý cán bộ, hội viên của Hội.
Về hỗ trợ hội viên, phụ nữ tham gia kinh tế số, xã hội số, hàng năm, phấn đấu có 1 triệu hội viên, phụ nữ, trong đó có 30% hội viên, phụ nữ sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận các nền tảng số, công nghệ số, thương mại điện tử, dịch vụ công trực tuyến.
Về công tác Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, phụ nữ, hàng năm, phấn đấu 100% vụ việc liên quan tới phụ nữ phản ánh qua Cổng/trang thông tin điện tử của các cấp Hội, Báo Phụ nữ Việt Nam được tư vấn hoặc hỗ trợ giải quyết. Đến năm 2027, 100% dữ liệu đơn thư, tư vấn pháp lý liên quan tới phụ nữ do Hội tham gia giải quyết được quản lý, xử lý, khai thác trên phần mềm.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn