TS. BS. Hoàng Khánh Chi, Phó Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội, cho biết, không chỉ trường hợp của cháu Hưng mà tại bệnh viện này, nhiều trẻ bại não liệt co cứng nửa người đã được can thiệp bằng các phương pháp thực hành dựa vào bằng chứng.
Các bác sĩ, kĩ thuật viên liên tục cập nhật các phương pháp can thiệp mới, đáp ứng nhu cầu phục hồi chức năng chuyên sâu, toàn diện của trẻ bại não như phương pháp giao tiếp tăng cường và thay thế công nghệ cao, nẹp thông minh, điều trị rối loạn nuốt…
Trong quá trình can thiệp, nhân viên y tế luôn khuyến khích sự tham gia của thân nhân trong quá trình tập luyện và chăm sóc trẻ, giúp trẻ được thực hành bài tập tại môi trường sống hằng ngày.
Theo thống kê, tần suất mắc bại não trên thế giới là khoảng 1,5 - 3/1.000 trẻ sơ sinh sống. Ở Việt Nam, ước tính có khoảng 500.000 người sống với bệnh bại não. Trẻ bại não chiếm 30% - 40% tổng số khuyết tật ở trẻ em.
Bác sĩ Hoàng Khánh Chi cho biết, trong các thể lâm sàng của bại não, bại não thể co cứng chiếm đa số (72%-80%). Trẻ bại não thể co cứng có thể bị ảnh hưởng ở các phần cơ thể khác nhau như nửa người, tứ chi hoặc hai chân.
"Trẻ bại não liệt co cứng nửa người, trước 12 tháng tuổi thường có biểu hiện nửa người ít hoạt động hơn bên còn lại, nhất là ở tay. Trẻ chậm biết đứng, dáng đi xấu, thăng bằng kém, đi kiễng gót. Tay bên liệt, cổ tay và bàn tay ở tư thế gấp, cẳng tay quay sấp.
Trẻ thường chỉ sử dụng một bên tay khỏe để thực hiện các hoạt động hàng ngày, bỏ quên tay bên yếu. Một số trẻ bại não liệt co cứng nửa người có thể gặp khó khăn về giao tiếp do chậm nói, nói ngọng", bác sĩ Hoàng Khánh Chi lưu ý một số dấu hiệu nhận biết.
Theo bác sĩ Hoàng Khánh Chi, trong nhiều ca bệnh được điều trị thành công tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội, ghi nhận các phương pháp hiệu quả đối với trẻ bại não liệt co cứng nửa người.
Một trong số đó là phương pháp tiêm Botulinum toxin vào điểm vận động để điều trị co cứng cơ. Các trường hợp trẻ bại não, bàn chân thuổng (đi nhón gót) thường đáp ứng tốt với thuốc. Sau tiêm, trẻ được bó bột thủy tinh để tăng cường hiệu quả kéo giãn, tăng tầm độ hoạt động của khớp cổ chân.
Tiếp đến là chương trình tập vận động tích cực, chuyên sâu để phát huy tối đa hiệu quả của thuốc. Thông thường sau 3 tháng tập luyện, dáng đi của trẻ sẽ được cải thiện.
Phương pháp thứ hai là tập bắt buộc bên liệt P - CIMT. Đây là kĩ thuật trị liệu cho trẻ bại não liệt nửa người nhằm tăng khả năng sử dụng tay bị liệt. P-CIMT bao gồm việc giữ tay khỏe, thường bằng cách đeo găng tay (bao tay) và khuyến khích trẻ sử dụng tối đa tay bên liệt trong các hoạt động chơi.
Các hoạt động huấn luyện yêu cầu cường độ cao, tinh chỉnh theo từng buổi tập. Sau 30 giờ can thiệp đặc hiệu với phương pháp P - CIMT, trẻ bại não có thể sử dụng tay bên liệt thường xuyên, khác biệt rõ rệt so với trước khi can thiệp.
Tuy nhiên, để các phương pháp đạt hiệu quả cao thì gia đình cần cho trẻ được can thiệp sớm. Các phương pháp can thiệp phần lớn đã được bảo hiểm y tế chi trả, giúp giảm gánh nặng chi phí cho gia đình bệnh nhân.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn