Đó là sự đánh giá cao đối với cam kết và nỗ lực không ngừng trong việc thực hiện chính sách nâng cao quyền năng cho phụ nữ tại doanh nghiệp này, với gần 53% quản lý là nữ.
Trong suốt Chiến dịch 16 ngày hành động vì bình đẳng giới và chống bạo lực giới (25/11 - 10/12), Cơ quan Liên hiệp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) kêu gọi các bên liên quan nắm bắt cơ hội và thực hiện các luật và chính sách dựa trên giải pháp để tạo ra sự thay đổi tích cực trong xã hội về thực hiện bình đẳng giới và bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái.
Theo UN Women, những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, kéo theo những khủng hoảng về kinh tế - xã hội đã và đang đe dọa thành tựu trong thu hẹp khoảng cách giới trong suốt những thập kỷ qua. Gần 510 triệu người, tức là 40% số lao động nữ toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nhất. Do đó, việc xóa bỏ khoảng cách giới trong việc làm cần ưu tiên hàng đầu. Ở góc độ kinh tế và phát triển, việc thúc đẩy bình đẳng giới và loại bỏ các rào cản đối với phụ nữ sẽ giúp GDP thế giới tăng trưởng thêm 8,3% hàng năm và đóng góp thêm 4,5 nghìn tỷ USD vào tổng GDP của châu Á-Thái Bình Dương tới năm 2025. Theo UN Women, trên toàn thế giới đã có 3.358 lãnh đạo doanh nghiệp cam kết ủng hộ các Nguyên tắc Trao Quyền cho Phụ nữ (WEPs). Nếu thêm 1 thành viên nữ trong Ban lãnh đạo, doanh nghiệp sẽ tăng 8-13 điểm lợi nhuận/tổng tài sản. Tuy nhiên tỉ lệ nữ tham gia các vị trí quản lý vẫn còn dưới 30% trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Chính phủ Việt Nam rất cam kết và đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể, nổi trội so với các nước trong khu vực, trong thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách giữa mục tiêu và kỳ vọng với con số thực tế về phụ nữ tham gia lãnh đạo và quản lý. Bộ Luật Lao động sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 đã đánh dấu những bước tiến quan trọng trong việc giảm khoảng cách giới và phân biệt đối xử tại nơi làm việc. Tại Việt Nam, nữ giới chiếm khoảng 30% các vị trí quản lý cấp cao và gần 14% các vị trí trong hội đồng quản trị. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), đa dạng giới là một chiến lược kinh doanh thông minh, giúp tăng lợi nhuận và năng suất, tăng khả năng giữ chân nhân tài và thúc đẩy đổi mới, sáng tạo.
Trong xu hướng đó, Unilever đã và đang nỗ lực trong việc hiện thực hóa Mục tiêu phát triển bền vững số 5 về bình đẳng giới của Liên hợp quốc và tạo ra "Bình đẳng thế hệ" mới trong kinh doanh. Unilever hiểu rằng, khi thế giới càng bình đẳng và hòa nhập, khi phụ nữ càng phát triển thì doanh nghiệp càng phát triển. Unilever xây dựng chiến lược toàn diện, chỉ tiêu cụ thể và hiện thực hóa lộ trình cân bằng tỷ lệ nam nữ ở các phòng ban và cấp lãnh đạo; cam kết xây dựng và thiết kế nơi làm việc bình đẳng với các chính sách an sinh xã hội bình quyền trong một doanh nghiệp bình đẳng giới, nâng cao vai trò phụ nữ. Unilever đã phá vỡ "bức trần kính", rào cản tiến thân của nữ giới tại văn phòng với việc xây dựng lộ trình đào tạo, phát triển, từ đó là đề cử nữ giới vào những vị trí lãnh đạo của doanh nghiệp. Unilever tăng thời gian nghỉ thai sản, cung cấp dịch vụ chăm sóc tốt hơn cho phụ nữ nuôi con nhỏ. Với sự cam kết và sự tích cực trong việc đưa ra chính sách và hành động cụ thể nhằm nâng cao quyền năng cho phụ nữ phát triển, Unilever đã có gần 53% quản lý là nữ.
Chủ tịch Unilever Việt Nam Nguyễn Thị Bích Vân (giữa) nhận giải Lãnh đạo cam kết do UN Women trao tặng
Nỗ lực của Unilever đã được ghi nhận xứng đáng. Ngày 26/11/2020, Unilever Việt Nam đã nhận được 2 giải thưởng WEPs: Giải Lãnh đạo cam kết và giải Bình đẳng giới tại nơi làm việc. Ở Unilever, việc thực hành, vận dụng các Nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ đều vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, và của cộng đồng. Doanh nghiệp này hướng đến hình mẫu áp dụng thành công mô hình kinh doanh bền vững dựa trên nền tảng bình đẳng là thịnh vượng, hợp tác cùng các đối tác và các công ty khác nhằm mang lại tác động sâu sắc cho một Việt Nam tốt đẹp hơn. Unilever VN mong muốn chia sẻ các phương pháp hay nhất và truyền cảm hứng cho các đối tác kinh doanh trong chuỗi giá trị, bao gồm các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khách hàng và nhà bán lẻ để nắm bắt thông điệp về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Ngoài ra, Unilever luôn nâng cao nhận thức và giao tiếp với người tiêu dùng về các vấn đề bình đẳng giới thông qua các chiến dịch sáng tạo và đổi mới sản phẩm.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân - Chủ tịch của Unilever Việt Nam khẳng định: "Tại Unilever, chúng tôi muốn trở thành một doanh nghiệp hòa nhập để đóng góp vào một thế giới bình đẳng, không phân biệt giới tính, vùng miền, tôn giáo, chủng tộc hay các đặc điểm khác. Điều đó có nghĩa là một thế giới mà ở đó mọi phụ nữ và trẻ em gái đều có thể tạo ra cuộc sống mà mình mong muốn, không bị gò bó bởi những chuẩn mực và định kiến xã hội. Tại Việt Nam, chúng tôi không ngừng trao quyền cho phụ nữ trong chuỗi giá trị của mình và sử dụng tiếng nói của các thương hiệu để đưa giá trị này vào toàn xã hội, giúp hàng triệu phụ nữ Việt Nam cải thiện cuộc sống của họ".
Theo bà Bích Vân, thực hiện mục tiêu này trong những năm qua đã mang lại cho Unilever rất nhiều niềm vui và hứng khởi, thúc đẩy một môi trường làm việc hòa nhập cho tất cả mọi người, đặc biệt là các nhân viên nữ. Với việc tham gia ứng cử giải thưởng Các nguyên tắc trao quyền cho Phụ nữ, Unilever mong muốn cùng với Liên Hiệp Quốc và các doanh nghiệp tiên phong khác triển khai và thúc đẩy những kinh nghiệm trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn