Ủng hộ phụ nữ khởi nghiệp thông qua mở rộng mạng lưới doanh nhân nữ
14:59 | 11/11/2017;
Đó là một nội dung có ý nghĩa quan trọng trong Tuyên bố chung của Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 29 (AMM 29) vừa diễn ra ở Đà Nẵng.
Hội nghị này do Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đồng chủ trì .
Theo Tuyên bố chung, các nền kinh tế công nhận kết quả của Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2017 đã diễn ra tại Huế từ ngày 26 đến 29/9 và ghi nhận nỗ lực của cơ quan Quan hệ Đối tác Chính sách về Phụ nữ và Kinh tế APEC trong việc tự nguyện xây dựng Hướng dẫn Phát triển Bao trùm về Giới trong APEC.
Các nền kinh tế cam kết thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội cho phụ nữ tại các nền kinh tế APEC. Đồng thời, kêu gọi các nền kinh tế ủng hộ tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ thông qua các chính sách và biện pháp cụ thể để tăng khả năng tiếp cận của phụ nữ đối với vốn, tài chính, thị trường, các chương trình xây dựng năng lực và cải thiện kỹ năng, trình độ giáo dục và sức khoẻ của phụ nữ.
Các lãnh đạo tham dự Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 29
Mặt khác, Tuyên bố chung khuyến khích các nền kinh tế ủng hộ các chính sách và chương trình làm việc để tăng cường sự lãnh đạo của phụ nữ và đa dạng về giới trong công tác quản lý, giúp mang lại cơ hội việc làm tốt hơn cho phụ nữ trong các ngành có yếu tố sáng tạo và văn hoá; và tăng cường sáng tạo trong nỗ lực thu hẹp khoảng cách giới, bao gồm giúp phụ nữ có thêm cơ hội làm việc trong các ngành có đà phát triển nhanh và có thu nhập cao như khoa học, công nghệ và giao thông vận tải.
Các nền kinh tế cũng tuyên bố ủng hộ phụ nữ khởi nghiệp thông qua việc mở rộng mạng lưới các doanh nhân nữ. Trong lĩnh vực này, hội nghị biểu dương các kết quả của cuộc thi dành cho doanh nhân nữ APEC lần thứ 2 và Giải thưởng Hiệu quả Kinh doanh và Mục tiêu Thành công APEC (Giải thưởng APEC BEST).
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà (áo dài xanh cùng đại biểu đến từ các nền kinh tế tham dự Giải thưởng Kinh doanh thành công trong APEC ngày 27/9 tại Huế
Trước đó, như PNVN đã đưa tin, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế và Phụ nữ APEC 2017diễn ra tại Huế, ngày 27/9, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Bộ Phát triển Kinh tế Liên bang Nga đã đồng tổ chức Giải thưởng Kinh doanh thành công trong APEC (APEC BEST). Giải thưởng này nhằm giới thiệu các dự án của phụ nữ từ các khu vực kinh tế khác nhau, góp phần thúc đẩy tiềm năng kinh tế của phụ nữ trong các nền kinh tế APEC.
Bên cạnh đó, cuộc thi còn giúp xây dựng mạng lưới kết nối những phụ nữ là chủ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), được coi là “các điển hình tiêu biểu về kinh doanh thành công”, những doanh nhân, nhà tư vấn, cố vấn, và nhà đầu tư trong khu vực APEC… Giải thưởng kinh doanh thành công trong APEC tập trung vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng số hóa, doanh nghiệp truyền thống, doanh nghiệp xã hội - nhóm doanh nghiệp năng động, quan tâm trách nhiệm xã hội nhưng cũng dễ bị tổn thương trong xu thế kỷ nguyên số.
Ban tổ chức đã trao Giải nhất APEC BEST và giải Tác động xã hội cho nữ doanh nhân Rika Yajima (áo kimono), Chủ tịch và Người sáng lập công ty Aeru (Nhật Bản) tại Giải thưởng Kinh doanh thành công trong APEC (APEC BEST) ngày 27/9
Các nền kinh tế hoan nghênh các nỗ lực tăng cường hội nhập về giới xuyên suốt APEC, bao gồm thông qua triển khai phiên bản 2017 của Công cụ Phân tích Tình hình Phụ nữ và Kinh tế APEC (APEC Women and Economy Dashboard). Các nền kinh tế khẳng định đây là công cụ quan trọng để thực hiện các chương trình và chính sách bình đẳng giới tại APEC, cam kết sẽ phối hợp trong APEC để thúc đẩy việc thực hiện lồng ghép giới của các nhà hoạch định chính sách và những người thực hiện ở tất cả các cấp.
Các nền kinh tế cũng cam kết thành lập Quỹ con về Phụ nữ và Kinh tế. Quỹ này sẽ chính thức đi vào hoạt động năm 2018, hứa hẹn sẽ mang đến cơ hội và nguồn lực nhiều hơn cho các nền kinh tế thực hiện các dự án, sáng kiến thúc đẩy quyền năng của phụ nữ.
Các nền kinh tế còn hoan nghênh kết quả Đối thoại Chính sách Cao cấp về Phát triển Nguồn nhân lực trong Kỷ nguyên Số, trong đó tập trung vào tăng cường nguồn nhân lực chất lượng và giáo dục, các kỹ năng cần thiết trong thời đại công nghệ số, việc làm bền vững, mạng lưới an sinh xã hội và nâng cao năng lực, đặc biệt cho thanh niên, phụ nữ, người khuyết tật và các nhóm dễ bị tổn thương khác.