Đại - trực tràng là phần cuối cùng của ống tiêu hóa. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, ung thư có thể lây lan sang những bộ phận khác của cơ thể, đặc biệt là gan và phổi. Lúc đó, khả năng điều trị không còn, thời gian duy trì sự sống của bệnh nhân cũng sẽ giảm đi rất nhiều.
Khi ung thư phát triển, nó sẽ xâm lấn từ trong lòng đại - trực tràng qua thành đại tràng và lan rộng ra bên ngoài. Quá trình xâm lấn có thể diễn ra bằng nhiều cách như xâm lấn các lớp của đại - trực tràng và sang các cơ quan bên cạnh, đi theo hệ bạch huyết vào các hạch bạch huyết lân cận hoặc đi theo đường máu đến gan và các bộ phận khác.
Những người từ 40 tuổi trở lên, đặc biệt là từ sau 50 tuổi; những người có tiền sử cá nhân hoặc gia đình mắc ung thư đại - trực tràng hoặc có polip trong đại trực tràng; người mắc bệnh viêm ruột mạn tính và những người ít vận động hoặc béo phì là những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư đại – trực tràng.
Ths.BS. Nguyễn Phước Lâm, Trưởng Khoa Nội Soi, Phó Giám Đốc Quản lý chất lượng - Bệnh viện Quốc tế City (TPHCM) cho biết, ung thư đại - trực tràng là một trong những bệnh ung thư phổ biến tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Tuy nhiên, chúng ta có thể phòng ngừa ung thư đại – trực tràng bằng cách phát hiện sớm các polip từ lúc chưa phát triển thành ung thư và tiến hành cắt bỏ bằng nội soi. Kể cả nếu đã phát triển thành ung thư thì vẫn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Phát hiện sớm, điều trị hiệu quả cao
Các nghiên cứu cho thấy việc tầm soát từ độ tuổi 40 trở lên, kể cả những người khỏe mạnh hoàn toàn có thể giúp phát hiện polip và ung thư đại - trực tràng giai đoạn sớm. Việc phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh sẽ giúp việc điều trị đạt hiệu quả cao hơn.
Có nhiều phương pháp tầm soát ung thư đại - trực tràng. Trong đó, xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân (FOBT) là phương pháp đơn giản được khuyến cáo thực hiện hàng năm nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh. Đây là xét nghiệm đơn giản để tìm máu ẩn trong phân mà mắt thường không nhìn thấy được.
Theo đó, mỗi người sẽ được phát một ống xét nghiệm bằng cỡ ngón tay cùng với hướng dẫn cách lấy mẫu phân tại nhà. Mẫu phân sau đó sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm để phân tích.
Xét nghiệm này dùng để xác định có hay không có máu ẩn trong phân nhưng không thể khẳng định ngay là có hay không có ung thư. Bởi lẽ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến có máu trong phân như viêm loét đường tiêu hóa, trĩ, polip đại tràng và ung thư đại – trực tràng.
Đối với những mẫu xét nghiệm có kết quả dương tính, người bệnh sẽ được thông báo để đến gặp bác sĩ làm các bước chẩn đoán tiếp theo để xác định nguyên nhân gây chảy máu. Nếu việc chảy máu do có polip và ung thư đại - trực tràng gây ra thì bệnh nhân sẽ được hướng dẫn điều trị kịp thời để ngăn chặn sự phát triển của bệnh.
2.000 mẫu thử xét nghiệm miễn phí bệnh ung thư đại trực tràng Ngày 9/6, Bệnh viện Quốc tế City phối hợp tổ chức chương trình hội thảo “Tầm soát ung thư đại trực tràng”, tặng 2.000 mẫu xét nghiệm tầm soát bệnh đại tràng miễn phí cho người tham gia hội thảo. Những mẫu xét nghiệm này sẽ được gửi đến Trung tâm xét nghiệm tại Hà Nội để các kĩ thuật viên thực hiện xét nghiệm mẫu. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng sẽ giảm 30% chi phí nội soi tiêu hóa, đối với nội soi dạ dày và đại tràng nếu có chỉ định của bác sĩ. Việc này sẽ giúp phát hiện sớm các nguy cơ ung thư đại trực tràng, giúp người dân chủ động hơn trong việc phòng và điều trị bệnh. |