Ung thư dạ dày và loét dạ dày là hai tình trạng riêng biệt. Hai bệnh lý này phát triển do các nguyên nhân khác nhau nhưng có thể có các triệu chứng tương tự nhau. Đặc biệt, cả hai tình trạng này có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào trong giai đoạn đầu.
Ung thư dạ dày là các tế bào ung thư phát triển ngoài tầm kiểm soát trong dạ dày. Loại ung thư dạ dày phổ biến nhất là ung thư biểu mô tuyến, phát triển từ các tế bào ở lớp niêm mạc trong cùng của dạ dày (niêm mạc).
Ung thư dạ dày hình thành khi có đột biến gen (thay đổi) trong DNA của các tế bào dạ dày. Không biết nguyên nhân chính xác gây ra đột biến. Tuy nhiên, một số yếu tố có vẻ làm tăng khả năng phát triển ung thư dạ dày:
- Tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư dạ dày
- Nhiễm trùng Helicobacter pylori (H. pylori)
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
- Viêm dạ dày
- Nhiễm virus Epstein-Barr
- Tiền sử loét dạ dày hoặc polyp dạ dày
- Chế độ ăn nhiều chất béo, mặn, hun khói hoặc đồ ngâm chua
- Chế độ ăn không bao gồm nhiều trái cây và rau quả
- Tiếp xúc thường xuyên với các chất như than, kim loại và cao su
- Hút thuốc
- Uống quá nhiều rượu
- Béo phì
- Viêm teo dạ dày tự miễn
Loét dạ dày là vết loét hở ở niêm mạc dạ dày. Đây là nguyên nhân phổ biến gây đau dạ dày khu trú - cơn đau mà bạn có thể cảm thấy xuất phát từ một vị trí cụ thể thường có tính chất nóng rát hoặc đau nhói.
Có 2 nguyên nhân phổ biến nhất gây loét dạ dày là nhiễm khuẩn H. pylori và lạm dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Ngoài ra, một số tình trạng như nhiễm trùng, căng thẳng cũng có thể gây loét dạ dày.
Ung thư dạ dày và loét dạ dày có thể dễ nhầm lẫn vì nhiều triệu chứng tương đồng nhau. Ở giai đoạn đầu của cả hai tình trạng, mọi người có thể không có bất kỳ triệu chứng nào. Nếu gặp phải các triệu chứng, chúng có thể bao gồm:
+ Buồn nôn
+ Ợ nóng
+ Chán ăn
+ Cảm thấy đầy hơi sau khi ăn
+ Khó tiêu và khó chịu ở dạ dày
+ Máu trong phân hoặc nôn ra máu (do vết loét phát triển nghiêm trọng hoặc ung thư đã di căn sang nơi khác)
+ Đau bụng trên rốn, cơn đau có thể lan sang lưng
Mặc dù cả ung thư dạ dày và loét dạ dày đều có những triệu chứng tương đồng. Tuy nhiên, hai tình trạng này vẫn có một số triệu chứng riêng biệt và bạn có thể dựa một phần vào đó để dự đoán tình trạng của mình.
- Dấu hiệu ung thư dạ dày
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, các triệu chứng tiềm ẩn của ung thư dạ dày bao gồm:
+ Giảm cân không chủ ý
+ Cảm thấy no nhanh
+ Khó nuốt
+ Sưng bụng do cổ trướng
+ Yếu hoặc mệt mỏi do thiếu máu
+ Vàng da nếu ung thư đã di căn đến gan
Trong một nghiên cứu năm 2020, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng giảm cân là triệu chứng đầu tiên của ung thư dạ dày ở 65% số người trong nhóm 210 người được chẩn đoán tại một bệnh viện ở Thái Lan.
- Triệu chứng loét dạ dày
Triệu chứng phổ biến nhất của loét dạ dày thường là cảm giác nóng rát hoặc đau nhói ở bụng. Cơn đau có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ và thường trở nên tồi tệ hơn sau khi ăn hoặc vào ban đêm và sáng sớm. Thuốc kháng axit có thể làm giảm cơn đau tạm thời.
Để chẩn đoán ung thư dạ dày và loét dạ dày, thực hiện các xét nghiệm là cách chẩn đoán chính xác nhất.
Để chẩn đoán ung thư dạ dày người bệnh cần làm các xét nghiệm:
- Nội soi đường tiêu hóa trên có sinh thiết
- Nuốt bari
- Chụp cắt lớp vi tính (CT)
- Xét nghiệm dấu ấn sinh học bằng mẫu sinh thiết
Để chẩn đoán loét dạ dày, người bệnh cần làm các xét nghiệm:
- Xét nghiệm máu
- Xét nghiệm hơi thở urê
- Xét nghiệm phân
- Nội soi đường tiêu hóa trên và sinh thiết
- Nuốt bari
Hầu hết các vết loét dạ dày không phải ung thư, nhưng một số có thể chuyển thành ung thư. Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ ung thư nằm trong khoảng từ 2,4% đến 21% ở các vết loét dạ dày được chẩn đoán bằng nội soi.
Trong một nghiên cứu năm 2018 với 111 người, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng 37,8% các vết loét dạ dày khổng lồ (vết loét này có đường kính hơn 3cm) là ung thư.
Trong một nghiên cứu khác năm 2022, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người có tiền sử loét dạ dày có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn 3 lần so với những người không có tiền sử bị loét.
Nhiễm vi khuẩn Helicobacter (H.) pylori là một yếu tố nguy cơ phát triển cả ung thư dạ dày và loét. Phần lớn các trường hợp ung thư biểu mô tuyến, loại ung thư dạ dày phổ biến nhất, là do H. pylori. Nó cũng gây ra khoảng 70–90% gây loét dạ dày.
Phương pháp điều trị loét dạ dày có thể khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân cơ bản. Hầu hết những người bị loét dạ dày đều có vi khuẩn H. pylori. Thuốc kháng sinh và thuốc ức chế bơm proton (PPI) thường được khuyến nghị cho những vết loét này. Đôi khi, bạn sẽ được dùng thuốc đối kháng thụ thể H2 thay vì PPI.
Ngoài việc sử dụng thuốc, việc thay đổi lối sống và chế độ ăn uống cũng giúp làm lành vết loét nhanh hơn:
- Hạn chế căng thẳng
- Tránh sử dụng rượu bia
- Không ăn thức ăn cay
- Bỏ hút thuốc
Trong một số trường hợp hiếm hoi, loét dạ dày có thể cần điều trị bằng phẫu thuật.
Các bác sĩ thường sử dụng kết hợp nhiều phương pháp điều trị ung thư dạ dày. Phác đồ điều trị mà họ đề xuất phụ thuộc vào các yếu tố như:
- Tuổi
- Sức khỏe tổng thể
- Giai đoạn ung thư
- Loại ung thư dạ dày
Các phương pháp điều trị chính cho ung thư dạ dày bao gồm:
- Phẫu thuật
- Hóa trị
- Thuốc điều trị nhắm mục tiêu
- Liệu pháp miễn dịch
- Xạ trị
Trên đây là những thông tin về ung thư dạ dày và loét dạ dày. Ung thư dạ dày và loét dạ dày đều có thể gây đau bụng và khó nhận biết trong giai đoạn đầu. Cả ung thư dạ dày và loét dạ dày đều cần được điều trị y tế kịp thời. Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng tiềm ẩn nào của một trong hai tình trạng này, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn