Những kẻ biến thái lộng hành nhiều nhất trên các phương tiện công cộng như xe buýt, xe khách. Đặc biệt ở trên xe buýt quá đông hành khách, những kẻ biến thái rất dễ thực hiện hành vi của mình. Chúng cố tình đứng áp sát rồi ngang nhiên sờ soạng khắp người đối phương. Nạn nhân chủ yếu là học sinh, sinh viên, nhiều em không dám la toáng vì xấu hổ mà chỉ im lặng bực bội.
Khi đi xe khách, đặc biệt là xe giường nằm, những kẻ biến thái càng được dịp “trổ tài” khi đa phần hành khách lên xe là lim dim ngủ. Có lần, đi xe từ Hà Nội vào Hà Tĩnh, vì nằm ở phía dưới xe nên chị Thùy Anh (Linh Đàm, Hà Nội) đã bị người đàn ông nằm ở giường bên cạnh thỉnh thoảng đưa tay sang sờ soạng. Cả đêm hôm ấy, chị Thùy Anh không dám chợp mắt vì phải làm tròn “nhiệm vụ” đẩy tay người đàn ông ra khỏi người mình. Giờ đây, mỗi lần nhắc đến xe giường nằm là chị Thùy Anh lại sợ hãi. Và nếu có phải đi, chị cũng chọn đi vào ban ngày dù sẽ mất nhiều thời gian hơn.
Ở những đoạn đường vắng là nơi "hành nghề" phổ biến của các kẻ biến thái. Theo dõi trên mạng xã hội, Nguyễn T.A. (Thanh Nhàn, Hà Nội) thừa hiểu các trò lừa đảo để lợi dụng sàm sỡ của những người đàn ông bệnh hoạn. Thế nên, khi ra đường, T.A luôn bảo vệ, che chắn mình rất kỹ. Cô cảnh giác trước tất cả những người lạ mặt, đặc biệt là đàn ông. Cô cố gắng không đi trên đường lúc khuya và tránh những nơi vắng vẻ. Thế nhưng, với những chiêu trò ngày càng mới và tinh vi, cô đã bị sàm sỡ ngay giữa ban ngày, ở con đường nhiều người qua lại.
Hôm đó, khi đi qua đường hầm Kim Liên vào buổi trưa, T.A đã trúng thủ đoạn của tên biến thái xin đi nhờ xe lúc trời mưa. Cô bị kẻ bệnh hoạn ngồi sau xe máy sàm sỡ trắng trợn. Dù đã liên tục quát là không được động vào người nhưng kẻ biến thái vẫn đưa tay sờ chỗ khóa quần T.A như không nghe thấy gì. Khi xe đi ra khỏi đường hầm, T.A đã hét vào mặt và đuổi tên này xuống xe. Dù mạnh mồm quát to nhưng giờ nghĩ lại lúc bị sàm sỡ, T.A vẫn chưa hết run và hoảng sợ.
Các bí quyết ứng phó
Gặp phải tình huống như T.A, không phải người nào, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên cũng cứng giọng để ứng phó với kẻ biến thái. Bởi có kêu cứu thì nhiều người đi đường cũng nghĩ đây là một cặp, là chuyện riêng của họ. T.A cho biết, chỉ cần đường hầm Kim Liên dài thêm đoạn nữa thì tên biến thái đã đủ thời gian để thọc tay vào “vùng kín” của mình.
Theo thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Ủy viên BCH TƯ Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, sở dĩ phần lớn nạn nhân bị sàm sỡ đều không dám lên tiếng vì tâm lý e ngại, sợ không ai ủng hộ, không biết phản ứng như thế nào... nạn nhân có xu hướng “ngậm bồ hòn làm ngọt” nhưng trong lòng rất khó chịu và hoang mang. Đã có những nạn nhân phải nhờ đến các chuyên gia tâm lý trị liệu vì bị ám ảnh trong thời gian dài sau những hành vi quấy rối, sàm sỡ nơi công cộng.
Tuy nhiên theo ông An, chính những kẻ có những hành vi không đứng đắn mới phải sợ khi sự thật được phơi bày. “Thế nên, các nạn nhân cần lên tiếng một cách dứt khoát và phản ứng đanh thép khi bị quấy rối. Chỉ cần nhìn thẳng mặt kẻ quấy rối và nói thật to: “Anh nãy giờ đụng chạm vào người tôi bao nhiêu lần rồi đấy” nhằm gây sự chú ý cho những người xung quanh. Hay một câu đã rất quen thuộc với cộng đồng mạng: “Anh là ai, tôi không biết, ngưng đụng chạm vào người tôi đi nhé!”... là kẻ xấu sợ ngay”, ông An hướng dẫn.
Thạc sĩ tâm lý này cũng khuyên, để tránh bị sàm sỡ khi đi xe buýt, xe khách, tàu hỏa... thì mặc kín đáo, lịch sự là một giải pháp hữu hiệu nhằm tránh thu hút những kẻ bệnh hoạn. Bên cạnh đó, việc phản ứng, ứng phó trực diện và kỹ năng kêu gọi sự giúp đỡ từ những người xung quanh cũng rất quan trọng.
Còn ở trên mạng xã hội, các chị em cũng truyền nhau cách bảo vệ an toàn cho bản thân khỏi nguy cơ bị sàm sỡ. Đó là luôn nhớ phải mang theo vật dụng phòng thân như bột ớt, đồ phát ra tiếng động (còi, kèn), điện thoại di động đủ pin và đủ tiền...
Quan trọng nhất là đừng tự đưa mình vào tình huống nguy hiểm bằng việc hạn chế đi một mình khi trời tối ở những khu vực nguy hiểm, đi vào ngõ nhỏ, tối, vắng, những con đường mà bạn không biết dẫn đi đâu. Thận trọng khi nói chuyện hay đi với người lạ, cho dù họ đề nghị giúp đỡ bạn. Nếu cảm thấy mình bị theo dõi, hãy giữ bình tĩnh và từ từ qua đường, thay đổi hướng và đến những nơi đông người.