Hơn 200 triệu trẻ em toàn cầu dưới 5 tuổi thiếu dinh dưỡng hoặc thừa cân
Báo cáo tình hình trẻ em thế giới năm 2019: “Trẻ em, thực phẩm và dinh dưỡng” vừa được công bố bởi UNICEF đã đưa ra cảnh báo: Số trẻ em phải chịu hậu quả từ chế độ ăn uống kém dinh dưỡng và hệ thống thực phẩm không đáp ứng được nhu cầu phát triển của trẻ đang tăng cao một cách đáng báo động!
Báo cáo này chỉ ra rằng, trên thế giới, cứ 3 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ thiếu dinh dưỡng hoặc thừa cân - tương đương với khoảng hơn 200 triệu trẻ em. Cứ 3 trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi thì có 2 trẻ không được cho ăn những thực phẩm giúp trẻ phát triển tốt thể chất và trí não, khiến trẻ có nguy cơ chậm phát triển nhận thức, khả năng học tập kém, miễn dịch thấp, dễ nhiễm bệnh, thậm chí trong nhiều trường hợp, có thể dẫn đến tử vong. Vấn đề trọng tâm của thách thức này là một hệ thống thực phẩm không cung cấp được cho trẻ em chế độ ăn cần thiết để phát triển khỏe mạnh.
“Hàng triệu trẻ em trên thế giới đang tồn tại với chế độ ăn không lành mạnh vì đơn giản là các em không có lựa chọn nào tốt hơn. Cách chúng ta nắm bắt và giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng cần phải thay đổi: Suy dinh dưỡng không đơn thuần chỉ là có đủ thức ăn cho trẻ ăn; mà trên hết là phải có thức ăn lành mạnh để ăn. Đây là thách thức chung của thế giới ngày nay”, bà Henrietta Fore, Giám đốc Điều hành UNICEF, cho biết.
Tại Việt Nam, theo số liệu điều tra dinh dưỡng năm 2017: có 24% trẻ em dưới 5 tuổi thấp còi; 6% trẻ em dưới 5 tuổi gầy còm; 6% trẻ em dưới 5 tuổi thừa cân và hơn 50% trẻ em dưới 5 tuổi bị đói tiềm ẩn.
Nhiều trẻ em Việt Nam không nhận được dinh dưỡng tối ưu
Theo Báo cáo Tình hình Trẻ em Thế giới năm 2019, thói quen ăn uống và việc cho trẻ ăn thực phẩm kém dinh dưỡng đã bắt đầu ngay từ những ngày đầu tiên khi trẻ mới ra đời. Ngay từ giai đoạn đầu đời, nhiều trẻ em Việt Nam đã không nhận được dinh dưỡng tối ưu. Chế độ ăn không đầy đủ của bà mẹ dẫn đến tình trạng thiếu cân hoặc thừa cân khi mang thai và con của họ có nguy cơ bị nhẹ cân sơ sinh. Hơn nữa, chế độ ăn không đầy đủ trong giai đoạn trẻ ăn bổ sung, khi trẻ được 6 tháng đến 2 tuổi - được cho ăn những thức ăn đầu tiên, thường rất phổ biến ở Việt Nam.
“Mặc dù Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trong những thập kỷ qua nhưng suy dinh dưỡng mãn tính hay thấp còi vẫn còn ở mức cao không thể chấp nhận được và tỉ lệ thừa cân sẽ còn tăng”, bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam, chia sẻ. Theo bà Rana, cái giá phải trả sẽ rất cao nếu không giải quyết các dạng thức suy dinh dưỡng ở trẻ em bao gồm thấp còi, nhẹ cân, gầy còm, đói tiểm ẩn, thừa cân. Do đó, cách đầu tư hiệu quả hơn chính là cung cấp các dịch vụ dinh dưỡng thông qua các hệ thống hỗ trợ, bao gồm hệ thống thực phẩm và chăm sóc sức khỏe ban đầu được tăng cường”.
5 cách giải quyết khủng hoảng suy dinh dưỡng
Để giải quyết xu hướng khủng hoảng suy dinh dưỡng ở tất cả các dạng thức đang ngày càng phổ biến, UNICEF kêu gọi khẩn thiết các chính phủ, khu vực tư nhân, các nhà tài trợ, các tổ chức xã hội dân sự, các bậc phụ huynh, gia đình và doanh nghiệp cần phải giúp trẻ em phát triển khỏe mạnh bằng cách:
Tăng quyền năng cho gia đình, trẻ em và thanh thiếu niên để họ có nhu cầu và đòi hỏi thực phẩm dinh dưỡngthông qua cải thiện giáo dục về dinh dưỡng và áp dụng các chính sách có hiệu quả - ví dụ áp dụng thuế đối với đồ ăn thức uống có đường nhằm giảm nhu cầu sử dụng những đồ ăn thức uống không lành mạnh.
Gây ảnh hưởng đến những nhà cung ứng thực phẩm để họ phải có các thực hành đúng đắnđối với trẻ em, thông qua việc khuyến khích sản xuất thực phẩm lành mạnh, thuận tiện, giá thành phải chăng và được bổ sung thêm vi chất dinh dưỡng
Xây dựng môi trường thực phẩm lành mạnh cho trẻ em và thanh thiếu niên thông qua việc áp dụng những phương thức đã được chứng minh là có hiệu quả, như dán nhãn thực phẩm với thông tin chính xác, dễ hiểu và kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động tiếp thịnhững thực phẩm không lành mạnh cũng như các sản phẩm thay thế sữa mẹ.
Huy động các hệ thống hỗ trợ như y tế, nước sạch và vệ sinh, giáo dục và an sinh xã hội - tăng cường kết quả đạt được trong việc cải thiện dinh dưỡng cho tất cả trẻ em.
Thu thập, phân tích và sử dụng số liệu và bằng chứng có chất lượng tốt một cách thường xuyên nhằm định hướng hành động và đánh giá các kết quả đạt được.