Ứng dụng video TikTok của Trung Quốc bị Mỹ phạt nặng vì vi phạm quyền trẻ em

23:19 | 01/03/2019;
Ứng dụng video và mạng xã hội nổi tiếng bậc nhất của Trung Quốc – TikTok vừa phải nhận mức án phạt cao kỷ lục vì thu thập thông tin trẻ em trái phép. Tuy nhiên, thực tế, sai phạm của TikTok đã tồn tại một thời gian dài và TikTok cũng không phải là ứng dụng đầu tiên bị phạt nặng vì xâm phạm quyền trẻ em.
tiktok.jpg
Với việc vi phạm quyền trẻ em, TikTok bị Mỹ phạt 5,7 triệu USD.

 

Sự “bành trướng” của TikTok

Ra mắt lần đầu tiên tại Trung Quốc vào năm 2016, TikTok - ứng dụng video mạng xã hội thuộc công ty trị giá 75 tỷ USD ByteDance - đã trở thành trào lưu được giới trẻ lan truyền nhanh chóng. Đến năm 2017, “làn sóng” TikTok đã lan ra toàn cầu và đến tháng 10/2018, đã trở thành ứng dụng phổ biến nhất ở Mỹ.

Với hơn 500 triệu người dùng hoạt động hàng tháng trên 150 quốc gia, TikTok có lợi thế quốc tế vượt trội so với tất cả các nền tảng truyền thông xã hội khác của Trung Quốc.  

nguon-con-an-phat-khung-my-danh-cho-tik-tok-2.jpg
Nhằm mở rộng thị trường, TikTok đã sáp nhập với Musical.ly khi ứng dụng này đang phải nhận hàng ngàn lượt khiếu nại từ phái các bậc phụ huynh.

Để có được vị thể vượt trội này, vào năm 2017, Công ty Bytedance đã mua lại Musical.ly - ứng dụng video nổi tiếng với hơn 65 triệu người dùng đăng ký tại Mỹ. Bytedance đã sáp nhập Musical.ly với TikTok vào tháng 8 năm ngoái như một cách mở rộng thị trường của TikTok. Và chính Musical.ly là nguồn cơn sâu xa khiến TikTok vướng vào án phạt kỷ lục.

Ra mắt vào năm 2014, Musical.ly cho phép người dùng tải lên các đoạn video ngắn chính họ hát nhép theo các bài hát nổi tiếng. Để đăng ký ứng dụng, mọi người phải cung cấp email, số điện thoại, tên người dùng, họ và tên, ảnh tiểu sử và tiểu sử ngắn.

Trước khi sáp nhập với TikTok, Musical.ly đã nhận được hàng ngàn khiếu nại từ các bậc phụ huynh nói rằng những đứa con chưa đủ tuổi vị thành niên của họ đã tạo một tài khoản trên ứng dụng này mà họ không hề hay biết.

Trong khi đang phải đối mặt với làn sóng khiếu nại của phụ huynh Mỹ thì Musical.ly lại được công ty của Trung Quốc mua lại và sáp nhập vào với TikTok. Điều đáng nói là khi Musical.ly bị các bậc phụ huynh yêu cầu đóng tài khoản của con cái họ, mạng này đã không xóa video hay thông tin của người dùng chưa đủ tuổi khỏi máy chủ, theo điều tra Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC).

FTC còn cho biết: “Đã có báo cáo công khai về việc nhiều người lớn cố gắng liên lạc với trẻ em thông qua ứng dụng Musical.ly. Ngoài ra, cho đến tháng 10/2016, ứng dụng bao gồm một tính năng cho phép người dùng tìm kiếm những người dùng khác trong bán kính 50 dặm từ vị trí của họ”.

nguon-con-an-phat-khung-my-danh-cho-tik-tok.png
TikTok đã phải nộp phạt 5,7 triệu USD - mức án phạt kỷ lục vì vi phạm quyền riêng tư của trẻ.

Nộp phạt 5,7 triệu USD và thay đổi

Sau tất cả khiếu nại trong nhiều năm, ngày 26/2, TikTok đã phải nộp phạt 5,7 triệu USD cho chính phủ Mỹ vì hành vi thu thập thông tin trẻ em bất hợp pháp. Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ cho biết, đây là mức án phạt kỷ lục vì vi phạm quyền riêng tư của trẻ em.

Theo Chủ tịch FTC Joe Simons, TikTok đã vi phạm Đạo luật bảo mật trực tuyến dành cho trẻ em (COPPA) đã được thông qua hơn hai thập kỷ trước. Đạo luật này giới hạn việc các trang web và dịch vụ trực tuyến bao gồm cả ứng dụng thu thập và tiết lộ thông tin của trẻ em.

“Án phạt kỷ lục này là một lời nhắc nhở cho tất cả các dịch vụ và trang web trực tuyến nhắm vào trẻ em. Chúng tôi thực thi COPPA rất nghiêm túc và chúng tôi sẽ không tha thứ cho bất kỳ công ty nào phạm luật một cách trắng trợn”, ông Simons khẳng định.

Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Mỹ Ed Markey lại bày tỏ: “Mặc dù 5,7 triệu USD là mức phạt cao nhất từ trước đến nay dành cho việc vi phạm đạo luật COPPA nhưng nó vẫn chưa đủ răn đe các công ty khác trong tương lai”. 

nguon-con-an-phat-khung-my-danh-cho-tik-tok-3.jpg
Ngay sau án phạt, TikTok đã lập tức có những thay đổi.

Sau án phạt kỷ lục trên, như một phần của thỏa thuận với FTC, TikTok đã phải gỡ tất cả các video được thực hiện bởi trẻ em dưới 13 tuổi.

TikTok cho biết công ty đang cập nhật những thay đổi để phù hợp hơn với trẻ em ở Mỹ theo hướng dẫn của FTC. Theo đó, ứng dụng này sẽ không cho phép người dùng chia sẻ thông tin cá nhân và hạn chế nội dung, cũng như tương tác từ người dùng chưa đủ tuổi. TikTok cam kết “tạo ra các biện pháp” nhằm bảo vệ người dùng, bao gồm các công cụ bảo vệ trẻ dành cho các bậc phụ huynh.

Ngay ngày 27/2, Tik Tok đã giới thiệu đến người dùng trẻ tuổi ở Mỹ “trải nghiệm ứng dụng riêng biệt”, trong đó, họ “không thể làm những việc như chia sẻ video của họ trên TikTok, bình luận về video của người khác, nhắn tin với người dùng khác hoặc lưu giữ hồ sơ hoặc thông tin người theo dõi”.

Trên thực tế, trước TikTok, không ít công ty công nghệ lớn khác cũng từng vi phạm quyền riêng tư trẻ em của Mỹ. Công ty con Playdom của Disney (DIS) tùng bị phạt tới 3 triệu USD vào năm 2011 vì thu thập và hiển thị thông tin của trẻ em trong các trò chơi trực tuyến nhiều người chơi. Hay ngay cả “ông lớn” Facebook cũng đang phải đối mặt với khiếu nại liên quan đến COPPA vì cáo buộc tạo ra những trò chơi dành cho trẻ em dưới 13 tuổi, thậm chí, một số người chơi mới 5 tuổi.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn