Sau thời gian đầu loay hoay, chật vật với cảnh chợ búa, buôn thúng bán mẹt, mẹ quyết định ở nhà nhận trông các em bé từ 1 tuổi trở lên. Lúc ấy, xã hội chưa có nhiều trường mầm non tư thục như bây giờ, đa phần là các nhóm trẻ gia đình. Xung quanh nhà tôi có nhiều nhóm trẻ tự phát như thế.
Tính mẹ cẩn thận, sạch sẽ, tinh thần trách nhiệm cao nên rất uy tín trong công việc. Lúc nào cũng có người đến hỏi gửi, thậm chí họ còn “đặt chỗ” từ lúc mang bầu.
Để được mọi người yêu mến như vậy, mẹ phải làm việc rất vất vả. Vì bọn trẻ đa phần hay lười ăn, dễ nôn trớ, mỗi khi thời tiết thay đổi lại ho hắng, ốm đau, quấy khóc, đi ngoài... Ngoài ra, còn phải nấu cháo, nấu bột, tắm rửa, giặt giũ cho các bé nữa. Bao nhiêu việc phải làm, bao nhiêu chuyện phải lo. Từ sáng sớm đến tối mịt, lúc nào mẹ cũng tất bật, vội vã hết việc này đến việc khác.
Tôi chỉ có thể phụ giúp mẹ những lúc đi học về nhưng vẫn vừa làm vừa cáu gắt với cái tính tham công tiếc việc, trách nhiệm thái quá của mẹ. Ngày đó, tôi nhỏ dại, chưa biết yêu trẻ bằng tấm lòng của một người mẹ như bây giờ, lại càng chưa hiểu được nỗi lo của những người có con đem gửi, nên suy nghĩ mọi việc thật đơn giản. Còn mẹ tôi thì kiên trì, nhẫn nại, hết tâm hết sức với mong muốn ai cũng phải hài lòng, tin tưởng nhất mực khi trao đứa con yêu quý của họ cho mẹ.
Không ngờ công việc chỉ có tính tạm thời ngày ấy lại là cái nghiệp gắn bó cả đời với mẹ, bao lần bảo nghỉ mà không thể nghỉ được. Chỉ tại tôi ốm đau, bệnh tật nên mẹ phải phụ giúp về tài chính. Chỉ tại tôi chẳng biết làm gì khác để tạo ra thu nhập ổn định cho bản thân nên mẹ mới vất vả mãi như thế!
Giờ đây, tôi thay mẹ là người trông các bé, mẹ chỉ phụ giúp. Nhưng với một người ngoài 70 tuổi, sức đã cạn, tâm đã mệt thì ước mong duy nhất lúc nay là được nghỉ ngơi hoàn toàn, không vướng bận chút nào đến bọn trẻ nữa. Thương mẹ và thấy mình có lỗi biết bao với ước mong giản dị ấy!