Ung thư vú “tấn công” nam giới

17:11 | 06/08/2015;
“Tôi rơi vào trầm cảm nghiêm trọng, chẳng muốn chữa chạy gì cả vì nghĩ cuộc sống của mình còn rất ngắn ngủi. Tôi đã giấu gia đình, bạn bè bệnh “khó nói” này vì xấu hổ. Ai ngờ tôi lại bị ung thư vú”, anh Khiêm trải lòng.

Năm 2010, khi thấy cục cứng xuất hiện ở ngực trái, anh Khiêm hơi lo lắng nhưng không đi khám vì nghĩ rằng mình chẳng có vấn đề gì liên quan đến vùng ngực. Đầu năm 2012, cục cứng ở dưới quầng vú bắt phát triển rất nhanh, khi sờ vào có cảm giác đau rát, kèm theo các triệu chứng như: ngực to hơn, loét da vùng vú, xuất hiện hạch nách... anh Khiêm mới tá hỏa tìm đến Bệnh viện Ung bướu TPHCM để khám.

Chụp phát hiện sớm ung thư vú cho một bệnh nhân nam

Sau khi làm các xét nghiệm, các bác sĩ thông báo anh bị ung thư vú, cần phải cắt bỏ hết vú bên trái mới mong có hy vọng sống. Mọi thứ trước mắt anh Khiêm như nhòa đi vì không tin nổi đó là sự thật. Từ Bệnh viện Ung bướu đi ra, anh Khiêm vội vã đến mấy bệnh viện nữa để kiểm tra lại nhưng đều chỉ nhận được duy nhất một kết quả: Bị ung thư vú.

Suốt 2 tuần sống trong trạng thái bi quan, tuyệt vọng, anh chợt nghĩ, không lẽ mình đầu hàng số phận dễ dàng vậy sao? Vẫn còn cơ hội chữa trị, tại sao lại buông xuôi? Rồi anh cũng quyết định “công khai” bệnh với cả gia đình. Được vợ an ủi và động viên, anh trở lại bệnh viện, bước vào quá trình điều trị, chiến đấu với bệnh tật.

Trải qua lần phẫu thuật mổ bỏ khối u tuyến vú và xạ trị, anh Khiêm tiếp tục phải dùng thuốc đặc trị để cân bằng nội tiết tố cơ thể. Anh nhớ lại: “Mỗi lần thuốc vào, người tôi nóng ran như lửa đốt, tim đập mạnh, ngực đau thắt. Ngày nào tôi cũng phải chịu đựng đau đớn, tác dụng phụ của hóa trị liệu. Tóc tôi rụng dần, nước da thì ngày càng vàng sậm và gầy rộc đi, từ 60kg nay chỉ còn 45kg. Những ngày sau đó, tôi cứ trằn trọc suy nghĩ, lầm lì không nói với bất kỳ ai. Cảm giác mệt mỏi khiến tôi tuyệt vọng. Nhưng có lần, khi đang phải dùng hóa trị liệu ở bệnh viện thì tôi bỗng nghe thấy giọng con gái nức nở trong điện thoại: “Ba ơi. Ba cố lên nhé. Con thương ba nhiều”, tôi lại đặt mục tiêu sống tích cực hơn, sống vì mình và vì những người thân yêu”.

“Liều thuốc” tốt nhất

Để chống chọi với những cơn đau, anh Khiêm học cách quên chúng đi. Anh xác định, tinh thần thoải mái lúc này là “liều thuốc” tốt nhất. “Nếu sợ bệnh thì bệnh càng tới, nếu không sợ hãi thì bệnh sẽ dần lui. Ung thư không phải là căn bệnh quá khủng khiếp như mọi người vẫn nghĩ. Vì vậy phải dũng cảm chiến đấu với nó để giành lại sự sống”, tâm niệm ấy đã theo anh suốt những tháng ngày chiến đấu với căn bệnh quái ác này.

Theo anh Khiêm, để bảo vệ sức khỏe cũng như chống chọi lại với bệnh tật, mỗi người cần có những kiến thức, hiểu biết về cơ thể, nguyên tắc sử dụng thuốc trong điều trị, nguyên tắc ăn uống, sinh hoạt phù hợp. Vào mỗi buổi sáng, anh thường dậy sớm để tập thể dục, vận động nhẹ giúp thư giãn tay chân, đầu óc. Trong ăn uống, anh chọn các thực phẩm có khả năng điều tiết, thông khí như: hoa quả, hải sâm, rong biển, gà đen và kiêng rượu, thuốc lá, thực phẩm cay nóng, hun khói, tẩm ướp, nướng… Khi bị những cơn đau hành hạ, anh lại thả lòng mình vào các nhạc phẩm Trịnh Công Sơn rồi cố gắng ngủ một giấc thật ngon, nghĩ về những điều tốt đẹp mình sẽ làm, hướng bản thân vào những suy nghĩ lạc quan, tích cực.

Anh chia sẻ: “Bệnh ung thư vú có thể khống chế được. Vì vậy, người bệnh không nên có tâm lý buông xuôi, bỏ cuộc trong cuộc chiến chống lại căn bệnh này. Nghị lực sống và tinh thần lạc quan là “liều thuốc” cực kỳ quan trọng”.

Sự kiên trì, tinh thần lạc quan đã đem đến cho anh niềm vui bước đầu. Sau 1 năm, sức khỏe của anh hồi phục nhanh, cơn đau bớt dần. Anh mỉm cười: “Tóc tôi nay đã mọc trở lại như cành cây khô sau mùa thu đã thay lá mới tươi xanh vậy. Có lẽ, hy vọng sống sẽ luôn rộng mở với những ai dám đương đầu với nó”.

Một số nguyên nhân dẫn đến ung thư vú ở nam giới

  1. Gia đình có tiền sử ung thư: Nếu người mẹ mắc ung thư vú thì nguy cơ mắc ung thư vú ở con trai cũng tăng cao hơn một chút.
  2. Chức năng gan không tốt: Chức năng gan suy giảm sẽ ảnh hưởng đến sự trao đổi chất trong máu, là cơ quan chịu trách nhiệm cân bằng estrogen trong cơ thể. Nếu gan hoạt động yếu thì lượng estrogen sẽ bị tích lũy nhiều trong cơ thể. Lượng estrogen tăng cao sẽ là kẽ hở cho ung thư vú tấn công
  3. Phóng xạ: Nếu bị ảnh hưởng bởi phóng xạ trong thời gian dài, nguy cơ mắc ung thư vú cũng sẽ tăng cao.

 

ThS, bác sĩ Trần Minh Hoàng (Hội Ung thư Việt Nam)

Những dấu hiệu dễ thấy khi đàn ông mắc bệnh ung thư vú: Xuất hiện các u, cục, đám rắn trong tuyến vú, có thể xâm nhiễm dính da, thành ngực, hạch nách to… Vì tuyến vú ở nam giới nhỏ và ít các mô mỡ nên các biểu hiện này thường khá rõ ràng và có thể nhận biết ngay. Tuy nhiên, do chủ quan hoặc không nghĩ tới nguy cơ bị mắc bệnh này nên đa số nam giới khi đi khám thì các cục u vú đã xâm lấn ra những vùng xung quanh.

Bệnh nhân nam bị ung thư vú thường từ 40 tuổi trở lên, bệnh nguy hiểm vì tổ chức vú của nam giới mỏng và yếu khiến các tế bào ung thư phát triển rất nhanh. Hiệu quả điều trị ung thư vú ở nam giới phụ thuộc nhiều vào việc phát hiện bệnh sớm hay muộn. Ở nữ giới, ung thư vú có thể được điều trị bảo tồn để giữ lại được tuyến vú, còn ở nam giới, phải cắt bỏ toàn bộ tuyến vú và nạo vét hạch nách. Tùy từng trường hợp, bệnh nhân sẽ được chỉ định điều trị kết hợp hóa trị và xạ trị. Ngoài ra, có thể điều trị nội tiết cho nam giới nếu như có đáp ứng tốt.

 

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn