"Từ trước tới nay, hình ảnh người phụ nữ, người mẹ luôn gắn với sự phát triển của âm nhạc Việt Nam. Viết về mẹ, về phụ nữ là nhu cầu tự nhiên của hầu hết nhạc sĩ chuyên nghiệp hay bán chuyên nghiệp.
Trong danh sách những tác phẩm hay nhất của âm nhạc Việt Nam, có lẽ phải đến hơn nửa là có bóng dáng của các mẹ, các chị, các em.
Vì vậy, Cuộc thi sáng tác ca khúc ca ngợi người phụ nữ, người mẹ Việt Nam do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và Hội Nhạc sĩ Việt Nam phát động thực sự thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng của các nhạc sĩ và là động lực để họ tiếp tục sáng tác về đề tài này.
Mục tiêu của cuộc thi là tìm kiếm những ca khúc mới được sáng tác theo phong cách âm nhạc thịnh hành, hiện đại, không chỉ ca ngợi những phẩm chất truyền thống mà còn là phẩm chất thời đại mới của người phụ nữ Việt Nam.
Đó là sự tự tin, tự trọng, có tri thức, sức khỏe, có đạo đức, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước. Vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới có thể gắn với những hình ảnh mới như chính trị gia, nhà khoa học, nữ phi công, người mẹ đỡ đầu chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi…
Âm nhạc phải bám sát thực tế, mang hơi thở cuộc sống thì mới có thể chinh phục được công chúng. Chúng tôi mong rằng, Hội LHPN Việt Nam sẽ tạo điều kiện để các nhạc sĩ được đi thực tế, gặp gỡ những người phụ nữ điển hình ở các lĩnh vực, vùng miền khác nhau, nuôi dưỡng cảm xúc để sáng tạo.
Tôi tin rằng, với chủ trương và sự đầu tư của Hội LHPN Việt Nam, cũng là mong muốn của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, chúng ta sẽ có những ca khúc đa dạng, chất lượng, thậm chí không chỉ là ca khúc mà còn có những tác phẩm âm nhạc lớn về đề tài phụ nữ, chẳng hạn như thể loại hợp xướng".
NSND Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam
"Với sự tham gia tích cực của các hội viên danh dự, phong trào phụ nữ tại địa phương đã có những chuyển biến. Đặc biệt trong một số hoạt động đặc thù như tuyên truyền, vận động những đối tượng bạo lực gia đình là nam giới thì sự có mặt của hội viên danh dự là nam giới rất cần thiết, góp phần từng bước giảm các vụ bạo lực gia đình xảy ra tại địa phương.
Tôi mong Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả của "Tổ truyền thông cộng đồng" trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; ứng dụng công nghệ thông tin để đa dạng hóa công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức.
Hội cần tiếp tục triển khai việc công nhận hội viên danh dự nói chung, hội viên danh dự là nam giới nói riêng, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn để trở thành hội viên danh dự đến đông đảo người dân.
Đồng thời, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội, trong đó chú trọng thu hút nam giới đồng hành cùng hội viên phụ nữ, vận động các thành viên trong gia đình tham gia các phong trào của Hội, qua đó lựa chọn những người đủ điều kiện, tiêu chuẩn để được công nhận hội viên danh dự".
Ông Nông Văn Thế, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nhạn Môn, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn
"Được công nhận là hội viên danh dự Hội LHPN Việt Nam vào tháng 3/2023, tôi thấy rất phấn khởi. Từ trước đến nay, việc nào của Hội nếu cần là tôi xung phong ngay, nhất là hoạt động của Hội phụ nữ chung cư nơi tôi ở. Chung cư có hơn 700 căn hộ với hơn 3.000 người.
Khi tham gia với Hội, tôi có thêm nhiều niềm vui, công tác tuyên truyền, vận động người dân, phụ nữ cũng trở nên dễ dàng hơn. Tôi mong muốn Hội sẽ tổ chức các hoạt động gắn kết hội viên danh dự như tổ chức gặp mặt cuối năm.
Hiện nay, phường tôi có 10 nam giới đã được công nhận là hội viên danh dự. Nếu được gắn kết qua các hoạt động chung, vai trò của hội viên danh dự sẽ được thể hiện rõ nét hơn, giúp nhiều nam giới biết đến phong trào, hoạt động của Hội hơn.
Tôi cũng mong, trong các dịp lễ Tết, Hội sẽ tổ chức thêm hoạt động chăm lo, hoạt động gắn kết phụ nữ tại các chung cư trên địa bàn".
Ông Nguyễn Đình Tốn, 70 tuổi, Tổ trưởng Tổ dân phố 70B, phường Hòa Thạnh (quận Tân Phú, TPHCM)
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn