Ung thư vú, tử cung 'tấn công' phụ nữ sau 40

15:28 | 11/04/2016;
Đa số các bệnh ung thư ở phụ nữ thường gặp ở độ tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh (40-60 tuổi). Các bệnh ung thư thường gặp ở lứa tuổi này bao gồm: Ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng…
kim-tra-ngc.jpg
 Sau mãn kinh, phụ nữ dễ bị ung thư vú tấn công

Mãn kinh là hiện tượng bình thường của quá trình lão hóa, thường xảy ra sau tuổi 40 đối với phụ nữ. Mỗi phụ nữ được sinh ra với số lượng trứng nhất định. Buồng trứng sản sinh ra các kích thích tố estrogen và progesterone, có vai trò kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt và rụng trứng. Mãn kinh xảy ra khi buồng trứng không phóng trứng hàng tháng và chu kỳ kinh nguyệt dừng lại. 

Trong thời kỳ mãn kinh tự nhiên, cơ thể phụ nữ ít sản sinh ra các hormone estrogen và progesterone, gây ra tình trạng kinh nguyệt không đều và cuối cùng dừng lại. Giai đoạn mãn kinh thường bắt đầu ở độ tuổi từ 40 đến 50 tuổi. Tuy nhiên, ở nhiều người, mãn kinh có thể bắt đầu sớm hơn nếu như họ từng điều trị ung thư như phẫu thuật, hóa trị liệu, hoặc hormone làm cho buồng trứng ngừng hoạt động sớm, gọi là mãn kinh sớm. Đây là một trong những tác dụng phụ của các phương pháp điều trị ung thư.

Các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh bao gồm các cơn nóng bừng, đổ mồ hôi đêm, khô âm đạo, giao hợp đau, giảm ham muốn tình dục, loãng xương, kiểm soát bàng quang khó khăn, thay đổi tâm trạng, và mất ngủ.

Theo PGS.TS. Thầy thuốc Nhân dân Đoàn Hữu Nghị, Phó Chủ tịch hội Ung thư Hà Nội, hiện là Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc, phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ mắc các bệnh ung thư cao hơn phụ nữ ở mọi lứa tuổi. Có một số nguyên nhân dẫn đến điều này, bao gồm:  

Tuổi tác: Đa số các bệnh ung thư thường xảy ra trong độ tuổi từ 40 tuổi trở lên - độ tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh. Đây là kết quả của quá trình lão hóa của cơ thể, dễ dẫn tới sự sai sót trong DNA của tế bào, làm tăng nguy cơ ung thư.

Có thời gian dài phơi nhiễm với estrogen: Phụ nữ sau tuổi mãn kinh có nguy cơ cao mắc các bệnh ung thư, chẳng hạn như bệnh ung thư buồng trứng, ung thư vú và ung thư tử cung, vv…. Nguy cơ lớn nếu một người phụ nữ có kinh nguyệt trước tuổi 12. Nguyên nhân là do, nếu bắt đầu kinh nguyệt sớm thì phụ nữ sẽ có thời gian rụng trứng dài hơn, phơi nhiễm với estrogen nhiều hơn, do đó làm tăng nguy cơ mắc ung thư tử cung và ung thư vú. Số lần rụng trứng nhiều hơn bình thường tăng nguy cơ mắc ung thư buồng trứng.

Sử lụng liệu pháp hormone kết hợp: Liệu pháp hormone thay thế hormone (sự kết hợp estrogen và progestin) thường được phụ nữ sau mãn kinh sử dụng nhằm giúp giảm các triệu chứng mãn kinh như nóng ran và loãng xương, được cho là làm tăng nguy cơ mắc ung thư. Các nghiên cứu đã cho thấy, những phụ nữ dùng liệu pháp hormon kết hợp để làm giảm các triệu chứng mãn kinh có nguy cơ cao bị ung thư vú, đau tim, đột quỵ, và các cục máu đông, vv…Vì những rủi ro này, các bác sĩ thường không khuyến khích sử dụng cho phụ nữ, đặc biệt là những phụ nữ có tiền sử ung thư vú hoặc những người có nguy cơ cao bị ung thư vú. Hoặc trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ kê liều thấp trong một thời gian ngắn.

Ngoài ra, theo PGS Đoàn Hữu Nghị, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những phụ nữ được điều trị hormone kết hợp mặc dù không tăng nguy cơ phát triển ung thư phổi nhưng nếu mắc bệnh thì họ có nguy cơ tử vong do ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC) cao hơn. Nghiên cứu cũng cho thấy, nguy cơ tử vong do ung thư phổi cao hơn những phụ nữ có hút thuốc và dùng liệu pháp hormone kết hợp.

Các lợi ích cũng như rủi ro của liệu pháp hormone kết hợp vẫn còn đang gây ra nhiều tranh cãi và các nghiên cứu vẫn đang được thực hiện để tìm hiểu kỹ hơn. Nếu bạn đang xem xét về phương pháp này, hãy nói chuyện với bác sĩ về triệu chứng mình đang gặp phải, lịch sử y tế để được bác sĩ tư vấn các lựa chọn và phân tích những lợi ích cũng như rủi ro.

677cb602-94d9-4cea-a016-94bfaa1b124d.jpg
 Khám tầm soát ung thư định kỳ tại các bệnh viện chuyên khoa ung bướu sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ phát hiện bệnh khi đã muộn.

6 cách phòng tránh ung thư sau tuổi mãn kinh:

  • Hạn chế uống rượu bia;
  • Chế độ ăn uống lành mạnh: Hạn chế chất béo, ăn nhiều rau xanh trái cây, đặc biệt các thực phẩm giàu folate;
  • Duy trì cân nặng hợp lý.
  • Vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày;
  • Tránh dùng liệu pháp hormone nếu không thực sự cần thiết;
  • Thăm khám tầm soát ung thư định kỳ: Để phòng và phát hiện sớm ung thư, phụ nữ từ 40 tuổi trở lên nên thăm khám tầm soát ung thư định kỳ, đặc biệt là các bệnh ung thư như: ung thư vú, cổ tử cung, buồng trứng, đại trực tràng, phổi, vv… Tầm soát ung thư có thể giúp phát hiện ra mầm mống ung thư từ rất sớm, trước khi triệu chứng xuất hiện, tăng cơ hội chữa khỏi bệnh cũng như sống lâu dài.

Độc giả có thể gửi câu hỏi liên quan đến Bệnh ung thư về hòm thư điện tử: scc@thucuchospital.vn để được PGS.TS. Thầy thuốc nhân dân Đoàn Hữu Nghị, Phó Chủ tịch hội Ung thư Hà Nội và các cộng sự tư vấn, giải đáp hoặc liên hệ tới số Hotline: 0907.245.888 để được các chuyên gia tư vấn miễn phí.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn