PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương chia sẻ, từ năm 16 tuổi, chị đã có ước mơ được làm bác sĩ. Trong quá trình học, chị nhận ra, cứu người không nhất thiết phải là bác sĩ, có nhiều cách để mang lại lợi ích cho cộng đồng và xã hội. Thu Phương quyết định nghiên cứu sâu hơn về dược.
Sau khi tốt nghiệp bác sĩ đa khoa, chị trở thành giảng viên môn y dược của trường Đại học Y dược Hải Phòng. Để tiếp tục mở mang kiến thức về ngành này, Thu Phương đã đi nghiên cứu sinh tại Hàn Quốc. Tại đây, chị được học các ngành dược lý di truyền, dược liệu học… và nhận được học bổng của Chính phủ Hàn Quốc với nhiều nghiên cứu khoa học thực tiễn.
Sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ tại Hàn Quốc, Thu Phương muốn mang thành quả nghiên cứu của mình về áp dụng trong điều trị cho bệnh nhân tại Việt Nam. Một công trình nghiên cứu tiêu biểu của chị là "Phát triển mô hình dược động học dựa trên sinh lý của Ethionamide ở trẻ em tích hợp sự phát triển theo thời gian enzyme flavin monooxygenase 3 (FMO3)".
Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc quyết định liều dùng chỉ theo cân nặng hoặc chỉ theo tuổi tác chưa thực sự tối ưu đối với bệnh nhi mắc lao đa kháng. Các nghiên cứu của chị dựa trên cách tiếp cận cá thể theo độ tuổi, cân nặng, tình trạng chuyển hóa của enzyme FMO3 ở gan, giúp nâng cao hiệu quả và đảm bảo an toàn khi sử dụng ethionamide ở trẻ em.
Hiệp hội Dược lý lâm sàng Hoa Kỳ đã trao giải Nhất cho nghiên cứu này tại Hội nghị thường niên năm 2018.
Trong 10 năm trở lại đây, chị có 15 công trình nghiên cứu và có nhiều nghiên cứu được công bố trên các tạp chí y khoa uy tín trong nước và quốc tế. Hiện tại, chị đang cùng đồng nghiệp phát triển kỹ thuật dược lý di truyền trong sàng lọc các gene dị ứng thuốc, giúp bệnh nhân dự phòng dị ứng thuốc.
"Dị ứng thuốc có nhiều cơ chế khác nhau, trong đó các cơ chế mà tôi mong muốn hướng tới là tác hại của thuốc ảnh hưởng trên da", PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương cho biết.
Chia sẻ về hành trình nghiên cứu của mình, chị Thu Phương cho biết, khó khăn của người làm khoa học chính là đưa kết quả nghiên cứu của mình áp dụng vào thực tiễn.
"Ví dụ, dự án thuốc lao cho trẻ em năm 2017 của tôi từng gặp khó khăn do không tìm được hướng đi mới trong tiến trình thực hiện, kết quả không như kỳ vọng. Thời điểm này, tôi từng nghi ngờ bản thân, không biết có nên tiếp tục nghiên cứu hay dừng lại, hoặc tìm hướng đi khác. Thế nhưng tôi đã không bỏ cuộc, cố gắng tìm cách tháo gỡ, vượt qua khó khăn", Trưởng khoa Dược học (Đại học Y dược Hải Phòng) chia sẻ.
Trong công tác giảng dạy, chị cùng với lãnh đạo khoa và các bộ môn đưa ra những phương án đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tích hợp và hội nhập, góp phần nâng cao chất lượng đầu ra của sinh viên.
Bên cạnh đó, chị triển khai nhiều hoạt động để thúc đẩy nghiên cứu khoa học của các giảng viên trong khoa thông qua các buổi trao đổi chuyên môn, đào tạo, tập huấn cho giảng viên trẻ. Nhờ đó, Khoa Dược học luôn là một trong các đơn vị đi đầu toàn trường về công tác đổi mới giảng dạy cũng như thành tích công bố công trình nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế.
Trên con đường nghiên cứu khoa học của mình, chị khẳng định, gia đình không bao giờ là gánh nặng mà luôn là động lực để chị bước tiếp. Thành công của Phó Giáo sư 38 tuổi này phần lớn đến từ mẹ và từ người bạn đời. Ông xã luôn động viên để chị sống với hoài bão và ước mơ của mình.
Bởi vậy, cùng với sự lớn lên của các con, những công trình nghiên cứu khoa học của chị cũng ngày một nhiều hơn. Thu Phương mong muốn tận dụng nguồn dược liệu của Việt Nam để tiếp tục nghiên cứu, phát triển nguồn thuốc có chất lượng, đáp ứng nhu cầu chữa bệnh của ngành y, mang lại giá trị sức khỏe cho cộng đồng.
Với những cống hiến không ngừng của mình, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương đã được Bộ Y tế tặng Bằng khen vì thực hiện xuất sắc nhiệm vụ kế hoạch công tác năm 2020-2022; Bằng khen của Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng năm 2022 vì có thành tích xuất sắc trong phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo. Vừa qua, chị có 2 sáng kiến đạt giải tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật công nhân lao động thành phố Hải Phòng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn