Đến với Lễ trao giải thưởng "Phụ nữ tự tin khởi nghiệp" do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (Hội LHPNVN) tổ chức ngày 13/10 vừa qua tại Hà Nội, chị Trần Như Hoa – chủ xưởng may Hoa Như, Nghệ An, không nén nổi vui mừng khi biết dự án phát triển xưởng may Hoa Như với quy mô 10 nhân viên là các phụ nữ khuyết tật, khó khăn đã được Unilever Việt Nam nhận tài trợ trong giai đoạn tới.
Bị khuyết tật vận động, đơn thân nuôi con, chị Hoa hiểu rõ hơn hết những khó khăn đối với phụ nữ khuyết tật. Chị từng làm rất nhiều nghề để kiếm sống như buôn bán trái cây, làm thuê... song đều không thành bởi không phù hợp với sức khỏe và điều kiện của chị. Cách đây 6 năm, chị bắt đầu vừa làm vừa học nghề may và nỗ lực để có tay nghề tốt. Nhận thấy nghề may phù hợp với phụ nữ khuyết tật, chị đã mạnh dạn thành lập xưởng may Hoa Như, với hai dòng sản phẩm chính là sản phẩm thời trang cho nữ và các sản phẩm tái chế từ vải vụn, góp phần bảo vệ môi trường.
Dự án xưởng may Hoa Như tham gia vào cuộc thi "Phụ nữ tự tin khởi nghiệp" của Hội LHPNVN đã được đánh giá cao và vinh dự được trao 3 giải thưởng cấp quốc gia. Đồng thời, dự án của chị còn nhận được giải thưởng đặc biệt từ Công ty Unilever Việt Nam - một đối tác chiến lược của Hội LHPNVN. Vui mừng khôn xiết, chị Như Hoa chia sẻ: "Phụ nữ nói chung và phụ nữ khuyết tật nói riêng khát khao khởi nghiệp, để có thể tự chủ về tài chính và cải thiện cuộc sống của mình. Tôi rất vui mừng và cảm động khi nỗ lực được ghi nhận và dự án được Unilever Việt Nam đứng ra hỗ trợ. Có nguồn giúp đỡ, có bạn đồng hành, Hoa Như sẽ được chắp cánh để tiếp tục giúp chị em phụ nữ khẳng định bản thân và có cuộc sống tốt đẹp hơn".
Cách đây 25 năm, ngay từ khi bắt đầu hiện diện tại Việt Nam, xuất phát từ cam kết "giúp người dân Việt Nam có một cuộc sống tốt đẹp hơn", đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em, Unilever đã xác định đây là một nền tảng cơ bản trong kế hoạch phát triển bền vững của mình. Doanh nghiệp đã triển khai nhiều chương trình và sáng kiến trong thời gian lâu dài, bền bỉ nhằm thúc đẩy nâng cao quyền năng cho phụ nữ.
Từ năm 2007 đến nay, Unilever hợp tác với Hội LHPNVN triển khai chương trình "Nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ thông qua phát triển kinh doanh và giáo dục sức khỏe", với mục tiêu hỗ trợ phụ nữ nghèo trên cả nước cải thiện chất lượng cuộc sống. Ba trụ cột hoạt động chính của Chương trình bao gồm Quỹ Tài chính vi mô, Đồng hành hỗ trợ phụ nữ Việt khởi sự kinh doanh và các chương trình tuyền thông cộng đồng về sức khỏe, vệ sinh, dinh dưỡng, bảo vệ môi trường… Tính đến hết 2019, chương trình hợp tác giữa Unilever Việt Nam và Hội LHPNVN đã tiếp cận được với 3,5 triệu phụ nữ và giúp gần 48.000 hộ gia đình vay vốn tài chính vi mô để cải thiện đời sống.
Năm 2020, Unilever đưa ra sáng kiến phối hợp cùng Hội LHPNVN triển khai chương trình "Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế". Chương trình được triển khai bắt đầu từ năm 2020 đến năm 2025 với mục tiêu hỗ trợ hàng trăm nghìn phụ nữ được truyền cảm hứng, trang bị kiến thức kỹ năng, nguồn vốn vốn đề khởi nghiệp hoặc khởi sự kinh doanh. Trong năm nay, chương trình "Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế" đã và đang được triển khai tại 10 tỉnh trên toàn quốc với nhiều hoạt động đa dạng.
Tháng 8 vừa qua, trong khuôn khổ Diễn đàn doanh nghiệp "Bình đẳng là thịnh vượng" do Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, Cơ quan Liên hiệp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam phối hợp tổ chức, Chủ tịch Unilever Việt Nam, bà Nguyễn Thị Bích Vân, đã cùng với 20 doanh nghiệp lớn khác tại Việt Nam ký cam kết tuyên bố ủng hộ nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ (WEPs) - một sáng kiến của Liên Hiệp quốc. Các nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ bao gồm bảy bước mà các doanh nghiệp có thể thực hiện để trao quyền cho phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc, trên thị trường và trong cộng đồng.
Là một doanh nghiệp có số lượng lớn nhân viên là nữ giới, Unilever Việt Nam đã tích cực thúc đẩy bình đẳng giới thông qua các chính sách như nghỉ thai sản và chăm sóc trẻ em, chương trình cố vấn cho chị em phụ nữ trong giai đoạn chuyển tiếp công việc… Nhờ đó, Unilever Việt Nam đạt được những chỉ số bình đẳng giới rất cao, nữ giới chiếm tới 52% vị trí quản lý, thậm chí nắm giữ vị trí lãnh đạo cấp cao.
Khẳng định tầm nhìn của Tập đoàn trong nỗ lực trao quyền cho phụ nữ, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch của Unilever Việt Nam cho biết: "Tại Unilever, chúng tôi muốn trở thành một doanh nghiệp hòa nhập để đóng góp vào một thế giới bình đẳng, không phân biệt giới tính, vùng miền, tôn giáo, chủng tộc hay các đặc điểm khác. Điều đó có nghĩa là một thế giới mà ở đó mọi phụ nữ và trẻ em gái đều có thể tạo ra cuộc sống mà mình mong muốn, không bị gò bó bởi những chuẩn mực và định kiến xã hội. Tại Việt Nam, chúng tôi không ngừng trao quyền cho phụ nữ trong chuỗi giá trị của mình và sử dụng tiếng nói của các thương hiệu để đưa giá trị này vào toàn xã hội, giúp hàng triệu phụ nữ Việt Nam cải thiện cuộc sống của họ".
Sáng kiến của Unilever phối hợp với Hội LHPNVN triển khai Chương trình "Phụ nữ Việt khởi sự làm kinh tế" năm 2020 hướng tới hỗ trợ 2.000 phụ nữ được truyền cảm hứng, 1.000 ý tưởng kinh doanh được kết nối vốn vay tài chính vi mô, gần 1.000 chị em phụ nữ được đào tạo tập huấn kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, 30 ý tưởng kinh doanh tiêu biểu được trao giải thưởng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn