Ung thư tá tràng là một bệnh lý ác tính phát triển tại tá tràng - một phần của ruột non. Chúng có thể di căn, lây lan sang các vị trí khác hoặc xâm lấn và phá hủy các mô lân cận. Một trong những loại ung thư tá tràng phổ biến nhất chính là dạng ung thư biểu mô tuyến.
Tá tràng là phần đầu tiên và cũng là phần ngắn nhất của ruột non. Nó là phần giữa dạ dày và hỗng tràng (phần tiếp theo của ruột non). Tá tràng có hình móng ngựa và có vai trò nhận thức ăn đã được tiêu hóa một phần từ dạ dày.
Đóng vai trò chủ đạo trong quá trình tiêu hóa, tá tràng nhận các chất tiết hóa học và mật giúp phân hủy các thức ăn đã được nghiền nhỏ ở dạ dày. Tại đây, các vitamin và chất dinh dưỡng được hấp thụ vào cơ thể trước khi phần còn lại của thức ăn được chuyển đến hỗng tràng.
Ung thư tá tràng là bệnh lý ác tính xảy ra ở phần tá tràng, bệnh khá hiếm gặp. Thông thường các bệnh ung thư đường tiêu hóa đều xảy ra bên ngoài ruột non, chẳng hạn như ung thư đại trực tràng, ung thư thực quản, ung thư dạ dày,... Bệnh có thể ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và ngăn cản cơ thể hấp thụ các khoáng chất cần thiết để có thể hoạt động.
Bệnh ung thư tá tràng có thể được phân loại thành 5 dạng khác nhau, bao gồm ung thư biểu mô tuyến, sarcomas, khối u Carcinoid, u mô đệm đường tiêu hóa và ung thư hạch bạch huyết hay còn gọi là u Lympho.
- Ung thư biểu mô tuyến: Một số nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng đa phần các ung thư tá tràng xảy ra đều là dạng ung thư biểu mô tuyến. Chúng có thể được tìm thấy trong các tế bào tạo và tiết ra chất nhầy hoặc các chất lỏng. Tuy hiếm gặp nhưng đây là dạng ung thư có khả năng lây lan nhanh trong ruột non của bệnh nhân.
- Sarcomas: Sarcomas là một loại khối u ác tính phát sinh từ xương hoặc các mô mềm của cơ thể như mỡ, mạch máu và cơ. Có khoảng 10% số trường hợp bệnh nhân mắc ung thư tá tràng là ở dạng Sarcomas,
- Khối u Carciniod: Khối u này thường được hình thành trong hệ tiêu hóa như dạ dày và ruột, có thể di căn đến nhiều khu vực khác của cơ thể. Các khối u carciniod có thể dẫn đến hội chứng carciniod với các triệu chứng điển hình như đỏ người, tiêu chảy, khó thở, thở khò khè.
- Khối u mô đệm đường tiêu hóa: Chúng được hình thành trong thành của đường tiêu hóa như dạ dày và ruột.
- Ung thư hạch bạch huyết hay còn gọi là u lympho: Đây là một loại ung thư bắt nguồn từ hệ miễn dịch của cơ thể nhưng có thể ảnh hưởng rất lớn đến các bộ phận khác nhau, hệ thống tiêu hóa cũng không ngoại lệ.
Hiện nay, các chuyên gia đều chưa thể chắc chắn chính xác điều gì là nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư tá tràng. Họ chỉ có thể biết rằng giống như nhiều loại ung thư khác, ung thư tá tràng có thể bắt đầu do các gen bị lỗi hoặc đột biến, cho phép các tế bào phát triển một cách không thể kiểm soát thành khối u.
Các nhà nghiên cứu tin rằng một số yếu tố có thể đóng vai trò quan trọng trong việc làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư tá tràng. Những yếu tố nguy cơ đó có thể bao gồm:
- Tuổi tác: Hầu hết các bệnh nhân ung thư tá tràng được phát hiện ở độ tuổi từ 60 đến 70. Điều này có thể do các đột biến gen cần thời gian để tích tụ trong cơ thể và phát triển.
- Di truyền: Một số hội chứng nhất định từ những người thân trong gia đình như cha mẹ, ông, bà đã mắc bệnh sẽ khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác. Một số tình trạng sức khỏe có liên quan có thể kể đến như: bệnh xơ nang, bệnh đa polyp tuyến gia đình, hội chứng Peutz-Jeghers, hội chứng Lynch...
- Chế độ dinh dưỡng. Ăn nhiều thịt đỏ, đường và tinh bột như mì ống và bánh mì hoặc quá ít rau và trái cây có thể làm gia tăng trầm trọng thêm tỷ lệ mắc bệnh ung thư tá tràng.
- Hút thuốc lá và uống rượu, bia... Tuy rằng không phải tất cả các nghiên cứu khoa học đều chỉ ra rằng những điều này gây ra tình trạng ung thư tá tràng. Nhưng một số nghiên cứu cho thấy người uống rượu, bia nhiều hoặc hút thuốc hoặc cả hai đều có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư tá tràng.
- Tăng sinh ở khu vực tá tràng. Nếu bạn đang có một khối u lành tính và không phải ung thư ở tá tràng cũng có nghĩa là bạn có khả năng mắc ung thư tá tràng cao hơn những người khác. Đặc biệt là với những khối u nhỏ như polyp thì nguy cơ mắc ung thư tá tràng là rất cao.
- Từng mắc các bệnh đường ruột. Các tình trạng khác ảnh hưởng đến đường ruột như bệnh Crohn, bệnh viêm ruột và bệnh celiac, cũng có thể là yếu tố góp phần làm tăng khả năng bị ung thư tá tràng.
Các triệu chứng điển hình của ung thư tá tràng thường không biểu hiện ra ngoài trong một thời gian dài kể từ khi ung thư phát triển. Các triệu chứng không rõ ràng sẽ dẫn đến việc chẩn đoán muộn, không được điều trị kịp thời dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc.
Phát hiện ung thư sớm sẽ mang lại các kết quả điều trị tốt hơn, các triệu chứng phổ biến ung thư tá tràng bao gồm:
- Mệt mỏi, cơ thể suy nhược.
- Đau bụng hoặc chuột rút ở giữa bụng.
- Buồn nôn, nôn.
- Trào ngược dạ dày thực quản.
- Giảm cân bất ngờ không rõ nguyên nhân.
- Chảy máu đường ruột, phân sẫm màu.
- Thiếu máu.
- Vàng da, mắt vàng.
- Có khối u ở bụng.
Một số triệu chứng của ung thư tá tràng xuất hiện là do khối u gây tắc ruột. Các triệu chứng khác là do tá tràng không có khả năng hấp thụ các vitamin và chất dinh dưỡng đúng cách hoặc do tá tràng chảy máu (chẳng hạn như thiếu máu hay có máu trong phân).
Các cơn đau dữ dội và chuột rút ở bụng đôi khi có thể trầm trọng hơn sau khi ăn sẽ là dấu hiệu đầu tiên của người ung thư tá tràng. Khi khối u phát triển to hơn, nó sẽ chặn đường di chuyển của thức ăn qua ruột non sẽ làm cơn đau bụng trầm trọng hơn. Tình trạng buồn nôn và nôn mửa sẽ xảy ra nếu ruột bị tắc nghẽn hoàn toàn.
Khi khối u bắt đầu chảy máu có thể dẫn đến giảm lượng hồng cầu và xuất hiện máu trong phân khiến phân có màu đen, màu hắc ín. Cơ thể bắt đầu suy nhược và mệt mỏi, một số người có thể bất tỉnh.
Tuy hiếm gặp nhưng một số bệnh nhân có thể bị thủng ruột do ung thư tá tràng. Đây là một tình trạng rất khẩn cấp và nguy hiểm. Các triệu chứng lúc này sẽ bao gồm đau bụng dữ dội kéo dài nhiều giờ, buồn nôn và nôn mửa. Vàng da cũng là một triệu chứng khá hiếm gặp, nó chỉ xảy ra khi khối u tá tràng làm tắc ống mật. Khi mật không thể lưu thông, tích tụ trong máu sẽ khiến da và mắt có màu vàng.
Các triệu chứng trên đôi khi có thể không phải do ung thư tá tràng gây ra mà là do các bệnh khác. Tuy nhiên nếu đã nhận thấy các dấu hiệu tương tự, người bệnh cần đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa càng sớm càng tốt để có thể được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Ung thư tá tràng có thể được chia thành năm giai đoạn khác nhau, bao gồm:
- Giai đoạn 0: Các tế bào ung thư bắt đầu xuất hiện, hình thành trong các thành của tá tràng.
- Giai đoạn 1: Các tế bào ung thư chỉ xuất hiện ở tá tràng và không lan sang các cơ quan lân cận hay các hạch bạch huyết.
- Giai đoạn 2: Tế bào ung thư đã phát triển qua các lớp ruột, di căn đến các mô liên kết, cơ và các hạch bạch huyết.
- Giai đoạn 3: Các tế bào ung thư đã lan đến các cơ quan lân cận hoặc các bộ phận khác của ruột non.
- Giai đoạn 4: Ung thư đã lan rộng khắp bụng, xương hoặc các cơ quan xa hơn như phổi, gan, tuyến tụy.
Chẩn đoán đúng và kịp thời cũng như xác định chính xác giai đoạn của ung thư tá tràng là vô cùng quan trọng trong việc lựa chọn phương pháp điều trị cho kết quả tốt nhất. Có nhiều loại xét nghiệm khác nhau được sử dụng để giúp chẩn đoán ung thư bao gồm:
- Thăm khám tổng quát: Các bác sĩ sẽ kiểm tra các khối u, hỏi thăm các triệu chứng, tình trạng sức khỏe cũng như tiền sử bị bệnh của bênh nhân để giúp chẩn đoán sơ bộ.
- Xét nghiệm công thức máu và hóa sinh để kiểm tra tình trạng thiếu máu và các chỉ số khác.
- Xét nghiệm chức năng gan: Xét nghiệm này được thực hiện để kiểm tra các tổn thương ở gan do ung thư tá tràng.
- Nội soi: Thủ thuật này sử dụng một dụng cụ nhỏ được đưa vào cơ thể nhằm kiểm tra các bất thường của các mô và cơ quan bên trong tá tràng.
- Nội soi ổ bụng, sinh thiết: Thủ thuật phẫu thuật này sử dụng dụng cụ sợi quang đưa qua thành bụng thông qua một vết rạch nhỏ để kiểm tra tá tràng và lấy một mô nhỏ để kiểm tra liệu tế bào có phải là ác tính hay không.
- Chụp GI Series trên: Phương pháp này sử dụng các tia X để chụp hình ảnh sau khi bệnh nhân nuốt vào 1 lượng bari (một chất lỏng bao phủ dạ dày và ruột non để quan sát tốt hơn).
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Xét nghiệm hình ảnh này chụp một loạt hình ảnh bên trong cơ thể từ nhiều góc độ khác nhau. Hình ảnh được tạo ra rất chi tiết và đôi khi bác sĩ yêu cầu sử dụng một loại thuốc nhuộm để hình ảnh của các cơ quan có thể được nhìn thấy rõ ràng hơn.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Phương pháp này sử dụng từ trường rất mạnh và sóng vô tuyến để tạo ra một loạt hình ảnh chi tiết. MRI có thể cho thấy một số loại ung thư mà các xét nghiệm hình ảnh khác không thể phát hiện được. Hình ảnh MRI cũng tốt hơn trong việc phát hiện liệu di căn ung thư đã xảy ra trong xương hoặc não hay chưa.
Khi đã được chẩn đoán chính xác mắc bệnh ung thư tá tràng, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của người bệnh và giai đoạn tiến triển của ung thư. Thông thường, các bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để loại bỏ các khối u . Một số phương pháp khác sẽ được chỉ định sau phẫu thuật nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại hoặc nếu người bệnh quá yếu không thể trải qua một cuộc phẫu thuật lớn.
Phương pháp điều trị ung thư tá tràng có thể là phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn, cắt bỏ một phần của ruột non hoặc thủ thuật Whipple (phẫu thuật cắt bỏ tuyến tụy).
Phẫu thuật cắt bỏ tá tràng có thể được thực hiện thay vì thủ thuật Whipple. Sự lựa chọn phương pháp này phụ thuộc vào một số yếu tố như vị trí của khối u, kích thước của khối u, giai đoạn ung thư, tình trạng di căn hay tình trạng sức khỏe chung của bệnh nhân.
Các bác sĩ sẽ thực hiện loại bỏ các khối u trong tá tràng để thức ăn có thể di chuyển từ dạ dày xuống một cách dễ dàng hơn. Tùy thuộc vào mức độ của ung thư mà bác sĩ sẽ quyết định cắt bỏ một phần hay toàn bộ tá tràng.
Đây là một thủ thuật nhằm phẫu thuật cắt bỏ tuyến tụy. Thủ thuật này được gọi là Whipple, bao gồm phẫu thuật cắt bỏ một số khu vực có cấu trúc liền kề với tá tràng. Thủ thuật này sẽ được thực hiện để giảm nguy cơ ung thư tá tràng lây lan sang các cấu trúc lân cận. Các khu vực có thể bị cắt bỏ bao gồm: cắt bỏ một phần tuyến tụy, đoạn tá tràng bị ung thư, túi mật, các hạch bạch huyết lân cận. Trong một số trường hợp, các bác sĩ sẽ cắt bỏ cả 1 phần của dạ dày.
Whipple không phải là một thủ thuật đơn giản, nó là một loại phẫu thuật phức tạp. Sau khi hồi phục sau thủ thuật Whipple, bác sĩ điều trị có thể yêu cầu kết hợp hóa trị để tiêu diệt tế bào ung thư.
Bên cạnh phẫu thuật, các phương pháp điều trị sau đây cũng có thể được chỉ định để thay thế hoặc kết hợp tùy thuộc vào tình trạng của bệnh nhân:
- Xạ trị: Phương pháp này sử dụng chùm năng lượng cao như bức xạ từ tia X để tiêu diệt các tế bào ung thư.
- Hóa trị: Sử dụng các loại thuốc tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ngăn chặn sự phát triển của ung thư. Thuốc thường được dùng qua liệu pháp tiêm tĩnh mạch, nhưng một số loại thuốc có thể được dùng bằng đường uống.
- Liệu pháp sinh học: Phương pháp này khá mới và nó sử dụng các chất được tạo ra bởi các sinh vật sống để điều trị ung thư.
Trên thế giới hiện nay không có cách nào được chứng minh có thể ngăn ngừa loại ung thư này. Tuy nhiên bạn có thể thực hiện một số biện pháp sau đây để giảm thiểu tối đa rủi ro có thể xảy ra, bao gồm:
- Ăn nhiều trái cây tươi, rau, củ và ngũ cốc nguyên hạt. Chúng có chứa nhiều chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư tá tràng.
- Tập thể dục và giữ cân nặng hợp lý. Ngăn ngừa cơ thể khỏi béo phì có thể giúp ngăn ngừa tất cả các loại ung thư. Hãy cố gắng tập thể dục trong khoảng 30 phút mỗi ngày, có thể đi bộ nhanh hoặc đạp xe, tập thể dục...
- Nếu gia đình bạn có người mắc bệnh ung thư tá tràng hoặc các bệnh về đường ruột, hãy thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Tiên lượng của bệnh ung thư tá tràng như thế nào?
Một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả điều trị ung thư tá tràng. Tiên lượng được coi là khả năng hồi phục của một người sau khi phẫu thuật hoặc sau khi thực hiện các phương thức điều trị khác. Tiên lượng bệnh ung thư tá tràng bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố như:
- Loại ung thư tá tràng (một số loại nguy hiểm hơn những loại khác).
- Vị trí của ung thư
- Ung thư đã di căn đến các vị trí khác trong cơ thể (chẳng hạn như gan) hoặc xâm lấn các mô lân cận (như các hạch bạch huyết) hay chưa?
Liệu ung thư có thể được loại bỏ hoàn toàn?
Chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kết quả phục hồi của bệnh nhân. Nếu người bệnh phát hiện và điều trị ung thư ở giai đoạn đầu, kết quả điều trị của họ sẽ tốt hơn.
Theo một nghiên cứu của Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Hoa Kỳ, tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với tất cả các loại ung thư tá tràng là 67%. Điều này có nghĩa là, sau khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tá tràng, số người có khả năng sống trong ít nhất 5 năm tới là 67%. Tuy nhiên, nếu được chẩn đoán và điều trị ung thư ở giai đoạn đầu, tỷ lệ sống sót sẽ tăng lên 83 %.
Nếu ung thư đã lan sang các mô và cơ quan xung quanh vào thời điểm được chẩn đoán, tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 73 %. Nếu ung thư đã di căn đến các bộ phận xa của cơ thể, tỷ lệ sống sót tương tự là 43 %.
Điều quan trọng cần lưu ý là những con số này chỉ là ước tính và chỉ dựa trên con số ít nhất là 5 năm. Hiện nay, khoa học đang dần phát triển vượt bậc và các phương pháp điều trị ung thư đang tiếp tục được cải thiện.
Bệnh nhân mắc bệnh ung thư tá tràng cần một chế độ ăn uống nghiêm ngặt để có thể hỗ trợ quá trình điều trị một cách hiệu quả, trong đó có thể kể đến một số nguyên tắc như:
- Chia các bữa ăn trong ngày thành nhiều bữa nhỏ, tuyệt đối không ăn quá no.
- Nên ăn các loại thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa, ít chất béo, ăn nhạt.
- Ăn bổ sung nhiều rau xanh, nước ép hoa quả để tăng thêm vitamin và các chất khoáng cần thiết cho cơ thể.
- Nên ăn bổ sung các loại quả, trái cây có màu đỏ như cà rốt, cà chua, đu đủ...
- Thực phẩm cần được chế biến càng đơn giản càng tốt, nên ăn các món như luộc, hấp, tránh ăn các món chiên, xào, nướng.
- Uống đủ nước, khoảng 8 ly nước trong ngày.
- Khi cơ thể đã hồi phục cần tránh bị thừa cân để phòng bệnh tái phát.
Đặc biệt đối với người bị ung thư tá tràng nói riêng và các khối u ở cơ quan tiên hóa như đại tràng, ruột, dạ dày... cần tránh những thực phẩm có khả năng gây đầy hơi như đậu nấu chưa chín kỹ. Không nên ăn quá nhiều rau bắp cải. Chế độ ăn uống cũng nên tránh các loại gia vị nặng, cay như ớt, hạt tiêu...
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn